MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam chỉ cao hơn Apple

Theo Công ty Brand Finance tại Việt Nam, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2014 được định giá khoảng 172 tỷ USD, chỉ cao hơn thương hiệu doanh nghiệp được định giá lớn nhất thế giới là Apple với 170 tỷ USD.

Ông Lại Tiến Mạnh, Đại diện của Brand Finance đã nói như vậy tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam năm 2015 do Bộ Công Thương tổ chức vào sáng 4/8 tại Hà Nội.

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng lên mạnh mẽ khi năm 2013 hãng Brand Finance định giá khoảng 133 tỷ USD, đã tăng lên 172 tỷ USD trong năm 2014. Như vậy, trong bảng xếp hạng trên Hội Liên hiệp, thương hiệu quốc gia Việt Nam có đứng thứ 42 trong tổng số 100 nước trên thế giới; đứng thứ 15 tại châu Á.

Thiếu thương hiệu toàn cầu

Tuy nhiên, xét trong khu vực Đông Nam Á thì thương hiệu Việt Nam đứng thứ 6 trong tổng số 8 nước được đánh giá xếp hạng. Thương hiệu quốc gia Việt Nam đứng sau rất nhiều nước như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và chỉ đứng trước Cambodia và Brunei.

Điều đáng chú ý là Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có tiến bộ nhanh nhất về thương hiệu quốc gia, khi tăng tới 30% giai đoạn 2013 – 2014. Theo đánh giá của ông Mạnh, Việt Nam mới chỉ có một số thương hiệu phát triển, vươn ra tầm quốc tế như Viettel, còn lại phần lớn các DN Việt Nam chưa mạnh dạn vươn ra thị trường nước ngoài.

“Sản phẩm mũi nhọn của Việt Nam như nông sản, thủy sản đã xuất khẩu nhiều rồi. Song điều đáng tiếc là nhiều DN Việt Nam tham gia quá trình xuất khẩu đó chỉ dưới dạng hàng rời, xuất khẩu thô. Tức là ta chưa xây dựng được thương hiệu để xuất khẩu sản phẩm dưới danh nghĩa thương hiệu cụ thể. Ví dụ gạo của Việt Nam xuất khẩu sang nhiều nước nhưng đều đóng gói theo nhãn mác các nước, đây là điều đáng tiếc”, ông Mạnh đánh giá.

Đồng quan điểm, ông Ngô Quốc Thịnh, chuyên gia thương hiệu của Đại học Thương mại, cũng chỉ ra thực tế là nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Song khi sản phẩm đưa ra thị trường thế giới, lại đều gắn nhãn mác của DN nước ngoài, nên giá trị sản phẩm mà Việt Nam thu lại rất ít.

Nguyên nhân được ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chỉ ra là cơ cấu ngành của Việt Nam vẫn ở đẳng cấp thấp, theo hướng khai thác các nguồn lực sẵn có chứ không phải do nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ở đẳng cấp thấp, sao cạnh tranh?

“Nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam vẫn chủ yếu là khai thác tài nguyên, gia công chứ không phải là nâng cao năng suất, sáng tạo nhờ ứng dụng công nghệ. Nền kinh tế vẫn đậm tính tiểu nông, nhỏ lẻ, đóng kín và thiếu liên kết, chưa có tầm nhìn toàn cầu”, TS. Thiên đánh giá.

Đặt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng khi tham gia các FTA, các chuyên gia cho rằng với năng lực thương hiệu quốc gia còn hạn chế, DN Việt Nam sẽ không có nhiều lợi thế cạnh tranh trên sân chơi khu vực và quốc tế.

Do đó, việc nâng cao chất lượng thương hiệu Việt Nam được đặc biệt chú trọng trong thời gian tới. Theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp thiết thực hỗ trợ cho DN Việt Nam xây dựng thương hiệu.

Cụ thể, với các DN nằm trong chương trình thương hiệu quốc gia, khi tham gia chương trình xúc tiến thương mại quốc gia thì DN sẽ nhận được ngân sách hỗ trợ của Nhà nước. DN cũng được quảng bá cung cấp thông tin kịp thời, thường xuyên về các hoạt động xúc tiến thương mại.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ cung cấp thông tin thị trường, tạo thuận lợi cho DN được tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng xây dựng thương hiệu.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên