MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phút lặng của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

“Có nhiều việc để làm, song một mình mình không làm hết được, mong muốn lớn, nhưng tài năng có hạn, nên tôi rất trăn trở. Nhiệm kỳ tới mong có nhiều lãnh đạo quan tâm hơn tới doanh nghiệp vì đó là tương lai đất nước”.

Là một trong những Bộ trưởng dự kiến sẽ nghỉ trong nhiệm kỳ tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh có lẽ sẽ là vị Bộ trưởng để lại nhiều kỷ niệm nhất.

Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng chưa từng có khi tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thế nhưng, ba thách thức lớn nhất đặt ra với Việt Nam đó là: tự do luân chuyển hoàng hóa, đầu tư, lao động có kỹ thuật cao.

Người dân, doanh nghiệp đã thực sự chuẩn bị tốt cho các FTA? Câu hỏi đầy trăn trở ấy được đặt ra khi mà hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, họ chưa biết nhiều về thông tin các FTA. Theo Bộ trưởng Vinh, mỗi lĩnh vực cần phải chỉ rõ ngành mình có thách thức trong từng FTA, đánh giá đúng đối thủ, các tác động và cơ hội để tận dụng cơ hội từ các FTA.

Trăn trở với doanh nghiệp tư nhân

Những trăn trở của Bộ trưởng Vinh không phải là không có cơ sở, khi nhìn vào thực trạng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Trực tiếp gắn bó với doanh nghiệp, có vai trò lớn trong xây dựng chính sách liên quan đến doanh nghiệp, Bộ trưởng Vinh thấu hiểu rất nhiều về những khó khăn mà doanh nghiệp phải trải qua.

Đặc biệt khi so sánh với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận rằng, doanh nghiệp chưa có được sự quan tâm đầy đủ khi chưa có chính sách đủ mạnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi vậy mà doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài và chưa xây dựng được vị thế, chỗ đứng lớn mạnh trên sân nhà.

Có lẽ, trong số 14 vị Bộ trưởng dự kiến sẽ nghỉ trong năm 2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là người để lại nhiều trăn trở, tiếc nuối nhất. Bởi ông rời ghế, khi mà tư tưởng và tinh thần đổi mới, cải cách lại đang “nóng” hơn bao giờ hết. Tư tưởng ấy đã được chính Bộ trưởng thể hiện trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng XII, khi ông thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, những nguy cơ tụt hậu và đặt ra yêu cầu về đổi mới, cải cách.

Và cũng chưa bao giờ, người ta thấy một vị Bộ trưởng dù sắp rời ghế, mà vẫn còn nhiều tâm huyết, trăn trở với doanh nghiệp đến như vậy. Bộ trưởng nói, ông còn rất nhiều việc phải làm cho doanh nghiệp, mà đó phải là những việc làm cụ thể, thiết thực.

Đó là, thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, bơm ngân sách thông qua ngân hàng thương mại để cho vay khuyến khích doanh nghiệp. Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang được soạn thảo, dự kiến sẽ có bản dự thảo đầu tiên trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết cũng đang trình Chính phủ thành lập các trung tâm ươm mầm doanh nghiệp, hỗ trợ sáng tạo đặc biệt ưu tiên cho giới trẻ trong đầu tư mạo hiểm để khuyến khích tinh thần phát triển doanh nghiệp.

Khẳng định “Doanh nghiệp là tương lai của đất nước”, Bộ trưởng Vinh hiểu rằng nếu không có chính sách cho doanh nghiệp, thì những nguy cơ Việt Nam có thể tụt hậu xa hơn, sẽ thành hiện thực.

Bộ trưởng chia sẻ: “Phải có tâm huyết với đất nước, phải trăn trở tại sao nước mình còn phát triển chậm thế, kém thé, tại sao người dân ca thán nhiều thế. Vậy thì mới có thể hoạch định được chiến lược tốt, chính sách tốt. Phải tạo môi tường đổi mới sáng tạo không chỉ cho doanh nghiệp mà chính cho cán bộ trong cơ quan”.

Bộc bạch về những sức ép khi là một trong những người lên tiếng mạnh mẽ về đổi mới, Bộ trưởng cho biết rất may mắn khi có nhiều lãnh đạo cấp cao, cùng các cấp cũng ủng hộ và khuyến khích sự đổi mới.

Song Bộ trưởng cũng phải thẳng thắn thừa nhận, đổi mới không thể tránh khỏi đụng chạm lợi ích ngành hay cá nhân, tạo nên nhiều áp lực.

Nỗ lực cải cách và đổi mới

Khiến cho, tinh thần đổi mới mà được Bộ trưởng hiện thực hóa trong các chính sách, cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như những văn bản luật, tình trạng quy hoạch chồng chéo, tràn lan không hiệu quả từ trung ương và địa phương vẫn tiếp tục diễn ra. Hoặc có những luật vì đụng chạm đến quá nhiều ngành, cá nhân nên đã không được thông qua, cũng phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

Rồi câu chuyện đổi mới thể chế cũng được Bộ trưởng Vinh đặt nhiều tâm huyết. Nhận thấy được rằng, những dư địa cho phát triển đã không còn nhiều và đang dần cạn đi, đã khiến đất nước

chững lại trong vài năm qua. Bộ trưởng lo ngại nếu không cẩn thận có thể còn đi xuống, khi mà Việt Nam cứ “bình bình” thì sẽ gặp khó khăn, và tụt hậu là rõ ràng.

Phân tích về động lực giúp Việt Nam tăng trưởng trong tương lai, Bộ trưởng cho rằng vấn đề sống còn và căn cơ nhất là phải tiếp tục thay đổi và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xây dựng những nhân tố thị trường đầy đủ hơn, do chưa có nhân tố thị trường nền tảng.

Đó là việc xây dựng thị trường đất đai, vốn đang rất méo mó; thị trường tài nguyên; thị trường lao động… xây dựng những thể chế phù hợp nhất với thế giới và điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ và nguồn lực của Việt Nam.

“Cùng với thể chế thì con người là yếu tố quan trọng, chọn được những người tài năng, tâm huyết nhất, có trách nhiệm nhất để lãnh đạo đất nước” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên