MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao có việc ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số rút ngắn quy trình, doanh nghiệp lại chê thủ tục rườm rà?

28-05-2023 - 13:09 PM | Tài chính - ngân hàng

Vì sao có việc ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số rút ngắn quy trình, doanh nghiệp lại chê thủ tục rườm rà?

Các ngân hàng đã chi ít nhất 15.000 tỷ cho chuyển đổi số, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp không tiếp cận được vốn tín dụng tiếp tục tăng lên qua các năm.

Liên tục chuyển đổi số nhưng doanh nghiệp vẫn chê thủ tục rườm rà

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Đến nay, có tới 96% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và có 92% ngân hàng đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên Internet và Mobile.

Ở chiều ngược lại, báo cáo mới đây của VCCI cho thấy, tiếp cận tín dụng là khó khăn chung của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ đang là nhóm khó tiếp cận tín dụng hơn cả trong năm 2022. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp đang tiếp cận được tín dụng ở nhóm có quy mô vốn từ 3 tỷ đồng trở xuống là 11,3%. Với nhóm có quy mô vốn từ trên 3 tỷ đến 10 tỷ đồng, tỷ lệ này là 20,5%. Nhóm có quy mô vốn 10-20 tỷ đồng (28,3%). Ở các nhóm còn lại, tỷ lệ này chỉ xung quanh mức 25-35%.

Trong đó, thủ tục vay vốn rườm rà đang là một trong những vấn đề chính khiến các doanh nghiệp nhỏ không tiếp cận được vốn. Theo đó, có 58,63% đồng tình với việc các giấy tờ và quy trình phức tạp đang là rào cản khiến doanh nghiệp không thể vay vốn tại ngân hàng.

Vì sao doanh nghiệp vẫn chê thủ tục rườm rà dù ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số?

Tại hội thảo “Dịch vụ tài chính - Ngân hàng 2023” do tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) phối hợp cùng các bộ và cơ quan ban ngành tổ chức, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch CLB Công nghệ tài chính Việt Nam (Vina Fintech) cho biết, hiện nay, việc chuyển đổi số ở ngân hàng vẫn đang tập trung nhiều vào phân khúc khách hàng cá nhân, dịch vụ thanh toán và chưa chú ý nhiều đến khách hàng doanh nghiệp. Ngoài ra, hiện vẫn tồn tại tình trạng số liệu doanh nghiệp khác biệt với thực tế công bố. Do đó, thủ tục phê duyệt vẫn còn nhiều trở ngại.

“Sắp tới đây khi các doanh nghiệp số hóa sâu hơn, toàn bộ các tài sản sẽ được định giá, các thông tin về mặt tài chính kinh doanh và nhiều khía cạnh khác sẽ được cập nhật lên kênh điện tử chính xác hơn. Trên cơ sở đó, ngân hàng có thể biết được tình hình sức khỏe doanh nghiệp, xem xét phê duyệt cho vay, giám sát thực tế giải ngân. Khi đó, các khách hàng là tổ chức kinh tế cũng sẽ được tiếp cận dịch vụ xét duyệt và giải ngân online”, ông Nguyễn Đình Thắng chia sẻ.

Vì sao có việc ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số rút ngắn quy trình, doanh nghiệp lại chê thủ tục rườm rà? - Ảnh 1.

Các diễn giả tại hội thảo, nguồn: Văn Tuệ

Ông Phạm Đức Duy - Giám đốc Trung tâm Quản Lý & Phát triển kinh doanh, Khối Cá nhân, Sacombank cũng chia sẻ, hiện tại ngân hàng đang tập trung ứng dụng các công nghệ mới của chuyển đổi số như AI và dữ liệu lớn vào 3 mảng lớn là 1) eKYC: sử dụng các công nghệ để định danh khách hàng; 2) sử dụng chat bot để chăm sóc khách hàng; 3) Phê duyệt tín dụng.

Trong đó, 2 công nghệ đầu đã được triển khai tương đối thuận lợi và gặt hái được một số thành tựu. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ vào phê duyệt tín dụng vẫn còn nhiều thách thức.

“Dữ liệu càng nhiều, độ chính xác càng cao và độ rủi ro càng giảm đi. Hiện tại, dữ liệu của các ngân hàng vẫn chưa đủ lớn. Để phê duyệt được một khoản vay phải cần dữ liệu từ rất nhiều nguồn. Ví dụ, vừa qua Sacombank có thử nghiệm nghiệp vụ này. Để phê duyệt một thẻ tín dụng có hạn mức khoảng vài chục triệu, ngân hàng phải tham chiếu vài nghìn trường dữ liệu, không chỉ từ ngân hàng mà còn là các tổ chức phát hành thẻ, mạng xã hội,...để ra được quyết định phê duyệt chính xác nhất”, ông Duy chia sẻ.

Tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, việc doanh nghiệp phản ảnh về thủ tục vay vốn rườm rà, trong khi các ngân hàng đầu tư nhiều vào việc chuyển đổi số chủ yếu do: 1) các ngân hàng đang tập trung vào chuyển đổi số ở phân khúc khách hàng cá nhân, và thanh toán nên chưa chú ý nhiều đến phân khúc doanh nghiệp; 2) dữ liệu tài chính kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa được chuẩn hóa; 3) Cần thêm văn bản pháp lý hướng dẫn cho việc phê duyệt tín dụng online; 4) Dữ liệu tham chiếu của ngân hàng vẫn chưa đủ lớn để có thể tiến hành các thủ tục phê duyệt tốt nhất.

Văn Tuệ

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên