Vì sao phải can thiệp giá vàng?
Sau 5 ngày Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán vàng miếng, giá vàng SJC trong nước giảm mạnh và chỉ còn chênh với giá vàng thế giới khoảng gần 4 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia cho rằng, việc can thiệp là cần thiết và có thành công nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt còn về lâu dài phải thay thế Nghị định 24.
- 08-06-2024Giá vàng thế giới rơi tự do, thủng mốc 2.300 USD/ounce
- 08-06-2024"Giá vàng sẽ giảm xuống và người dân sẽ không còn cảm thấy bị bỏ lỡ khi chưa nắm giữ vàng"
- 06-06-2024Giá vàng giảm sâu, người đu đỉnh lỗ nặng: Vào lúc sóng to nhất, hy vọng lên 100 triệu/lượng, tới giờ chỉ mong bán cắt lỗ
-
Việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Cụ thể, người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã mua nắm giữ từ bao lâu với giá rẻ hơn vàng SJC, mặc dù chất lượng như nhau
-
“Việc đầu tư tài chính hiện nay càng phải thận trọng hơn bao giờ hết. Nhà đầu tư chưa am hiểu chứng khoán, còn trái phiếu doanh nghiệp chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, bất động sản đóng băng; nếu lựa chọn an toàn, nhà đầu tư có thể chọn gửi tiết kiệm ngân hàng
Sáng 7/6, NHNN giữ nguyên giá bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng quốc doanh và Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) như hôm qua, ở mức 75,9 triệu đồng/lượng. Đây là lần đầu tiên sau 5 ngày cơ quan điều hành không hạ giá bán so với ngày trước đó. Biểu giá mua bán vàng miếng của SJC hiện giữ nguyên so với hôm qua, ở mức 74,9 - 76,9 triệu đồng/lượng. Các thương hiệu kinh doanh khác, như Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, Mi Hồng, cũng neo giá tương đương.
Trước đó, với các biện pháp bình ổn từ NHNN, giá vàng giảm liên tục 9 ngày gần đây. Giá vàng miếng giảm hơn 13 triệu đồng/ lượng, riêng trong bốn ngày đầu, các ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC bán trực tiếp đến người dân, giá vàng miếng giảm một triệu đồng/lượng sau mỗi đêm.
Ngày 7/6, Ngân hàng Vietcombank mở thêm 4 điểm bán vàng tại Hà Nội và TPHCM. Thế nhưng, nhu cầu mua vàng của dân lớn, các ngân hàng không đáp ứng đủ số vàng trong ngày. Nhiều ngân hàng hẹn khách sang tuần quay lại.
Theo lãnh đạo Vietcombank, trong ba ngày đầu mở bán (3-6/7), ngân hàng đã phục vụ 1.500 lượt khách mua vàng, với trên 10.000 lượng được bán ra.
Trước thông tin người dân xếp hàng và khó khăn trong việc mua vàng, trả lời báo chí sáng 7/6, đại diện NHNN khẳng định, có đủ nguồn vàng cho nhu cầu chính đáng và hợp pháp, thông tin thiếu vàng là thất thiệt.
Cơ quan quản lý khẳng định “có đủ nguồn lực và quyết tâm” để bình ổn thị trường, kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới phù hợp. Hiện, mức chênh giữa giá SJC trong nước và thế giới còn khoảng gần 4 triệu đồng thay vì 19-20 triệu như trước đây.
NHNN cho biết đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng thị trường, đồng thời khuyến nghị người dân đề cao cảnh giác, tránh bị tác động, lợi dụng bởi các đối tượng có dụng ý xấu.
Bên cạnh việc cung ứng vàng miếng cho nhu cầu chính đáng và hợp pháp, cơ quan quản lý nói sẽ chủ động các giải pháp xử lý hiện tượng gom hàng. Việc thanh tra các sai phạm nếu có của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng đang được triển khai khẩn trương, đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM.
Phải sớm thay thế Nghị định 24
Trước thông tin dư luận cho rằng, nhiều mặt hàng không can thiệp bình ổn mà cứ can thiệp thị trường vàng , trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường vàng cần được can thiệp vì nếu không can thiệp sẽ xảy ra bất ổn và gây ra những hệ lụy lớn cho nền kinh tế.
“Việc bất ổn của thị trường vàng bởi lâu nay để khoảng cách vàng trong nước chênh lệch lớn với giá vàng thế giới. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy như: buôn lậu, chảy máu ngoại tệ, trốn thuế, môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Nếu bất ổn thị trường vàng sẽ ảnh hưởng đến hệ thống kinh tế và tài chính”, ông Long nói.
Theo ông Long, trong bất kỳ thị trường nào đang bất ổn, cơ quan quản lý phải dùng biện pháp can thiệp. Theo đó, biện pháp thượng sách là dùng kinh tế áp theo quy luật thị trường. Điều này có nghĩa là khi cung cầu mất cân đối phải tăng cung khi cầu lớn. Còn biện pháp hành chính là hạ sách nhưng cũng cần thiết.
“Mục đích của NHNN là kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, giá NHNN bán cho 4 ngân hàng quốc doanh và Cty SJC là giá ấn định do Nhà nước đưa ra. Liệu sau khi NHNN dừng bán, giá này có duy trì được lâu”, ông Long nói và cho hay, liệu NHNN có đáp ứng đủ nguồn cung vàng cho thị trường? Theo ông Long, nhu cầu của người dân đang là động “không đáy”, bởi hiện lãi suất tiết kiệm thấp, chứng khoán bấp bênh, bất động sản trầm lắng, sản xuất khó khăn. Đầu năm 2024, các tổ chức dự báo cuối năm 2024, giá vàng lên 2.600 USD/ounce, thậm chí cao hơn.
Theo đó, người dân tìm đến kênh đầu tư vàng bởi dự báo khả năng sinh lời trong tương lai khi giá sẽ lên và thanh khoản tốt.
“Các tiệm vàng kinh doanh nhỏ lẻ đang không bán vàng vào thời điểm này. Rõ ràng chúng ta chưa biết giá thị trường bao nhiêu bởi đây là giá bán của Nhà nước”, ông Long cho hay.
Ông Long nhấn mạnh, biện pháp này của NHNN chỉ là “cú hích” và giải pháp tình thế. Hiện, chưa biết được cầu là bao nhiêu. Nếu tiếp tục cung vàng ra để giá vàng thấp liệu NHNN có đủ dự trữ ngoại tệ để đi mua vàng?
Ông Long cho biết thêm, nếu tiếp tục cung ứng vàng vật chất sẽ dẫn đến vàng hóa nền kinh tế vì người dân tập trung quá nhiều vào vàng không tập trung vào sản xuất kinh doanh. Thêm nữa, việc này tạo tâm lý đầu cơ vàng. Theo đó, về lâu dài phải thay thế Nghị định 24 về quản lý vàng.
Ngày 7/6, NHNN có công văn gửi 3 bộ: Công an, Tài chính, Công Thương phối hợp để quản lý thị trường ngoại hối, vàng. Theo đó, NHNN kiến nghị 3 bộ phối hợp thực hiện biện pháp xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh cung ứng dịch vụ ngoại hối, vàng.
Tiền phong