MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ "phù phép" ki-ốt kinh doanh thành nhà tầng kiên cố: Chính quyền xã thừa nhận bất lực

12-12-2023 - 18:45 PM | Bất động sản

Một số hộ dân ở bên ngoài chợ Chay, xã An Dũng, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) “phù phép” hàng chục ki-ốt dùng để kinh doanh, buôn bán thành các nhà cao tầng kiên cố để ở nhưng lãnh đạo địa phương than rằng khó giải quyết.

Để tiếp tục làm rõ thêm vì sao những sai phạm này vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức pháp luật nhiều năm qua, Báo Người Lao Động đã liên hệ với ông Phan Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã An Dũng, và được vị này thừa nhận chính quyền xã đang bất lực trước những sai phạm của người dân.

Vụ "phù phép" ki-ốt kinh doanh thành nhà tầng kiên cố: Chính quyền xã thừa nhận bất lực- Ảnh 1.

Những ngôi nhà 2, 3 tầng kiên cố này vừa mới được xây dựng cách đây hơn 1 năm trên đất ki-ốt kinh doanh nhưng không bị chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý.

Ông Kiên cũng cho biết khi các hộ dân tiến hành xây dựng nhà ở kiên cố trên đất ki-ốt, chính quyền địa phương biết và cũng đã tiến hành lập biên bản: "Tuy nhiên, lập cũng chỉ lập vậy thôi, chứ nói để ngăn cản quyết liệt hay tiến hành cưỡng chế tháo dỡ thì không thể làm được" - ông Kiên nói.

Khi được hỏi nếu bỏ qua những sai phạm, vậy chính quyền địa phương ở đâu và làm gì, khi để người dân tự ý xây dựng những căn nhà kiên cố 2 đến 3 tầng mới cách đây hơn 1 năm, lại nằm ngay gần trụ sở ủy ban xã mà không có phương án xử lý, ông Kiên viện giải rằng do người dân họ cứ xây ít một, chứ không xây một lúc, rồi họ lại vin vào cớ là tại sao những nhà trước xây được mà nhà tôi không xây được.

"Việc để người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất kinh doanh sang đất ở, thì trách nhiệm về buông lỏng quản lý của chính quyền xã là không phải bàn cãi nữa rồi. Chúng tôi biết là sai nhưng không thể nào xử lý được và đành chấp nhận bất lực thôi" - ông Kiên phân trần.

Vụ "phù phép" ki-ốt kinh doanh thành nhà tầng kiên cố: Chính quyền xã thừa nhận bất lực- Ảnh 3.

Ngôi nhà 3 tầng đầu tiên bên tay trái được xây dựng cách đây hơn 1 năm

Cũng theo ông Kiên, sau khi Báo Người Lao Động đăng tải thông tin, lãnh đạo UBND huyện cũng đã lập đoàn về kiểm tra cũng như yêu cầu xã làm báo cáo, giải trình.

Trong báo cáo của xã gửi UBND huyện có nêu lý do vướng mắc là do trước đây không phải cho thuê mà là cấp đất ki- ốt kinh doanh có thu tiền, nên giờ rất khó xử lý.

"Giờ đã cấp cho họ lâu dài, lại không có quy định về phạm vi được quy định bao mét vuông họ được sử dụng, được xây bao nhiêu, như thế nào, cũng không có, từ đó họ sửa sang lại thì mình cũng không thể ngăn họ được" - ông Kiên nhấn mạnh.

Vụ "phù phép" ki-ốt kinh doanh thành nhà tầng kiên cố: Chính quyền xã thừa nhận bất lực- Ảnh 4.

Nhiều ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất ki-ốt kinh doanh

Tuy nhiên, trái ngược với những gì ông Kiên nói, chúng tôi đã liên hệ với ông Th. chủ thầu xây dựng ngôi nhà cho bà Phan Thị Lập, 1 trong 8 ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất ki-ốt kinh doanh, và được khẳng định ngôi nhà của bà Lập được nhóm thợ của ông này hoàn thiện trong vòng hơn 4 tháng kể từ thời điểm khởi công vào đầu tháng 7-2022.

Ngoài ra, trong quá trình tiếp xúc với người dân sống gần khu vực chợ Chay, chúng tôi ghi nhận rất nhiều ý kiến phản ánh sự bức xúc của họ về việc những sai phạm tồn tại ngay trước mặt chính quyền địa phương nhiều năm qua nhưng không thể giải quyết được.

"Nếu là cây kim, sợi chỉ nói khó phát hiện thì còn nghe được. Chứ ở đây, cả mấy căn nhà 2 đến 3 tầng, xây dựng ngang nhiên giữa ban ngày mà nói không biết với lại cho đó là những sai phạm do tồn đọng của lịch sử để lại nên khó xử lý thì chúng tôi không còn biết nói gì hơn", một người dân cho biết.

Vụ "phù phép" ki-ốt kinh doanh thành nhà tầng kiên cố: Chính quyền xã thừa nhận bất lực- Ảnh 5.

Người dân sống gần khu vực chợ Chay cho rằng những sai phạm rõ ràng nhưng không được chính quyền xử lý

Liên quan đến vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Phó trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ, cho biết huyện đang kiểm tra lại các sai phạm xảy ra tại xã An Dũng. "Hiện tại chúng tôi chưa nhận được báo cáo, giải trình của xã, còn đoàn kiểm tra cũng chưa có kết luận nên có gì chúng tôi sẽ thông tin sau" - bà Bình nói.

Trước đó như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào khoảng từ năm 1996 đến năm 1998, xã Đức An (nay là xã An Dũng) tiến hành cho đấu thầu 16 ki-ốt, ở bên ngoài khu vực chợ Chay, với diện tích từ 24 đến 70m2 để tạo điều kiện cho các hộ dân kinh doanh vô thời hạn. Đến đầu năm 2000, chính quyền địa phương tiếp tục giao thêm 1 ki-ốt cho một hộ dân khác.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng các ki-ốt để kinh doanh, không hiểu bằng cách nào mà 10/17 hộ dân đã tự ý "phù phép" các ki-ốt kinh doanh trên thành những căn nhà cao tầng khang trang, kiên cố để ở mà không gặp bất cứ trở ngại nào.

Ông Trần Hoài Đức, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết đơn vị đang lập đoàn kiểm tra để làm rõ vấn đề.

"Vừa rồi cũng có nhiều hộ dân xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng làm sao chấp nhận được, đất nào ra đất đó, mà diện tích cũng không đủ để có thể cấp thành đất ở cho người dân được. Hiện nay, những sai phạm tồn đọng năm này qua năm khác tại xã An Dũng cũng đang làm đau đầu lãnh đạo huyện. Tuy nhiên nếu sai thì phải xử lý thôi chứ không thể để như vậy được" - ông Đức nói.


Theo Vĩnh Gia

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên