Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn mới
Năm 2015 đánh dấu 4 năm thực hiện quyết định tái cơ cấu nền kinh tế trên 3 lĩnh vực là đầu tư (trọng tâm là đầu tư công), DN (trọng tâm là DNNN) và hệ thống tài chính (trọng tâm là ngân hàng thương mại). Vậy, tái cơ cấu nền kinh tế VN giai đoạn 2016 -2020 nên đi theo hướng nào?
- 11-01-2016Quyết liệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp
- 31-12-20152016 - 2020 không dùng ngân sách trong tái cơ cấu ngân hàng?
- 18-12-2015Nhìn lại 5 năm thực hiện chính sách tiền tệ và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
-
Người dân, DN đóng góp nguồn tài chính cho các quỹ ngoài ngân sách gần như không biết chi tiết việc sử dụng, chi tiêu các quỹ ra sao
Nhân dịp đầu xuân, PV đã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Kinh tế Quản lý TW về những vấn đề liên quan.
Ông Cung cho rằng cần phải thay đổi toàn diện, đủ mạnh và nhất quán để hiện thực hóa cơ hội, chuyển thách thức và điểm yếu thành cơ hội. Bên cạnh đó, hững điểm yếu cần được khắc phục ngay là việc trì trệ và lạc hậu trong quản lý nhà nước, nguy cơ phụ thuộc bên ngoài ngày càng lớn, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản kém hiệu quả, lãng phí, cơ hội đầu tư phát triển bị đè nén, kìm hãm, chưa tận dụng hết sức lao động…
Việc gia nhập thị trường có bước tiến lớn, nhưng vẫn chưa có môi trường kinh doanh cạnh tranh trật tự và công bằng.
– Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế giai đoạn 2011 – 2015 chưa được như mong đợi, nhất là tái cơ cấu DNNN và đâu tư công. Quan điểm của ông về điều này?
Đúng vậy. Dù đã đem lại nhiều kết quả tích cực và tác động sâu sắc đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Có thể lấy ví dụ cụ thể về tái cơ cấu DNNN chưa được như kế hoạch đề ra, xét ở rất nhiều góc độ.
Nếu so với hầu hết các nền kinh tế khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan thì quy mô DNNN ở Việt Nam hiện nay vẫn còn khá lớn, hơn 3.100 DNNN có hơn 50% vốn sở hữu nhà nước, có 796 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có 8 tập đoàn kinh tế, 100 Tcty nhà nước.
Nếu làm bài toàn sơ bộ, đây là một con số rất cao nếu so với số lượng ít ỏi của các DNNN tại các quốc gia phát triển có nền kinh tế thị trường đầy đủ như Australia có 17 DNNN, Pháp có 51 DNNN, Đức có 59 DNNN, Hàn Quốc, Anh chỉ có 21 DNNN…
Tại Việt Nam, dù chỉ chiếm dưới 1% về số lượng, nhưng DNNN sở hữu giá trị tài sản 2.869.120 tỷ đồng – tương đương với 80% GDP của nền kinh tế, nhưng chỉ tạo ra việc làm cho 1,4 triệu/11,8 triệu lao động đang làm việc trong các DN. Trong khi đó, DN FDI lại đang sử dụng gần 3,4 triệu lao động và DN tư nhân sử dụng hơn 7 triệu lao động…
Ở góc độ tái cơ cấu đầu tư công giai đoạn vừa qua, theo tôi vẫn chưa chạm đến vấn đề cốt lõi. Phải nói rằng, chúng ta chưa thực hiện chặt chẽ quy trình đầu tư công. Về nguyên tắc trước khi phê chuẩn chủ trương đầu tư công thì cần phải đặt câu hỏi tại sao phải đầu tư công? Tại sao khu vực ngoài nhà nước không tham gia?
Các dự án đầu tư công hiện nay đều bỏ qua bước kiểm định này dẫn đến sự lạm dụng đầu tư công và lấn át đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, chưa hình thành nguyên tắc ngân sách cứng trong các hoạt động đầu tư công. Việc các dự án đầu tư công sau khi được phê duyệt đội chi phí lên nhiều lần được xem là chuyện bình thường. Điều này vô hiệu hóa hiệu quả hoạt động đấu thầu và làm méo mó nguyên tắc thị trường.
Bên cạnh đó, phần lớn các dự án đầu tư công đều do các DNNN thực hiện, và cơ quan lựa chọn, phê duyệt dự án, giám sát dự án lại chính là cơ quan chủ quản của các DN này. Điều này vi phạm nguyên tắc độc lập của cơ quan quản lý nhà nước, tạo cơ hội cấu kết giữa cơ quan quản lý và DN để trục lợi. Do nguồn thu ngân sách không đủ chi, đầu tư công ngày càng phụ thuộc vào vay nợ.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có cơ chế quản lý các khoản nợ do Nhà nước đi vay về cho vay lại, kể cả cơ chế quản lý nợ đối với các dự án sử dụng trái phiếu chính phủ. Điều này buộc Chính phủ phải tiếp tục vay nợ để trả nợ và nợ công lại tiếp tục leo thang…
– Vậy cần giải quyết những bất cập của tái cơ cấu DNNN và đầu tư công theo hướng nào trong giai đoạn 2016-2020, thưa ông?
Với tái cơ cấu DNNN thì mục tiêu cuối cùng của là phân bố lại và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của khu vực DN, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh DNNN, đảm bảo DNNN nói chung và các tập đoàn, Tcty nhà nước nói riêng thực hiện tốt hơn vai trò của họ trong nền kinh tế. Vì vây, giai đoạn 2016-2020, cần tập trung vào các giải pháp:
Thứ nhất, thay đổi tư duy và cách thức quản lý đối với DNNN, giảm dần và tiến tới xóa bỏ bao cấp, lợi thế về quyền và cơ hội kinh doanh dành riêng cho DNNN, buộc các DNNN phải cạnh tranh thực sự và kinh doanh bình đẳng theo cơ chế thị trường.
Thứ hai, đổi mới, phát triển và áp dụng khung quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế.
Thứ ba, tiếp tục phân loại các DNNN, xác định cụ thể danh mục DNNN sẽ giải thể hoặc cho phá sản theo Quyết định số 14/2011/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành kế hoạch CPH và kế hoạch thoái vốn (chuyển nhượng cổ phần cho các nhà đầu tư, DN thuộc thành phần kinh tế khác) ở các DN đã CPH ở các ngành, lĩnh vực nhà nước không cần tiếp tục nắm giữ cổ phần hoặc cổ phần chi phối, trước hết là lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, du lịch. Đặc biệt vẫn tiến hành các phương pháp đấu giá trọn lô các DN mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần…
Với đầu tư công, chúng ta cần áp dụng nguyên tắc ngân sách cứng đối với các dự án đấu thầu đầu tư công. Cương quyết không chấp nhận bất kỳ hình thức điều chỉnh chi phí đầu tư nào. Điều này là điều kiện bắt buộc để áp dụng nguyên tắc phân bổ vốn theo cơ chế thị trường. Đưa ra các tiêu chí cụ thể và chặt chẽ đối với việc chỉ định thầu để hạn chế các dự án chỉ định thầu.
Bên cạnh đó, công bố công khai các dự toán và kết quả thực hiện các dự án đầu tư công, cho phép so sánh kết quả sau khi thực hiện so với dự toán và so sánh các dự án tương tự của các chủ đầu tư khác nhau, các nhà thầu khác nhau. Những dự án có sai lệch lớn so với dự toán hoặc chênh lệch lớn so với nhà đầu tư tốt nhất, nhà thầu tốt nhất thì bắt buộc giải trình. Những nhà thầu làm tốt sẽ được tính điểm cộng trong quá trình đấu thầu sau này.
Cuối cùng cần phải quản lý theo chế độ quản lý nợ của các ngân hàng thương mại. Tốt nhất là chuyển các khoản Chính phủ đi vay về giao cho các ngân hàng thương mại quản lý và cho các địa phương, cơ quan trung ương vay lại để thực hiện các dự án đầu tư công.
– Một trọng tâm của chương trình tái cơ cấu nền kinh tế là tái cơ cấu các ngân hàng thương mại thời gian qua, nhất là năm 2015 được đánh giá rất thành công. Vậy, cốt lõi của tái cơ cấu giai đoạn tới hướng tới mục tiêu và giải pháp nào, thưa ông?
Thực hiện tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tài chính phải đổng bộ và nhất quán với tái cơ cầu đầu tư công và tái cơ cấu DNNN. Đồng thời củng cố, phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Tái cơ cấu nền hệ thống ngân hàng giai đoạn tới phải nâng cao vai trò, vị trí chi phối, dẫn dắt thị trường, bảo đảm các tổ chức tín dụng này thực sự là lực lượng chủ lực, chủ đạo của nền kinh tế, có đủ năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế. Giai đoạn tới vẫn khuyến khích hợp nhất, sáp nhập, mua lại ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện; bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Vấn đề trọng tâm nhất, đó là tái cơ cấu không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động ngân hàng, giới hạn đến mức thấp nhất tổn thất…
– Thưa ông, tập trung tối đa tạo điều kiện cho DN tư nhân và DN FDI phát triển có được xem là một trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 hay không, thưa ông?
Rất cần thiết, rất trọng tâm. Tái cơ cấu nền kinh tế vẫn còn phải tiếp tục giải quyết các vấn đề của tài sản và sở hữu tài sản. Bên cạnh đó, việc gia nhập thị trường có bước tiến lớn, nhưng vẫn chưa có môi trường kinh doanh cạnh tranh trật tự và công bằng như số lượng kinh doanh có điều kiện quá lớn, rào cản gia nhập các loại thị trường còn cao và tốn kém, ngăn cản cạnh tranh.
Đáng chú ý, giao dịch kinh doanh với nhà nước và đối tác còn rủi ro về thể chế, tốn kém về thời gian, chưa có thiết chế và công cụ đảm bảo thiết lập và duy trì cạnh tranh trật tự và công bằng…
Vì vậy, mục tiêu tái cơ cấu năm 2016 – 2020 là ưu tiên tạo việc làm và nâng cao chất lượng việc làm cho người dân, khuyến khích DN vừa và lớn tạo liên kết vùng, cụm. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực đầu tư, đổi mới thể chế quản lý kinh tế. Trong đó, cần tạo điều kiện tối đa cho DN tư nhân và DN FDI phát triển; đổi mới quản lý đầu tư công; cải cách chức năng chủ sở hữu, quản lý của Nhà nước và DN, dịch vụ công và ngân sách…
– Xin cảm ơn ông.