Nạn chạy chức chạy quyền là câu hỏi lớn nhưng chưa bao giờ được giải đáp thỏa đáng
Trước thực trạng tham nhũng đang diễn ra, Đại biểu Quốc hội khuyến nghị Bộ Chính trị cần phải vào cuộc mạnh mẽ và mạnh tay đấu tranh với tham nhũng.
Nhìn từ thực trạng biên chế bộ máy nhà nước, kể cả tổ chức đoàn thể, Đại biểu Đỗ Văn Đương (Đoàn TPHCM) thẳng thắn chỉ ra rằng biên chế nhà nước chẳng những không giảm mà còn phình to ra. Dẫn chứng là ước tính chi lương mỗi năm là 400.000 tỷ đồng, nếu chi hết cho toàn bộ cán bộ viên chức, thì mất cả 1 triệu tỷ đồng.
“Nếu số chi bằng nguồn thu ngân sách cả nước, ăn hết thì lấy đâu để chi đầu tư phát triển” – Đại biểu Đương đặt câu hỏi.
Theo vị này, có nguyên nhân do chính từ việc thực hiện tổ chức bộ máy cơ quan hành chính Nhà nước. Đơn cử như Luật Tổ chức chính quyền địa phương sau khi thực hiện, đã tăng thêm 22.000 biên chế hoạt động cho hội đồng nhân dân các cấp, dẫn đến mục tiêu giảm biên chế không thực hiện được. Trong khi đó, dư luận “râm ran” chuyện 1/3 cán bộ không làm được việc, sáng cắp ô đi tối cắp ô về.
Theo Đại biểu Đương, vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay là cần phải cắt giảm tổ chức bộ máy bằng biện pháp như nhất thể hóa một số chức danh giữa Đảng và chính quyền. Việc nhất thể hóa chức danh, theo đại biểu Đương là sẽ không làm tập trung quyền lực, mà để nói đi đôi với làm, tránh nói một đằng làm một nẻo, gắn với trách nhiệm.
Đồng thời, giảm bớt tổ chức đoàn thể, nhất là tổ chức đoàn thể hoạt động bằng ngân sách Nhà nước. Đại biểu này cho rằng việc giảm bớt các tổ chức đoàn thể, hợp thức lại sẽ làm giảm bớt cán bộ trung gian và phong trào, để các đơn vị này không “dựa dẫm và ăn bám nhà nước”.
Trong khi đó, liên quan đến chuyện chạy chức chạy quyền, Đại biểu Đương chỉ ra rằng: Đây là câu hỏi lớn mà trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua, cử tri bảo chưa bao giờ được giải đáp. Theo đại biểu Đương, nạn chạy chức quyền tạo ra bất công lớn trong xã hội.
“Cuộc đời này còn nhiều cô tấm, trong sáng nhưng công lý nói người trong sạch thì không ai chơi mà còn bị coi là quan hệ kém, đó là cách nhìn nhận và đánh giá đạo đức con người. Ta đang nặng đánh giá chung chung, trong khi khó đánh giá được hành vi ngầm của họ. Nhưng với cán bộ công chức thì có thể đánh giá từ sự tận tụy, tận tâm” – Đại biểu Đương nhìn nhận.
Do đó, với cách nhìn đạo đức chung chung như thế, Đại biểu Đương cho rằng trong báo cáo đánh giá cần phải nhìn nhận và chỉ rõ đạo đức cán bộ công chức có công minh chính trực hay chưa? Hoặc đánh giá Đại biểu Quốc hội là đã gần dân, thương dân và dám nói quyền lợi của người dân, đưa ra quyết sách hợp lòng dân hay chưa?
Đồng thời, cần phải có cái nhìn nhận đánh giá lại việc có xem chạy chức chạy quyền hay không. Bởi thực trạng này không chỉ tạo ra bất công lớn, mà còn đẻ ra tệ nạn, khi Đại biểu Đương cho rằng những người chạy chức chạy quyền xong thì phải vơ vét để bù chi phí.
“Cứ nói là vấn đề nhạy cảm phức tạp nhưng phải làm, vì nó nguy hiểm đến sự tồn vong của thế hệ. Một cơ thể nhiều virut xâm hại chính thể mà không không có thuốc chữa thì không được” – Đại biểu ĐƯơng chỉ ra.
Cùng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cũng thẳng thắn chỉ ra rằng rằng: “Tham nhũng ở đâu, ở gần hay ở xa, ở chính nơi người có chức có quyền”. Do đó, việc đấu tranh chống tham nhũng là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay.
Song theo Đại biểu Đương, việc ban hành nhiều nghị quyết, hay nói nhiều cũng không mang lại hiệu quả, mà thậm chí còn lại kích thích cho virut tham nhũng phát triển. Do đó, vị Đại biểu này cho rằng Bộ Chính trị phải có những quyết sách tấn công nạn tham nhũng mạnh mẽ hơn.
“Tôi tiếc tội mua bán chức quyền không đưa nạn tham nhũng, mua bán chức quyền vào luật hình sự. Phải như vậy mới được, giờ chỉ trông chờ Bộ Chính trị là cơ quan lãnh đạo cao nhất. Chứ còn giờ cử tri nói các ông nói nhiều quá nhưng không thay đổi tình hình, nên các ông đừng nói nữa” – Đại biểu Đương thẳng thắn nói.