MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương tối thiểu và áp lực đối với các DN dệt may

Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ 01/01/2016 thì mức đóng sẽ căn cứ vào tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Số tiền này sẽ còn tăng thêm khoảng 30%.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm đi đôi với tăng tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm (BHXH từ 2010 đến 2014 cứ 2 năm tăng thêm 1%) đã ảnh hưởng rất lớn đến DN.

Hiện nay, DN phải trích nộp 24% (BHXH 18%, BHYT 3%, BHTN 1%, KPCĐ 2%), người lao động phải đóng 10,5% (BHXH 8%, BHYT 1,5%, BHTN 1%) và 1% đoàn phí nếu là đoàn viên công đoàn. Số tiền người lao động đóng thực chất DN cũng phải lo để người lao động có tiền lương thực tế đủ trang trải, cải thiện cuộc sống và gắn bó với DN.

Với mức đóng như hiện nay, DN và người lao động (ví dụ tại vùng 1) phải đóng bình quân khoảng 900 nghìn đồng/người/tháng đối với các DN còn áp dụng thang, bảng lương theo NĐ 205/2004/NĐ-CP và sẽ tăng lên tối thiểu 1,3 triệu đồng/người/tháng (tăng khoảng 45%) khi phải chuyển đổi sang thang, bảng lương theo NĐ 49/2013/NĐ-CP.

Khi lương thiểu vùng 2016 tăng mức đóng sẽ tăng lên tương ứng. Đặc biệt, theo luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ 01/01/2016 thì mức đóng sẽ căn cứ vào tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Số tiền này sẽ còn tăng thêm khoảng 30%.

Trước thực trạng này, Hiệp hội đã đưa ra một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, nhà nước cần nghiên cứu tính lại nhu cầu sống tối thiểu. Dựa vào tính toán của quốc tế 1 trẻ em chỉ tính bằng 0,5 người lớn (Việt Nam đang tính bằng 0,7), thì tiền lương tối thiểu vùng 2015 đã đáp ứng 94,8% nhu cầu sống tối thiểu.

Như vậy, lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ tăng khoảng 6% (vùng 1 tăng 200.000 đồng, các vùng còn lại tăng 150.000 đồng), các năm 2017 và 2018 mỗi năm tăng khoảng 7% (vùng 1 tăng 250.000 đồng, các vùng còn lại tăng 200.000 đồng) để lương tối thiểu vùng năm 2018 cơ bản đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.

Thứ hai, nhà nước nghiên cứu giảm tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn một cách hợp lý. Theo thống kê của VCCI các nước trong khu vực như Malaysia đóng khoảng 13%, Philippin 10%, Indonesia 8%, Thái Lan 5%.

Việc tăng lương tối thiểu vùng ở mức cao và duy trì tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn cao như hiện nay cũng là một nguyên nhân khiến nhiều DN làm ăn thua lỗ, trốn đóng, chậm đóng BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

“Theo số liệu của ngành thuế, hiện nay cả nước có khoảng 483.000 DN đang hoạt động, trong đó hơn 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ và gần 70% DN kinh doanh không có lãi” – Hiệp hội Dệt may Việt Nam dẫn chứng số liệu để đề nghị Nhà nước cân nhắc khi điều chỉnh tăng lương tối thiểu.

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên