MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành chăn nuôi chủ động hội nhập Cộng đồng ASEAN và TPP

Phát triển chăn nuôi bền vững, chủ động hội nhập Cộng đồng ASEAN (AEC) và TPP là chủ đề của một cuộc hội thảo được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/6, thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia ngành chăn nuôi Việt Nam.

Hội thảo do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp với Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức.

Nông nghiệp Việt Nam đóng góp từ 18-22% GDP cho nền kinh tế và 23-35% giá trị xuất khẩu với mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong thời gian dài cùng cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực.

Đóng góp vào những kết quả trên có những tiến bộ đáng kể của ngành chăn nuôi với sự phát triển nhanh và ổn định của đàn lợn với 26,8 triệu con, đàn bò 5,2 triệu con (trong đó đàn bò sữa đạt hơn 217.000 con), đàn gia cầm 328,1 triệu con.

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết năm 2015 là năm bước ngoặt đối với nền nông nghiệp Việt Nam nói chung cũng như ngành chăn nuôi nói riêng trước cánh cửa hội nhập quốc tế sâu rộng.

Năm 2015, ngoài 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và bắt đầu quá trình thực hiện, Việt Nam đang thảo luận để tiến tới ký kết 6 FTA nữa, trong đó có cả AEC và TPP. Vấn đề đặt ra là ngành chăn nuôi Việt Nam cần chuẩn bị những gì để khẳng định vị thế trong “sân chơi” khốc liệt này.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam), những giải pháp để tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi cần tập trung vào giải pháp quản lý nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi; giải pháp về quy hoạch; về phòng chống dịch bệnh; về khoa học kỹ thuật và khuyến nông; về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm và các giải pháp về cơ chế, chính sách.

Tiến sỹ Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam đã nêu bật những thách thức lớn và gay gắt đối với ngành chăn nuôi khi Việt Nam tham gia hội nhập như ngành chăn nuôi Việt Nam có quy mô nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, sản xuất còn manh mún, tự phát; năng suất vật nuôi thấp, giá thành cao; đầu vào của ngành chăn nuôi còn phụ thuộc khá nhiều vào nước ngoài; quá ít cơ sở giết mổ đảm bảo tiêu chuẩn.

Mặt khác, việc liên kết theo chuỗi giá trị trong ngành còn yếu, nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm vẫn còn cao; công tác quy hoạch chăn nuôi ở nhiều địa phương rất khó khăn; thiếu thông tin về hội nhập kinh tế ở nhiều địa phương, doanh nghiệp, trang trại…

Tiến sỹ Đoàn Xuân Trúc đề xuất các giải pháp để ngành chăn nuôi chủ động hội nhập như tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cầu ngành chăn nuôi; nhanh chóng củng cố và làm tốt khâu giống vật nuôi; tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị; quản lý tốt việc sản xuất thức ăn chăn nuôi; chủ động khống chế dịch bệnh nguy hiểm.

Ngành cũng cần có chương trình đào tạo nguồn nhân lực; thu hút đầu tư từ doanh nghiệp lớn trong nước; có chương trình xúc tiến thương mại và tận dụng mọi cơ hội để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi…/.

Theo Hà Huy Hiệp

VIETNAM+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên