MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu gạo không phải là “cây đũa thần” của Lộc Trời

01-11-2023 - 08:10 AM | Doanh nghiệp

Kinh doanh và xuất khẩu gạo, lương thực nói chung giúp doanh thu của Lộc Trời tăng trưởng mạnh, nhưng lợi nhuận thực sự của công ty chủ yếu vẫn đến từ mảng thuốc bảo vệ thực vật.

Xuất khẩu gạo không phải là “cây đũa thần” của Lộc Trời - Ảnh 1.

Những lô hàng xuất khẩu của Lộc Trời

Nội dung chính:

  • Lộc Trời được hưởng lợi từ việc xuất khẩu gạo của Việt Nam, doanh thu mảng lương thực, lúa gạo của Lộc Trời trong 9 tháng đầu năm đã vượt mức năm 2022.
  • Dù tỷ trọng doanh thu tăng dần, lãi gộp của Lộc Trời vẫn đến từ mảng thuốc bảo vệ thực vật.
  • Tăng cường vay nợ khiến công ty chịu gánh nặng lãi suất, là nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ kỷ lục trong quý III/2023.

Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Lộc Trời - UPCoM: LTG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với khoản lỗ kỷ lục 327 tỷ đồng bất chấp doanh thu tăng trưởng tới 58%.

Được biết đến là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lúa gạo với thương hiệu Hạt ngọc trời nổi tiếng, Lộc Trời là doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc tăng trưởng xuất khẩu gạo Việt Nam trong gần một năm trở lại đây.

Trong riêng quý III, mảng lúa gạo của Lộc Trời đạt trên 4.000 tỷ đồng doanh thu, chiếm 88% tổng doanh thu trong kỳ và cao gấp 2,5 lần cùng kỳ 2022.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng lúa gạo tăng trưởng không ngừng, lấn át mảng kinh doanh chính trước đây là thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tuy nhiên, động lực tăng trưởng cũng như nguồn gốc của phần lớn lợi nhuận của Lộc Trời vẫn đến từ thuốc BVTV.

Xuất khẩu gạo không phải là “cây đũa thần” của Lộc Trời - Ảnh 2.

Doanh thu các mảng kinh doanh của Lộc Trời (đơn vị: tỷ đồng)

Xuất khẩu gạo không phải là “cây đũa thần” của Lộc Trời - Ảnh 3.

Lợi nhuận gộp các mảng kinh doanh chính của Lộc Trời - riêng dữ liệu 9T 2023 tạm tính, loại trừ ảnh hưởng của các khoản giảm trừ doanh thu (đơn vị: tỷ đồng)

Gánh nặng nợ vay

Trong khi lãi gộp từ mảng kinh doanh lúa gạo vẫn mỏng, chi phí lãi vay là nguyên nhân chính “dìm” kết quả kinh doanh của Lộc Trời trong quý III/2023.

Trong riêng quý III, chi phí lãi vay của Lộc Trời lên tới 164 tỷ đồng, vượt lãi gộp của công ty (152 tỷ đồng). Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu trong tình hình biến động tỷ giá cũng mang lại cho công ty khoản lỗ tỷ giá tới 73 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng.

Chi phí lãi vay tăng vọt là kết quả của quá trình miệt mài vay nợ của Lộc Trời.

Chỉ trong 9 tháng đầu năm, nợ vay (chủ yếu là ngắn hạn) của công ty đã tăng gần gấp đôi, từ mức 3.847 tỷ đồng lên 7.561 tỷ đồng.

Xuất khẩu gạo không phải là “cây đũa thần” của Lộc Trời - Ảnh 4.

Nợ vay của Lộc Trời tăng vọt trong 9 tháng đầu năm 2023 (đơn vị: tỷ đồng)

Trong khi doanh thu thuốc BVTV và các mảng kinh doanh khác của Lộc Trời đang bị thu hẹp, việc đẩy mạnh vay nợ trong 9 tháng đầu năm 2023 của công ty có thể để phục vụ mục tiêu xuất khẩu, thúc đẩy doanh thu mảng lúa gạo. Tuy nhiên, vay nợ mau chóng trở thành “con dao hai lưỡi” với Lộc Trời, khi bản thân mảng kinh doanh lúa gạo của công ty chưa thực sự mang lại hiệu quả vượt trội.

Cổ phiếu LTG của Lộc Trời đã có giai đoạn tăng trưởng mạnh với những tin tốt dồn dập từ thị trường xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, LTG cũng nhanh chóng chung số phận với thị trường chứng khoán Việt Nam khi liên tục rớt giá trong tháng 10. Hiện tại, LTG đang được giao dịch xung quanh mức giá 23.000 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với mức giá đầu năm.

Xuất khẩu gạo không phải là “cây đũa thần” của Lộc Trời - Ảnh 5.

Biến động giá cổ phiếu LTG từ đầu năm đến nay (Nguồn: Tradingview)

Theo Hồng Minh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên