Xuất khẩu cà phê-không cẩn thận là mất hạng nhì
Việt Nam hiện là nước đứng thứ hai thế giới về sản xuất và XK cà phê nhân. Để giữ vững vị trí này, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cà phê, giải pháp quan trọng chính là tích cực hỗ trợ DN đầu tư và kịp thời tái canh hàng trăm nghìn ha cà phê già cỗi.
- 11-10-2017Xuất khẩu cà phê sẽ cải thiện trong quý IV?
- 23-08-2017Xuất khẩu cà phê về đích sớm
- 05-04-2017Giá giảm tại Indonesia, xuất khẩu cà phê của Việt Nam chậm lại
Xuất khẩu trên 3 tỷ USD
Theo Bộ NN&PTNT, 10 tháng đầu năm, XK cà phê ghi nhận 1,17 triệu tấn và 2,69 tỷ USD, giảm 22,7% về khối lượng và giảm 2,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Điểm đáng lưu ý là giá cà phê XK bình quân 9 tháng đầu năm đạt 2.286,7 USD/tấn, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2016. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm với thị phần lần lượt là 14,6% và 13,1%.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết: Hiện nay, có gần 90% cà phê XK dưới dạng cà phê nhân, còn trên 10% là cà phê rang xay, hòa tan. Nhu cầu tiêu thụ cà phê trên thị trường thế giới vẫn tăng. Việt Nam đã XK cà phê tới 140 nước và vũng lãnh thổ và sản phẩm cà phê đều được các thị trường chấp nhận. Bởi vậy, khối lượng cà phê XK sụt giảm trong năm nay không liên quan gì tới khó khăn thị trường hay chất lượng cà phê Việt mà chủ yếu bởi năm trước hạn hán, mất mùa, sản lượng cà phê giảm. Ngoài ra, thời gian qua, mức độ tiêu dùng cà phê trong nước tăng lên khiến XK cà phê nhân giảm đi.
Về mặt giá cả, theo ông Tự: Việt Nam đang là một trong những quốc gia có giá bán cà phê khá cạnh tranh vì năng suất cà phê cao. Mỗi ha có năng suất khoảng 2,4 tấn/ha, trong khi đó năng suất cà phê bình quân thế giới chỉ dưới 2 tấn/ha. Dự báo, trong cả năm nay, XK cà phê lần lượt đạt giá trị 3 tỷ USD và khối lượng 1,3 triệu tấn.
Giữ vững vị trí thứ hai thế giới
Vifoca đánh giá trong bối cảnh hiện tại, để phát triển ngành cà phê bền vững đòi hỏi phải chuyển sang thời kỳ mới với hai mục tiêu cụ thể đặt ra. Thứ nhất là giữ vững vị trí thứ hai về sản xuất và XK cà phê nhân trên thế giới. Thứ hai là đẩy mạnh khâu chế biến cà phê rang xay, hòa tan, các sản phẩm khác nhằm đưa kim ngạch XK đến năm 2030 lên 5-6 tỷ USD.
Liên quan tới vấn đề này, ông Tự phân tích: Hiện nay, trong phát triển cà phê rang xay, hòa tan, các DN nội địa gặp khá nhiều khó khăn về vốn. Chỉ có một số DN lớn triển khai được như: Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Công ty CP Vinacafe Biên Hòa, Công ty CP Cà phê Mê Trang, Tập đoàn An Thái, Công ty CP Cà phê Phúc Sinh… Để có một máy chế biến cà phê hòa tan hoặc rang xay với công suất 1.000 tấn, DN phải đầu tư khoảng 10 triệu USD. Đây là điểm cần xem xét tháo gỡ, hỗ trợ DN.
Xung quanh câu chuyện làm sao giữ vững vị trí XK cà phê nhân đứng thứ hai thế giới, theo ông Tự, quan trọng nhất là phải triển khai mạnh mẽ chương trình tái canh, coi tái canh là công việc thường niên phải làm để thay thế các vườn các phê già cỗi năng suất thấp. Lượng cà phê cần tái canh trong 5 năm tới lên đến 160.000 ha. Trong khi tiến độ tái canh tại các tỉnh Tây Nguyên đều diễn ra chậm, trừ tỉnh Lâm Đồng. Cùng với đó, diện tích trồng cà phê tại Tây Nguyên không tăng. “Ở bối cảnh đó, động thái tái canh mạnh mẽ cây cà phê nhằm mục đích tránh cho Việt Nam rơi vào trường hợp như Indonesia và Columbia, khi diện tích cà phê quá nhiều, tái canh không kịp, sản lượng giảm, mất vị trí. Tại Columbia, khi sản lượng giảm giảm xuống 7 triệu bao, Chính phủ đã phải đưa ra chương trình tái canh quốc gia hỗ trợ 30% vốn đầu tư vườn cây và cho thời gian không trả lãi 3 năm. Đến nay, khi diện tích đã được khôi phục, Columbia đạt sản lượng đạt 15 triệu bao”, ông Tự nói.
Bên cạnh đó, ông Tự cũng nhấn mạnh, phải ưu tiên phát triển giống năng suất cao, chất lượng tốt. 100% vườn tái canh trồng giống mới, nghiên cứu phát triển giống chịu hạn, chịu biến đổi khí hậu. Vifoca kiến nghị Chính phủ cho thành lập Quỹ phát triển ngành cà phê và cung cấp giống cà phê, giống cây che bóng miễn phí cho nông dân; đồng thời, sớm ban hành Quy chuẩn cà phê rang xay và hòa tan, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Đối với các ngân hàng, kiến nghị được đưa ra là cung cấp đầy đủ vốn cho tái canh và hoạt động kinh doanh của ngành cà phê.
Một số chuyên gia góp ý thêm, để đảm bảo phát triển bền vững, ngành cà phê cũng cần đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nâng mức tiêu thụ trong nước lên 20-30%, đồng thời nâng cao chất lượng cà phê nhân trong khâu thu hái cà phê chín đạt trên 80%...
Báo hải quan