MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Virus sẽ lây lan như thế nào nếu bạn đi chung máy bay với một người bị ốm?

10-03-2020 - 16:42 PM | Sống

WHO cho rằng chỉ những người ngồi trong phạm vi 2 hàng ghế trước sau với bệnh nhân mới có nguy cơ lây bệnh. Tuy nhiên, đôi khi mọi chuyện lại không hoàn toàn như vậy.

Kể từ ngày 8/3, Việt Nam đã công bố thêm 17 trường hợp nhiễm covid-19 mới, trong đó 13 người là hành khách trên chuyến bay VN0054. Đa phần các ca dương tính đều tập trung tại khoang thương gia hạng C, nơi có bệnh nhân số 17 ngồi ở ghế 5K.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng còn có nguồn lây lan khác trên chuyến bay này, do bệnh nhân số 21 ngồi cách bệnh nhân số 17 đến 6m. Theo báo Thanh niên, trong chuyến bay từ Ấn Độ sang Anh, bệnh nhân số 21 đã ngồi cạnh một hành khách có biểu hiện sốt và ho liên tục.

Nhiều chuyên gia từng khẳng định rằng khả năng lây bệnh trên máy bay là khá thấp, nhờ hệ thống lọc khí hiện đại HEPA tương tự hệ thống lọc khí trong phòng phẫu thuật. Dù vậy, trước bối cảnh nhiều người cùng nhiễm bệnh trên cùng chuyến bay như trên, thông tin này cũng không đủ để giúp mọi người cảm thấy an tâm hơn. 

Virus sẽ lây lan như thế nào nếu bạn đi chung máy bay với một người bị ốm? - Ảnh 1.

Bạn có thể tránh một người đang hắt hơi tại sân bay, nhưng không thể kiểm soát mọi thứ một khi đã yên vị trong chiếc hộp sắt kín ở độ cao 10.000m. Sẽ ra sao nếu có người nhiễm virus corona đi cùng bạn trên chuyến bay này?

Con đường lây truyền của các loại virus nói chung trên máy bay

Khi người nhiễm virus hắt hơi hoặc ho, những giọt như nước bọt, đờm và dịch nhầy cũng bắn ra theo. Nếu chẳng may chúng dính vào người bạn - hoặc bạn chạm vào chúng rồi chạm vào mặt mình - bạn cũng có thể bị nhiễm bệnh.

Những giọt bắn này không bay quá xa trong không khí, mà thường rơi ở các vị trí gần với nguồn ban đầu. Theo Emily Landon - Giám đốc Y tế về Quản lý kháng khuẩn và Kiểm soát lây nhiễm tại Trung tâm Y tế ĐH Chicago, khoảng cách dễ bị lây nhiễm là trong vòng bán kính 1,8m với thời gian từ 10 phút trở lên.

"Thời gian và khoảng cách rất quan trọng", Landon cho biết.

Virus corona và các loại virus gây các bệnh hô hấp khác cũng được lây truyền thông qua bề mặt tiếp xúc với giọt bắn như ghế ngồi hoặc bàn ăn trên máy bay. Tuy nhiên, thời gian tồn tại của chúng còn phụ thuộc vào từng loại giọt bắn cũng như từng loại bề mặt.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định khoảng cách tiếp xúc với người bệnh là 2 hàng ghế bên cạnh và 2 hàng ghế trước sau.

Virus sẽ lây lan như thế nào nếu bạn đi chung máy bay với một người bị ốm? - Ảnh 2.

Tuy nhiên, các hành khách không chỉ ngồi một chỗ trong suốt chuyến đi, đặc biệt là với những chuyến bay kéo dài nhiều giờ. Họ sẽ đi vệ sinh, đứng lên duỗi tay chân hoặc lấy đồ ở khoang để hành lý trên đầu. Trên thực tế, trong đại dịch SARS năm 2003, một hành khách trên chuyến bay từ Hồng Kông đến Bắc Kinh đã lây bệnh cho cả những người nằm ngoài phạm vi 2 hàng ghế của WHO. 

Nhờ trường hợp này, một nhóm các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu xem việc di chuyển ngẫu nhiên trên máy bay có thể làm thay đổi khả năng lây nhiễm virus ra sao.

Chỗ ngồi nào trên máy bay là an toàn hơn cả?

Nhóm nghiên cứu “FlyHealthy” đã quan sát hành vi của các hành khách và phi hành đoàn trên 10 chuyến bay xuyên lục địa kéo dài khoảng 3,5-5 tiếng từ Mỹ. Theo hai trưởng nhóm Vicki Stover Hertzberg và Howard Weiss, họ không chỉ xem cách mọi người di chuyển trong máy bay mà còn tính toán liệu điều đó ảnh hưởng như thế nào đến tần suất và thời gian tiếp xúc người khác của người bệnh. Nhóm nghiên cứu muốn ước tính số lần tiếp xúc đủ để tạo ra nguy cơ lây nhiễm trên những chuyến bay xuyên lục địa này. 

“Giả sử bạn ngồi ở ghế sát lối đi hoặc ghế giữa và tôi đi qua bạn để tới bồn rửa tay”, Weiss - Giáo sư ngành Sinh học và Toán học tại ĐH bang Penn - nói. “Chúng ta sẽ tiếp xúc với nhau trong vòng bán kính 1m. Vậy nếu tôi nhiễm bệnh, tôi có thể khiến bạn bị lây. Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu đầu tiên định lượng điều này”.

Theo một nghiên cứu được công bố năm 2018, hầu hết các hành khách đều rời khỏi ghế của mình một lúc để đi vệ sinh hoặc kiểm tra hành lý phía trên. Có 38% số hành khách rời khỏi chỗ một lần và 24% đi ra ngoài nhiều từ hai lần trở lên. Chỉ 38% số người được hỏi ngồi yên vị tại chỗ trong suốt chuyến bay.

Virus sẽ lây lan như thế nào nếu bạn đi chung máy bay với một người bị ốm? - Ảnh 3.
Virus sẽ lây lan như thế nào nếu bạn đi chung máy bay với một người bị ốm? - Ảnh 4.

Nghiên cứu này cũng giúp chỉ ra chỗ ngồi an toàn nhất trên máy bay. Những hành khách ít khi đứng dậy nhất thường ngồi ở ghế cạnh cửa sổ. Chỉ có 43% số người ngồi ở cạnh cửa sổ di chuyển, so với con số 80% ở những người ngồi sát lối đi.

Do đó, những hành khách ngồi cạnh cửa sổ cũng ít khi tiếp xúc với những người ngồi ở hàng ghế khác. Họ chỉ tiếp xúc khoảng 12 lần, trong khi những người ngồi ở ghế giữa và ghế sát lối đi lần lượt là 58 và 64 lần.

Như vậy, việc chọn ghế cạnh cửa sổ và ngồi yên tại chỗ sẽ giúp giảm thiểu khả năng mắc bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, theo như số liệu đồ họa ở trên, những hành khách ngồi ở ghế giữa và ghế sát lối đi - thậm chí là cả những người ngồi trong bán kính 2 hàng ghế của WHO - cũng ít có khả năng mắc bệnh.

Theo Giáo sư Weiss, đó là vì các tiếp xúc giữa người với người trên máy bay thường diễn ra tương đối ngắn.

“Nếu bạn ngồi ở ghế sát lối đi, chắc chắn sẽ có vài người đi qua bạn, nhưng họ di chuyển rất nhanh”, Weiss giải thích. “Tổng kết lại, khả năng lây lan giữa các hành khách là khá thấp”.

Tuy nhiên, nếu người mắc bệnh là tiếp viên hàng không thì mọi chuyện lại khác. Bởi vì tiếp viên hàng không thường xuyên phải đi lại trong máy bay và tương tác với các hành khách, tần suất và thời gian tiếp xúc của họ cũng cao hơn. Theo nghiên cứu này, một thành viên phi hành đoàn bị bệnh có thể lây cho 4,6 người.

“Vì thế, tiếp viên không được phép bay khi đang ốm”, nghiên cứu này khuyến cáo.

Hành khách cần làm gì để đảm bảo an toàn trên mỗi chuyến bay?

Theo Giáo sư Weiss, mô hình trên chưa bao gồm lây nhiễm qua khí dung (aerosol). Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng nó cũng không thể áp dụng cho các chuyến bay đường dài hay trên các máy bay có hơn 1 lối đi.

Landon tin rằng kết quả nghiên cứu này có thể áp dụng cho đại dịch virus corona (Covid-19) lần này. Tất cả các chủng virus corona trước đó đều lây truyền qua giọt bắn, do đó không lạ gì khi Covid-19 cũng tương tự như vậy. Trên thực tế, Covid-19 có rất nhiều điểm tương đồng với virus corona gây dịch SARS. Chúng đều là virus bắt nguồn từ động vật - cụ thể là dơi, biến đổi để lây sang con người. Cả hai loại virus này đều lây từ người sang người và có thời gian ủ bệnh khá dài, trong đó với Covid-19 là 14 ngày.

Virus sẽ lây lan như thế nào nếu bạn đi chung máy bay với một người bị ốm? - Ảnh 5.

Bà cũng khuyến cáo các hành khách nên rửa tay với xà phòng hoặc dùng nước rửa tay khô có chứa cồn sau khi chạm vào bất cứ bề mặt nào - đặc biệt là khi có bằng chứng cho thấy virus corona có thể tồn tại trên bề mặt khác từ 3-12 tiếng.

Bạn cũng nên tránh chạm vào mặt hoặc tiếp xúc với các hành khách đang họ bằng bất cứ cách nào có thể.

>>> Xem thêm các biện pháp phòng tránh dịch Covid-19 tại đây.

Theo National Geographic

Virus sẽ lây lan như thế nào nếu bạn đi chung máy bay với một người bị ốm? - Ảnh 6.

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên