Xuất khẩu thủy sản đang dựa tăng trưởng thị trường Mỹ
Trong 5 thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam thì hiện chỉ có tăng trưởng tại Mỹ.
- 10-09-2020TS. Võ Trí Thành: Bức tranh kinh tế Việt Nam hiện như bầu trời có tia sáng nhưng mây đen còn rất nhiều
- 10-09-2020Nhật Bản cam kết chi 1 triệu USD hỗ trợ ASEAN chống dịch
- 10-09-2020Hà Nội sắp có 10 tuyến bus điện của Vingroup: Giá bus điện có đắt hơn bus thường?
- 10-09-2020Việt Nam đề xuất "du lịch cầu hàng không" để tái mở cửa ASEAN
Xuất khẩu thuỷ sản tháng 8/2020 của Việt Nam ước đạt 762,31 triệu USD, so với tháng 8/2019 giảm 6,27%. Cộng dồn 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 5,157 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 6,18%.
5 thị trường xuất khẩu chính lần lượt là: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU (27) và Hàn Quốc. Trong đó chỉ có thị trường Mỹ tăng trưởng với mức độ hai chữ số như tháng 8 vừa qua, 4 thị trường còn lại đều sụt giảm.
Triển vọng dần phục hồi từ quý III
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 8/2020, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Mỹ đạt 162,562 triệu USD, tăng 19,8% so với tháng 8/2019. Cộng dồn 8 tháng đầu năm 2020 đạt gần 997 triệu USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ 2019.
Trong khi đó, tháng 8/2020, xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường Nhật Bản đạt 105,10 triệu USD, giảm 6,6% so với tháng 8/2019. Cộng dồn 8 tháng đạt 887,892 triệu USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng trong thời gian này, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đạt 122,842 triệu USD, giảm 4,2% so với tháng 8/2019. Cộng dồn 8 tháng đạt 801,582 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 4%.
Trong tháng 8/2020, xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường EU đạt hơn 100 triệu USD, tăng trưởng đến 17,5% so với tháng 8/2019, nhưng cộng dồn 8 tháng giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 602,89 triệu USD.
Tại thị trường Hàn Quốc, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 8/2020 đạt 66,30 triệu USD, tăng 15,7% so với tháng 8/2019, nhưng cộng dồn 8 tháng đạt 486,65 triệu USD và cũng giảm 3,5% so với cùng kỳ 2019.
Ngành thuỷ sản có 4 sản phẩm xuất khẩu chính gồm: tôm, cá tra, cá ngừ và cá các loại, chỉ có mặt hàng tôm là tăng trưởng dương, 3 mặt hàng còn lại đều tăng trưởng âm.
Cụ thể, xuất khẩu tôm trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 2,276 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ 2019; xuất khẩu cá tra đạt 907 triệu USD, giảm đến 29,8% so với cùng kỳ 2019. Cùng thời gian này, xuất khẩu cá ngừ chỉ đạt 413,29 triệu USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ 2019, còn các loại cá khác đạt 1,034 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ 2019.
Theo một doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, suốt 3 năm trở lại đây, Trung Quốc, Mỹ và EU vẫn là ba thị trường lớn nhất và nhiều mong đợi của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua diễn biến từ các thị trường này đã tác động không ít tới tâm lý của các nhà xuất khẩu. Song, có nhiều tín hiệu cho thấy từ quý III/2020, tình hình xuất khẩu sang một số thị trường sẽ ổn dần, trong đó có các thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ, do đó xuất khẩu cá tra có khả năng phục hồi.
Xuất khẩu cá tra tụt dốc
Theo VASEP, 8 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc đạt 291,56 triệu USD, giảm tới 22,6% so với cùng kỳ 2019; thị trường Mỹ đạt 153,83 triệu USD, giảm 18,3% so với cùng kỳ 2019 và thị trường EU đạt 91,26 triệu USD, giảm tới 34,1% so với cùng kỳ năm 2019.
"Đầu năm nay, các doanh nghiệp hy vọng nhiều vào việc tăng trưởng dương ở thị trường Mỹ sau một năm có nhiều tháng giảm sút. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 , xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong 2 quý đầu năm nay gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, kể từ tháng 3/2020 khi dịch bệnh bùng phát tại Mỹ, giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu sang thị trường này giảm từ mức 3,1 USD/kg (tháng 1/2020) xuống còn 2,83 USD/kg.
Tới tháng 6/2020, giá xuất khẩu cá tra phile đông lạnh sang Mỹ giảm xuống mức 2,8 USD/kg. Qua tháng 7/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã tăng nhẹ trở lại. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, có nhiều khả năng xuất khẩu sang thị trường này sẽ phục hồi.
Trong khi đó, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 291,56 triệu USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, tháng 7/2020, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 42,36 triệu USD, giảm 35,5% so với cùng kỳ năm 2019", đại diện VASEP cho biết.
Hoạt động xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm ngay từ đầu năm do ảnh hưởng bởi sự ngưng trệ giao thương vì dịch Covid-19. Ngoài ra, sản phẩm cá thịt trắng nội địa của nước này cũng đang bị dư thừa do hoạt động xuất khẩu giảm. Do đó, trong năm nay, dự báo tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tạm thời chưa thể tăng trưởng dương so với năm ngoái.
Xuất khẩu cá tra trong 8 tháng đầu năm nay sụt giảm mạnh đã kéo giá cá tra nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm 45% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tuần, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL dao động từ 17.200 - 18.200 đồng/kg đối với loại 700-800 g/con, giảm 45% so với cùng thời điểm năm 2019, trong khi giá thành sản xuất từ 21.000 - 22.000 đồng/kg.
Nguyên nhân do diện tích thả nuôi tăng nhanh, đầu ra lại gặp khó do ảnh hưởng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Theo Tổng cục Thủy sản , năm 2020 toàn vùng ĐBSCL dự kiến thả nuôi khoảng 6.600 ha cá tra, với sản lượng ước khoảng 1,42 triệu tấn.
BizLIVE