MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Đà Nẵng “hút” được tiền để phát triển hạ tầng?

09-11-2017 - 09:27 AM | Bất động sản

Tranh thủ các nguồn vốn, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm là những lý do chính đã làm nên “diện mạo” khang trang của TP Đà Nẵng như ngày hôm nay.

Trước cộng đồng doanh nghiệp trong nước và thế giới tham dự Hội thảo chuyên đề về hạ tầng được tổ chức trong không khổ Hội nghị Thưởng đỉnh kinh doanh Việt Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đã chia sẻ những giải pháp thành phố Đà Nẵng đã vận dụng trong việc thu hút các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, định hướng phát triển và một số dự án hạ tầng giao thông ưu tiên kêu gọi đầu tư trong thời gian tới.

Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Chính quyền thành phố Đà Nẵng luôn xác định hạ tầng đô thị nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng là khâu đột phá tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nhanh, bền vững

Theo ông Tuấn, đối với Đà Nẵng, do chính quyền thành phố luôn xác định hạ tầng đô thị nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng là khâu đột phá tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nhanh, bền vững nên trong bối cảnh ngân sách hạn chế, Đà Nẵng tập trung các giải pháp để thu hút đa dạng các nguồn lực, nguồn vốn đầu tư nhằm đảm bảo kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của thành phố:

Đầu tiên là tranh thủ nguồn vốn ODA (có đối ứng của địa phương) đối với một số dự án như: Dự án phát triển bền vững do WB tài trợ. Thứ hai, tranh thủ nguồn vốn Trung ương đầu tư cho các công trình mang tính chất vùng trên địa bàn thành phố, là động lực phát triển và kết nối giao thông trong khu vực như: đường cao tốc Đà nẵng - Quảng Ngãi, Quốc lộ 1A, đường La Sơn - Túy Loan, Nhà ga quốc tế Đà Nẵng... Theo đó, thành phố tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi và nhanh chóng nhất trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án. Thứ ba, tranh thủ nguồn vốn tư nhân đối với các dự án xây dựng các khu đô thị mới: Thông qua đầu tư các khu đô thị mới, các nhà đầu tư đồng thời xây dựng các tuyến đường giao thông nội bộ theo quy hoạch của thành phố, góp phần kết nối giao thông khu vực và giải quyết vấn đề giao thông của thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng cho hay, đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BT trên địa bàn thành phố, việc thanh toán dự án được xác định trên cơ sở giá trị quỹ đất để hoàn vốn theo nguyên tắc ngang giá. Giá trị dự án BT xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng; giá trị quỹ đất thanh toán xác định theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đặc biệt, để mở rộng không gian đô thị, làm thay đổi nhanh chóng diện mạo thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo giao thông thông suốt trên địa bàn thành phố và kết nối đồng bộ với mạng lưới giao thông quốc gia, Đà Nẵng luôn thực hiện nhất quán chủ trương tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đều có cơ hội đầu tư phát triển trên cơ sở bảo đảm các quy định, quy trình của pháp luật, vận dụng phù hợp với điều kiện thành phố, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục, không ngừng cải thiện cơ chế chính sách tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Từ những năm 2000, thành phố thực hiện phương thức đầu tư phát triển hạ tầng giao thông như "Nhà nước và nhân dân cùng làm" hay phương thức "đổi đất lấy hạ tầng"”, ông Tuấn chia sẻ một trong những bài học thành công của Đà Nẵng.

Cũng liên quan đến hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, với sự lựa chọn là "xây dựng cơ sở hạ tầng và hạ tầng giao thông phải đi trước một bước", trong giai đoạn tới, ông Tuấn nhấn mạnh: chiến lược phát triển chung của thành phố và quy hoạch giao thông vận tải được duyệt, thành phố sẽ tập trung vào phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững, hiện đại.

Để mở rộng không gian đô thị, làm thay đổi nhanh chóng diện mạo thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo giao thông thông suốt trên địa bàn thành phố và kết nối đồng bộ với mạng lưới giao thông quốc gia, Đà Nẵng luôn thực hiện nhất quán chủ trương tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp

Để làm được điều này, Đà Nẵng đã và đang triển khai hàng loạt các dự án lớn:

Thứ nhất, dự án Xây dựng Cảng Liên Chiểu: nhằm giảm tải cho Cảng Tiên Sa, giảm áp lực giao thông đường bộ tại khu vực phát triển du lịch của thành phố. Việc xây dựng Cảng Liên Chiểu sẽ rút ngắn tuyến đường trung chuyển hàng hóa trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây kết nối từ Myanmar, sang Thái Lan, Lào, và điểm cuối là Đà Nẵng, và là một trong những tuyến vận tải ngắn nhất từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương.

Thứ hai, dự án di dời ga đường sắt: nhằm giúp Đà Nẵng phát triển đô thị một cách hiệu quả, hiện đại và bền vững, qua đó góp phần giảm rủi ro về giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân thành phố; tăng tính kết nối của hệ thống đường sắt với đường bộ cao tốc và Cảng Liên Chiểu.

Thứ ba, Dự án xây dựng Hành lang kinh tế Đông Tây 2: Tuyến hành lang kinh tế Đông Tây 2 (Quốc lộ 14D) là tuyến giao thông quan trọng đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt đối với thành phố Đà Nẵng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng và là tuyến đường kết nối các nước tiểu vùng sông Mê Công mở rộng-GMS (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanma). Thành phố Đà nẵng đang đề xuất các bộ, ngành Trung ương xem xét, bổ sung dự án vào danh mục dự án vay vốn ODA giai đoạn 2017 - 2020.

Cùng với đó, bên cạnh việc tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch được duyệt, thành phố tập trung xúc tiến đầu tư các dự án: Dự án Phát triển giao thông phi cơ giới và ứng dụng hệ thống thông minh trong quản lý điều hành giao thông (ITS): gồm nâng cấp trung tâm điều hành tín hiệu giao thông và vận tải công cộng, hệ thống thu phí đỗ xe thông minh, vé thông minh; Tổ chức phân luồng, xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS) trong quản lý đậu đỗ, phát triển hệ thống giao thông tĩnh đi đôi với việc nâng cấp hệ thống giao thông công cộng gắn kết với các công trình giao thông ngầm nhằm giải quyết ùn tắc giao thông. Dự án Tàu điện kết nối giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam: Đây là dự án tiềm năng thu hút các nhà đầu tư tư nhân quan tâm, khai thác nhằm gia tăng giá trị du lịch, giá trị sử dụng đất và hiệu quả giao thông đi lại giữa hai địa phương.

Để thực hiện những mục tiêu trên, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào cơ sở hạ tầng giao thông như: Đề xuất Trung ương hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (Luật đầu tư công, chính sách đầu tư PPP, chính sách tài chính PPP kết hợp nhiều nguồn như Trái phiếu Chính phủ, ODA, vốn tư nhân,...); Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đối với các dự án ưu tiên, cấp thiết trên cơ sở lựa chọn mô hình PPP hợp lý; Ưu tiên ban hành cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư đối với các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, công trình có tác động trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn thành phố.

Theo Nguyễn Phước

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên