Sự An toàn của các Thượng đế đang bị đe dọa: Hãy xem và hành động!
Bộ Công Thương sẽ chủ trì (Cục Quản lý Cạnh tranh là đơn vị thực hiện), phối hợp cùng UBND thành phố Hà Nội và Đài truyền hình Việt Nam để tổ chức Lễ công bố Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15-3.
- 10-03-2016Nâng cao sức cạnh tranh không chỉ từ giảm thuế
- 20-02-2016Cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh
- 15-02-2016Tìm lợi thế cạnh tranh trong ASEAN
- 14-02-2016Doanh nghiệp bán lẻ trước sức ép cạnh tranh khi hội nhập
Lễ công bố sẽ được tổ chức vào tối thứ 7, ngày 12 tháng 3 năm 2016 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế và Đài truyền hình Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp chương trình này từ 20:00 đến 21:00 trên kênh VTV2.
Chương trình này sẽ là điểm nhấn, điểm khởi động cho chuỗi các hoạt động tiếp theo về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên khắp cả nước.
Chương trình có sự tham dự và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ. Bao gồm: Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Ngoài ra còn có sự tham dự của các cơ quan, tổ chức có liên quan của Trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí,..
Sự kiện truyền hình trực tiếp Lễ công bố Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam vào tối ngày 12/3 sẽ là một hoạt động thiết thực để tôn vinh Quyền của Người tiêu dùng.
“Quyền được an toàn của người tiêu dùng” sẽ là chủ đề chính trong ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam 15/3.
Đặt trong bối cảnh những vấn đề liên quan đến an toàn, sức khỏe, đời sống và thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng đang rất bức xúc hiện nay, chủ đề Quyền được An toàn như một sự thôi thúc chúng ta hãy cùng hành động để bảo vệ người tiêu dùng.
Theo Cục quản lý cạnh tranh, quyền được an toàn là một trong 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng đã được quy định tại Điều 8 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cụ thể: “Người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”.
Do đó, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là vấn đề cấp thiết, nên ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035 về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, theo đó lấy ngày 15 tháng 3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Việc tổ chức các hoạt động để thực hiện Quyền của người tiêu dùng Việt Nam hàng năm nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước.
Đây cũng là hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; từ đó huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Việc thực hiện các hành động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh;...
Bộ công thương là đơn vị chủ trì (Cục quản lý Cạnh tranh là đơn vị tổ chức thực hiện) các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng tại Trung ương với các hoạt động chính như tổ chức Lễ công bố Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15-3, tổ chức các hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo, tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…
Bên cạnh buổi Lễ Công bố ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam 15/3 do Bộ Công Thương tổ chức mở đầu cho hoạt động này, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ chủ trì thực hiện các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng tại địa phương.
Hiện đã có khoảng 50 tỉnh/thành phố xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam năm 2016 với đa dạng các hoạt động như tổ chức mitting, tuần hành, tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền trên các tuyến phố, tổ chức hội nghị, hội thảo về quyền được an toàn cho người tiêu dùng,...
Trí Thức Trẻ/SoHa