Xe ô tô điện Trung Quốc gặp khó vì gắn mác ‘Made in China’: Khi người tiêu dùng không tin vào chất lượng
Trong khi Trung Quốc tự hào vì BYD-hãng xe điện lớn thứ 2 thế giới của mình thì thương hiệu này lại chẳng có tiếng tăm gì ở nhiều thị trường phát triển.
- 16-07-2021Ô tô điện Trung Quốc bán chạy nhất thế giới giá 100 triệu: Bán 1 chiếc lãi hơn 300 nghìn
- 05-03-2021Vì sao Tesla vẫn chưa hoàn toàn thống trị được thị trường ô tô điện Trung Quốc?
Theo hãng tin Reuters, các hãng xe điện Trung Quốc đang cố gắng bành trướng ra thị trường quốc tế sau khi thống trị trên sân nhà, nhưng những tiếng xấu về “Made in China” suốt nhiều thập niên khiến công cuộc phát triển này gặp nhiều khó khăn.
Mua bằng niềm tin
Hãng tin Reuters cho hay thị trường Châu Âu hiện đang là đích ngắm chủ yếu của các hãng xe điện Trung Quốc khi thị trường Mỹ gặp nhiều rào cản, còn những thị trường đang phát triển khác thì chưa có nhiều lợi nhuận bằng.
Tuy nhiên tại Châu Âu, người tiêu dùng tại đây mới chỉ biết đến MG, còn các thương hiệu xe điện Trung Quốc khác như Xpeng hay Nio thì vẫn chưa được phổ biến rộng rãi cũng như tạo được niềm tin về chất lượng.
Thậm chí hàng loạt những bê bối về hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng trước đây đã khiến danh tiếng “Made in China” chịu tổn hại, qua đó gây nên sự hoài nghi của người dùng.
Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy những khách hàng tiềm năng mua xe điện nhất ở Châu Âu không có nhiều ấn tượng với thương hiệu Trung Quốc.
Trong khi đó những người biết đến xe điện Trung Quốc lại ngại ngần rút ví vì không tin tưởng vào chất lượng, dịch vụ hậu mãi...
Xin được nhắc là những thương hiệu xe hơi Nhật Bản và Hàn Quốc đã phải tốn hàng thập niên để có thể lấy được lòng tin cũng như đáp ứng sở thích của người Châu Âu.
Điều này có lẽ cũng sẽ xảy ra với xe điện Trung Quốc nếu muốn chinh phục thị trường này.
Điều đáng ngạc nhiên hơn, trong khi Trung Quốc tự hào về hãng xe điện lớn thứ 2 thế giới của mình là BYD thì lại chỉ có 14% người tiêu dùng Đức nhận diện thương hiệu này trong năm 2022. Tỷ lệ này là 17% với Nio, 10% với Geely và 8% cho Xpeng.
Trái ngược lại, tỷ lệ người tiêu dùng Đức nhận diện thương hiệu Tesla lên đến 95% và trong số đó có khoảng 10% sẽ xem xét mua xe điện mới. Tỷ lệ này chỉ là chưa đến 1% với các dòng xe điện Trung Quốc.
Sự mất niềm tin của người tiêu dùng Phương Tây vào hàng Trung Quốc khiến một số startup như Aiway phải xem xét không quảng bá nguồn gốc sản phẩm nhằm tránh tình trạng khách hàng từ chối rút ví vì “Made in China”.
Một số hãng xe điện Trung Quốc khác thì cố gắng đạt 5 sao đánh giá về tiêu chuẩn an toàn tại Châu Âu nhằm gây dựng niềm tin với khách hàng.
CEO Spiros Fotinos của hãng xe điện Trung Quốc Zeekr-Geely chi nhánh Châu Âu cho biết họ đang gây dựng được niềm tin của người tiêu dùng thông qua những bài lái thử trực tiếp cùng nhiều gian hàng để mọi người có thể chứng thực chất lượng sản phẩm.
“Khi khách hàng trực tiếp thử nghiệm chất lượng xe điện Trung Quốc và thấy chúng tốt hơn so với các sản phẩm Châu Âu quen thuộc, hầu như mọi người đều bị bất ngờ”, CEO Fotinos cho hay.
Không dừng lại ở đó, một số hãng như như GAC, thương hiệu xe điện lớn thứ 3 Trung Quốc, còn mở văn phòng thiết kế ô tô tại Milan-Italy nhằm đem lại cảm giác thân thuộc cho người tiêu dùng Châu Âu trước khi mở bán sản phẩm.
Thách thức
Theo Reuters, niềm tin không phải vấn đề duy nhất mà các hãng xe điện Trung Quốc phải đối mặt. Những khó khăn về thuế nhập khẩu, thị trường xe điện chưa phát triển được như Trung Quốc khiến các thương hiệu đến từ Châu Á gặp khá nhiều cản trở.
Từ đầu năm đến nay, các thương hiệu Trung Quốc chỉ chiếm 8% tổng số xe điện mới bán ra tại Châu Âu, cao hơn 6% của năm 2022 và 4% của 2021.
Thế nhưng con số này vẫn là quá nhỏ bé so với Tesla cũng như những thương hiệu khác, hoàn toàn không xứng đáng với vị thế mà họ có được tại sân nhà Trung Quốc.
Trong khi xe điện Trung Quốc được chính phủ hỗ trợ hết mức, mạng lưới cơ sở hạ tầng được phát triển mạnh mẽ cho ô tô điện thì ở Phương Tây, số trạm sạc điện cũng còn là vấn đề.
Thêm vào đó, thói quen dùng xe xăng cùng hàng loạt những vấn đề liên quan đến bảo hộ ngành, thất thu thuế xăng dầu, sự vận động hành lang của các tập đoàn ô tô truyền thống... cũng khiến xe điện gặp nhiều cản trở.
Báo cáo của Jato Dynamics cho thấy trong nửa đầu năm 2022, mức giá bình quân xe điện Trung Quốc chưa đến 32.000 Euro, tương đương 35.000 USD, thấp hơn so với 56.000 Euro của các hãng xe tại Châu Âu.
Tuy nhiên đây là mức giá tại thị trường bản địa từng khu vực, trong khi các hãng xe Trung Quốc không thể bán rẻ như ở quê nhà do vấn đề chi phí vận chuyển, logistic, thuế bán hàng, thuế nhập khẩu, các chi phí kiểm tra tiêu chuẩn tại Châu Âu khác.
Đồng quan điểm, hãng xe điện Trung Quốc bán chạy nhất ở Châu Âu là MG cho hay thách thức lớn nhất với họ là việc tốn thời gian quá dài để đưa xe từ nhà máy nội địa đi phân phối ở Châu Âu qua các cảng biển tắc nghẽn.
Thêm nữa, người Châu Âu thường thích xe điện có ắc quy cỡ lớn để chạy đường dài, khiến giá thành xe điện đội lên cao và làm khó cho các dòng xe điện mini giá rẻ từ Trung Quốc.
Thậm chí, các hãng xe điện Trung Quốc không chỉ phải cạnh tranh với đối thủ Phương Tây hay bản địa mà còn phải đối đầu chính đồng hương của mình.
Số liệu của Allianz cho thấy ít nhất 11 thương hiệu xe điện Trung Quốc mới sẽ ra mắt ở Châu Âu từ nay đến năm 2025.
Về phía bản địa, CEO Carlos Tavares của hãng xe điện Stellantis cảnh báo sự “xâm lược” của các hãng xe điện giá rẻ Trung Quốc vào Châu Âu, qua đó kêu gọi đồng minh cắt giảm chi phí lẫn giá thành để cạnh tranh với đối thủ từ nước ngoài.
Tình hình này đã khiến Tổng thư ký Chen Shihua của Hiệp hội sản xuất ô tô Trung Quốc phải cảnh báo các doanh nghiệp trong nước rằng họ đang rải quá mỏng nguồn lực khi mở rộng nhiều thị trường mới.
“Công cuộc mở rộng ra thị trường quốc tế của ngành xe điện không dễ dàng. Chúng ta nên xem xét kỹ những rủi ro phải đối mặt. Hiện nay các hãng xe đang dàn trải quá mức, tấn công mọi thị trường mà không có chiến lược tập trung rõ ràng”, Tổng thư ký Chen nhận định.
*Nguồn: Reuters
Nhịp sống thị trường