MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội lo ngại về sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội

Kinh tế đã có sự tăng trưởng song lại chủ yếu nhờ “máu ngoại”, trong khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội lại rất yếu kém.

Những lo ngại trên được các đại biểu Quốc hội đưa ra khi bàn luận về tình hình kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, tham gia đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định thương mại, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn và lo ngại về sức cạnh tranh của khối nội trên sân nhà trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn của DN nước ngoài.

Mặc dù chính sách thu hút DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vừa qua là tốt, song theo Đại biểu Nguyễn Thạch Hồng (Bình Dương), có những yếu tố không tích cực mà thu hút FDI mang lại, khi ảnh hưởng đến chính sự phát triển nội lực của DN Việt Nam.

“Sốt ruột” nội lực yếu kém

“Khu vực kinh tế FDI phát triển tốt trong khi nội lực của ta rất yếu kém. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này, đánh giá những tác động dài hạn, có chính sách để khắc phục và xử lý vấn đề này” – Đại biểu Nguyễn Thạch Hồng đề nghị.

Trong khi đó, Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) thì băn khoăn các chính sách khơi dậy nguồn lực nội lực của các địa phương và DN hiện nay là chưa thoả đáng. Dẫn chứng, đối với các DN trong nước hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, mặc dù có rất nhiều viện nghiên cứu và sử dụng ngân sách.

Song đến nay, Việt Nam vẫn chưa công bố được sản phẩm hàng hóa chủ lực của từng vùng, từng địa phương. Sản xuất vẫn theo quy mô manh mún, nhỏ lẻ nên sản phẩm không mang lại giá trị cao, DN thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, đại biểu Nguyễn Văn Thanh (Vĩnh Long), bày tỏ nỗi băn khoăn khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), người sản xuất, DN chưa nhận thức đầy đủ về sức sản xuất, năng lực cạnh tranh để có sự chuẩn bị cho tốt.

Trong khi đó, chính sách tín dụng dù đã có nhưng điều kiện tiếp cận là cực kỳ khó, chu kỳ và thời gian quay vòng vốn, lãi suất không phù hợp, nên DN nhỏ không có vốn để mở rộng quy mô. Chính sách đất đai và thuế còn nhiều bất cập, chính sách phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế.

Do đó, đại biểu Võ Hồng Cự đề nghị cần sớm rà lại cơ chế chính sách đồng bộ, nhất là các chính sách ưu đãi cho DN Việt Nam như thuế, tín dụng, đất đai, tạo sự liên kết sản xuất nhất là các DN nhỏ và vừa, DN Việt Nam với DN FDI và DN nông nghiệp, nông thôn.

Phát triển kinh tế tư nhân làm động lực?

Đại biểu Đặng Thành Tâm (TPHCM) cũng bày tỏ nỗi lo ngại khi những Hiệp định thương mại tự do đang đến gần hư TPP, FTA với EU, Liên minh Hải quan… song mức độ DN hiểu biết và nắm bắt thông tin về các hiệp định còn hạn chế. Trong khi công tác tuyên truyền thì vẫn chưa mang lại hiệu quả, nên khiến cho DN lúng túng và chưa nắm rõ thông tin hội nhập.

Thẳng thắn thừa nhận những yếu kém của nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, chỉ rõ trong khi khối DN nước ngoài thì phát triển “khá”, còn khối kinh tế trong nước lại yếu.

“Từ DN ngoài quốc doanh, DN Nhà nước cho tới toàn bộ các hoạt động kinh tế xã hội của ta cho thấy còn nhiều yếu kém, mà giờ hội nhập đến nơi rồi. Ta phải tiếp tục kêu gọi, mở cửa đầu tư góp phần vào tăng trưởng kinh tế của nước nhà và họ (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI - PV) tự biết làm thế nào để phát triển bền vững. Còn giờ ta phải có cách nào nâng cao sức cạnh tranh trong nước, đổi mới DN trong nước” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Trong đó, việc đổi mới DN trong nước cần phải tập trung vào tái cơ cấu, phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của đất nước. Phát triển công nghiệp hóa phải trên cơ sở theo hướng hiện đại, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển nguyên phụ liệu, để giảm nhập khẩu, giảm áp lực nhập siêu.

PV

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên