MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu không thay đổi, dù có 10 năm chăn nuôi cũng bị “bóp chết”

Chưa đợi vào TPP thì ngành chăn nuôi đã bị “đe dọa” ngay khi Cộng đồng Kinh tế Asean được hình thành, những sản phẩm Thái Lan tràn vào đã có thể “bóp chết” sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.

GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp đã bày tỏ nỗi trăn trở như vậy khi trao đổi với chúng tôi về năng lực hội nhập của ngành chăn nuôi khi vào TPP.

Trước đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh – Trưởng đoàn đàm phán TPP, cho biết lần đầu tiên Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với sản phẩm thịt gà và thịt lợn.

Manh mún nhỏ lẻ sao cạnh tranh?

Theo Thứ trưởng, việc tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do đã giúp cho ngành chăn nuôi làm “quen” với hội nhập. Điều đó có nghĩa, ngành cũng đã có những quá trình chuẩn bị để nâng cao sức cạnh tranh.

“Đây là ngành Chính phủ rất quan tâm và chưa bao giờ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với những đối thủ mạnh về chăn nuôi. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên chúng ta cân nhắc xóa bỏ thuế nhập khẩu với sản phẩm lợn và gà. Mặc dù vậy chăn nuôi cũng sẽ có ít nhất 10 năm để chuẩn bị”, Thứ trưởng Khánh thông tin.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), ngành chăn nuôi vốn có sức cạnh tranh thấp, đa phần là hình thức chăn nuôi sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu giống và thức ăn từ nước ngoài. Tình trạng bệnh tật còn phổ biến, khả năng và ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém.

“Thực tế này khiến cho năng suất và sản lượng của ngành chăn nuôi đều thấp, phụ thuộc ngày càng nhiều và nhập khẩu từ các nước TPP, đặc biệt là Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, và một số nước AEC như Thái Lan” - TS. Thành nói.

Đồng quan điểm, GS. Võ Tòng Xuân - Chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp nói với chúng tôi rằng những nguyên liệu đầu vào từ con giống, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện nay phần lớn là sản phẩm nhập khẩu của nước ngoài.

Do vậy, chưa đợi vào TPP thì ngành chăn nuôi đã bị “đe dọa” ngay khi Cộng đồng Kinh tế Asean được hình thành, những sản phẩm Thái Lan tràn vào đã có thể “bóp chết” sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.

“Điểm yếu lớn nhất của ngành chăn nuôi là hệ thống con giống chưa tốt. Thức ăn gia súc của ta đang phụ thuộc vào nước ngoài. Các DN của ta không chú trọng và R&D (nghiên cứu và phát triển), không bỏ tiền ra để làm nên không cải thiện phương thức quản lý, máy móc thiết bị, cách chế biến sản phẩm nên chất lượng sản phẩm kém” - GS. Xuân nói.

Người sản xuất sẽ bị thiệt hại nặng nề?

Đáng chú ý, nghiên cứu phân tích của VERP cũng chỉ ra, sản lượng phân ngành thịt lợn, gia cầm… bị thiệt hại nặng nhất về phần trăm và giá trị. Sản lượng giảm sẽ khiến cho cầu lao động trong các ngành chăn nuôi giảm rõ rệt, cả đối với lao động phổ thông có kỹ năng.

TS. Thành nhận định: “Xét tổng thể ngành chăn nuôi, người tiêu dùng sẽ có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm giá rẻ hơn và được lợi, trong khi người sản xuất phần lớn bị thiệt hại do không cạnh tranh được với các mặt hàng từ nước ngoài tràn vào như thịt bò từ Úc, thịt gà, thịt lợn từ Mỹ. Cùng với đó, mức giảm thu từ thuế nhập khẩu khiến cho phúc lợi ngành chăn nuôi sẽ giảm sau khi TPP có hiệu lực”.

Từ những phân tích trên, VERP dự báo Việt Nam có thể nhập khẩu mạnh các sản phẩm chăn nuôi nhiều nhất từ các nước TPP, đặc biệt là các nước có ngành chăn nuôi mạnh như Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, và từ một số nước AEC như Thái Lan.

GS. Xuân cho rằng nếu không thực sự có những cải cách mạnh mẽ, tái cơ cấu toàn bộ ngành chăn nuôi thì dù có 10 năm để chuẩn bị, ngành chăn nuôi Việt Nam cũng có thể đối diện với những thách thức lớn và có thể bị “bóp chết” ngay khi các sản phẩm nhập ngoại được cắt giảm thuế quan, vào thị trường với lợi thế cạnh tranh cao hơn.

“Mình phải nắm được kỹ thuật chăn nuôi, đảm bảo được con giống khi hiện nay đang lệ thuộc nhập nước ngoài. Nghiên cứu công thức sử dụng vật liệu làm thức ăn gia súc thế nào để đem lại hiệu năng cao hơn, chứ không thể chỉ nhập khẩu hoàn toàn nguyên liệu và công ty nước ngoài vào sản xuất theo công thức đó. Đồng thời, cần những nhà DN dám đứng ra tổ chức, liên kết và thu mua sản phẩm của nông dân thì mới giúp ngành khắc phục được sự phân tán, nhỏ lẻ” - GS. Xuân khuyến nghị.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên