MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Việt Nam hội nhập máu lửa nhất ASEAN"

Chuyên gia kinh tế, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, TS Võ Trí Trành cho hay, trong dòng chảy hội nhập thế hệ mới (TPP- FTA), Việt Nam đang là nước hội nhập "máu lửa" nhất ASEAN.

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
111 bài viết

Phát biểu tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong dòng chảy hội nhập FTA thế hệ mới” diễn ra ngày 19/2, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho hay, tham gia WTO, FTA, AEC hay TPP nói chung sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng tự do hóa thương mại, mang tính chất thị trường nhiều hơn.

Song, điều đó không có nghĩa làm giảm vai trò điều hành vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước. Ngược lại, vai trò của nhà nước sẽ nặng nề hơn do chức năng quản lý nhà nước về kinh tế phải được đổi mới, phù hợp với điều kiện hội nhập và sự vận hành của thị trường thế giới.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong khi 30% doanh nghiệp không biết về hội nhập nhưng tỷ lệ “quan chức” biết về hội nhập còn thấp hơn nhiều.

"Đừng nước đến chân mới nhảy, bước ngoặt của Việt Nam là xu thế, hãy chuẩn bị càng sớm càng tốt, nếu không chỉ có hớt váng mà thôi”, ông Thành khuyến cáo.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cũng phải khẳng định rằng, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam còn ít hiểu biết quy định liên quan đến hội nhập.

"Trong hội nhập, thiếu hiểu biết về luật lệ sẽ là một bất lợi lớn. Thua thiệt trong các chiến tranh pháp lý là điều khó tránh khỏi", ông Lịch khẳng định.

Mặc dù vậy, TS Võ Trí Thành cũng lạc quan khi cho rằng:“So với tất cả các nước ASEAN trừ Singapore, Việt Nam hội nhập máu lửa nhất. Trong 5 năm tới Việt Nam sẽ đi trước về thị trường đầu tư, quan hệ đối tác và chuyển sang quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện”.

Vị chuyên gia kinh tế này cũng đánh giá, thời điểm mang tính chất bước ngoặt này sẽ tạo điều kiện cho rất nhiều ngành nghề mới ra đời và phát triển phục vụ người tiêu dùng. Trong đó, xu hướng nổi lên là các lĩnh vực du lịch, giải trí và tiêu dùng.

Cụ thể, trong tháng 1.2016, dòng vốn FDI vào bất động sản giảm sâu, nhưng bật tăng vào giải trí. Với một dự án lớn tổng vốn đầu tư 210,58 triệu USD, lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi, giải trí hiện đang đứng thứ hai, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

"Chúng ta không cần chờ ký Hiệp định mà 3 năm qua, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư thực sự vào Việt Nam để tận dụng cơ hội, hàng tỷ USD vào dệt may và Mỹ có thể trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam. Tất cả các Tập đoàn lớn của Mỹ đã có mặt để điều tra, thăm dò, nên doanh nghiệp hãy chuẩn bị sớm, chạy sớm”, ông Thành khuyến cáo.

Ông Thành thông tin thêm, trong tuần tới, Việt Nam sẽ chính thức công bố báo cáo chiến lược kinh tế năm 2035 dày 400 trang. Trong đó, các chuyên gia nhận định, “hậu” các FTA, vào năm 2035 Việt Nam sẽ vươn mình thành nước thu nhập trung bình cao và bắt đầu được xếp vào hàng ngũ các nước trung lưu trên thế giới.

Theo Tô Mạn

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên