MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Đầu tư ngoài ngành cũng là do chủ trương của Nhà nước!"

Khi thành lập các ngân hàng thì có quy định: trong các cổ đông chiến lược phải có một Tập đoàn nhà nước tức là cần có “anh cả đỏ”. Và các TĐ Nhà nước đều được ưu đãi khi tham gia góp vốn.

Thời gian qua, nhiều vụ vi phạm pháp luật rất “tầm cỡ” trong các ngân hàng, các Tập đoàn nhà nước đã được đưa ra ánh sáng. Khi những sự kiện như thế xảy ra, người ta luôn đặt câu hỏi về phía các cơ quan kiểm tra, giám sát.

Tại buổi Họp báo công bố kế hoạch kiểm toán 2014 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) diễn ra vào sáng ngày 18/02/2013, trả lời thắc mắc về “vụ Huyền Như”, ông Lê Minh Khái – Phó tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho rằng, khi kiểm toán một Ngân hàng, kiểm toán chỉ có thể thực hiện bằng cách chọn mẫu. Vụ việc xảy ra ở 1 phòng giao dịch nào đó thì có thể phòng giao dịch đó đã không thuộc nhóm mẫu mà kiểm toán lựa chọn.

Bản thân Ngân hàng có hệ thống kiểm soát nội bộ nhưng vẫn để lọt sai phạm bởi vì “trong nhiều người tốt thì có nhiều người xấu”, những người làm kiểm tra giám sát nội bộ đều muốn bằng mọi cách phải phát hiện ra những vụ việc này nhưng “con người không phải “thánh” để phát hiện hết được”.

Ông Khái cũng chia sẻ rằng hàng năm, số vụ việc vi phạm có tăng lên và các cơ quan có trách nhiệm rất cương quyết trong mọi việc hơn nhưng… “cũng khó”. Và qua những “Huyền Như” thế này, có thể nói rằng đó là một bài học đối với ngành kiểm toán.

Nhân đó, đánh giá về công tác kiểm toán nội bộ của Ngân hàng, công ty tài chính hiện nay, ông Khái cho biết, qua quá trình làm việc với 5 Ngân hàng có vốn Nhà nước, ông thấy rằng mỗi Ngân hàng đều có bộ phận kiểm toán nội bộ (KTNB) tương đối tốt về cơ cấu, có quy chế quy trình và hoạt động tương đối độc lập và giúp cho KTNN rất nhiều.

Nói riêng về những cuộc kiểm toán tại các Công ty tài chính thuộc các Tập đoàn, tổng công ty, ông Khái tự hào cho biết trong 4 vụ việc năm 2013 thì có vụ việc của Tổng Công ty tài chính Sông Đà, công ty cho thuê tài chính của Agribank (ALCII) cũng là do KTNN phát hiện và đề nghị.

Ngoài ra, vụ việc liên quan đến Tổng Công ty tài chính Sông Đà và Công ty tài chính Thủy sản, Ngân hàng nông nghiệp chi nhánh Bình Phú, Hồ Chí Minh trong việc cho vay BĐS không theo đúng quy trình sẽ được chuyển sang cơ quan điều tra, đợi tổng hợp sẽ công bố.

Có 5 vụ việc, trong đó có vụ mua bán ngoại tệ liên quan đến Tập đoàn Hóa chất của 3 Ngân hàng HSBC, Agribank, China Trust Bank… đã được chuyển hồ sơ điều tra.

Ngoài ra, trong kế hoạch năm 2014 của KTNN, việc kiểm toán học phí, viện phí tại 2 thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ được kiểm toán riêng nhưng không phải là chuyên đề trọng tâm. Còn kiểm toán việc sử dụng đất bắt buộc phải làm.

Trước câu hỏi về việc kiểm toán tại các doanh nghiệp FDI, ông Mai Xuân Hùng – phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội đã chia sẻ:

“ Trong thời gian 3, 4 năm trước, đối với chúng ta, thành công là thu hút được nhiều nhà đầu tư nhưng việc nhà đầu tư đưa tiền vào hay không thì chưa cần biết. Có những Doanh nghiệp FDI đăng ký vốn tới 1,6 tỷ USD nhưng tiền thật đổ vào chỉ có 200 triệu USD. Khi hoàn thành dự án ấy thì họ lại mang về nước họ tài sản tương đương với 1,6 tỷ. Không chỉ thế, họ còn trốn thuế ở Việt Nam.

Những vấn đề ấy chúng tôi đều biết rất rõ và đang tìm cách khắc phục.”

Quả thực, trong giai đoạn đầu khi thu hút FDI thì chính phủ Việt Nam phải cho qua chuyện này ít nhiều. Nhưng rồi vấn đề này càng biểu hiện rõ hơn thì không thể không đặt ra những câu hỏi.

Ông Hùng tiếp tục chia sẻ về sự khó khăn trong cơ chế pháp luật để xử lý. Theo ông, 3 năm gần đây, một số chính sách cơ bản đã có được thì cũng bất cập về việc thực thi. UBKT đã có những báo cáo riêng về việc chuyển giá của FDI lên Chính phủ. Ông hy vọng rằng “Đến lúc, chúng ta có thể lựa chọn được NĐT thực sự.”

Vì thế, ông Hùng cho rằng vai trò của KTNN ở đây là bằng nghiệp vụ và năng lực phát hiện từ xa các dấu hiệu vi phạm. “Việc chuyển giá ít hay nhiều là nhờ kỹ năng phát hiện của mình”.

Về việc EVN không được đầu tư ngoài ngành, phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cũng đánh giá, việc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2015, các Tập đoàn, công ty nhà nước phải thoái hết vốn ngoài ngành là “Một việc rất khó”.

“Vì khi thành lập một tập đoàn, chúng ta đã chủ trương là đa ngành. Theo chủ trương này, các tập đoàn mới hoạt động đa ngành như vậy. Nhưng trong nền kinh tế thị trường, các Tập đoàn, tổng công ty lại tập trung vào những việc có lợi trước mắt như đầu tư vào Ngân hàng, BĐS, Chứng khoán.

Đồng thời, khi việc ồ ạt thành lập các Ngân hàng được phê chuẩn thì có quy định: trong các cổ đông chiến lược phải có một cổ đông chiến lược nhà nước tức là cần có các “anh cả đỏ” ở trong. Và các Tập đoàn Nhà nước đều được ưu đãi khi tham gia góp vốn.”

Chỉ sau khi khủng hoảng tài chính nổ ra thì bắt đầu lộ ra nhiều vấn đề.

Ông Hùng phát biểu: “qua bài học này, chúng ta phải làm, phải đi đúng chuyên môn của mình, không chộp giật.”

Nói riêng về EVN, ông nhận xét nguồn vốn của EVN đang có vấn đề, không chỉ nợ ngân hàng mà còn nợ các công ty khác nhiều. Có thể nay mai lại tiếp tục phát hiện ra những vấn đề tương tự ở các tập đoàn khác. Vì vậy năm 2014 vẫn phải kiên định với chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng hợp lý. “Có thể hơi chậm một chút nhưng về lộ trình tôi cho là vừa phải để uốn nắn lại” – ông Hùng kết luận.

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên