Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), trong giai đoạn từ đầu năm tới nay, thị trường sắt thép thế giới biến động khá mạnh, chia ra làm hai giai đoạn giá giảm - tăng khá rõ ràng. Kể từ đầu năm tới cuối tháng 3, giá ghi nhận đà lao dốc mạnh, trong đó, giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại Trung Quốc đã giảm khoảng 13% về 3.662 nhân dân tệ/tấn; trong khi giá quặng sắt niêm yết trên Sở Giao dịch Singapore có thời điểm rơi khỏi mốc 100 USD/tấn, giảm về mức đáy 7 tháng.
Đối với thị trường trong nước, sự khởi sắc từ cuối năm ngoái đã tạo bước chạy đà cho ngành thép duy trì ổn định trong giai đoạn đầu năm nay. Chỉ tính trong quý I năm nay, sản xuất thép thô đạt tổng cộng 5,32 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, tiêu thụ đạt 5,38 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, giá thép nước ta vẫn đang tiếp nối đà tăng từ cuối năm ngoái và duy trì ổn định. Tuy nhiên, triển vọng tiêu thụ vẫn còn gặp nhiều thách thức đã khiến giá chưa thể bứt phá.
Thực tế, Hòa Phát ghi nhận doanh thu tăng trưởng 16% lên 30.852 tỷ trong quý đầu năm và lãi ròng gấp hơn 7 lần cùng kỳ đạt 2.871 tỷ đồng. Tương tự, doanh thu Hoa Sen và Nam Kim cũng tăng trưởng lần lượt 32% và 21% so với cùng kỳ.
Các chỉ số biên lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp thép đã tạo đáy từ năm 2022 và đang trên đà hồi phục. Lợi nhuận trước thuế của đa số doanh nghiệp nhìn chung đã thoát khỏi ngưỡng âm.
Các chuyên gia ngành thép nhìn nhận, thị trường vẫn còn nhiều biến số về giá thép, than cốc, quặng sắt ... nên những doanh nghiệp nào có khả năng chủ động và quản lý hàng tồn kho tốt sẽ ghi nhận sự cải thiện biên lợi nhuận rõ rệt hơn nữa trong năm 2024.
Nhìn chung, những kỳ vọng vào sự phục hồi cả về giá và nhu cầu của thị trường thép xây dựng nội địa đang ngày càng tăng cao. Một số nhà kinh doanh vật liệu xây dựng phía Bắc cho biết, tốc độ bán hàng bình quân cho nhóm khách hàng dân dụng trong quý II này đã có sự cải thiện hơn đại diện.
“Lộ diện” yếu tố hỗ trợ thị trường thép nội
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, đối với giá thép trong nước, khoảng đầu quý III thường là mùa mưa, hoạt động xây dựng nhiều khả năng vẫn chưa có nhiều sự bứt phá. Hơn nữa, lĩnh vực bất động sản mặc dù đã có dấu hiệu “ấm lên” nhưng vẫn chưa thực sự cải thiện rõ rệt. Tiêu thụ sắt thép có thể tiếp tục duy trì ổn định, nên giá thép xây dựng sẽ dao động trong khoảng 14 - 15 triệu đồng/tấn.
Trong báo cáo triển vọng ngành thép vừa cập nhật, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực về sản lượng bán hàng nội địa trong năm 2024, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối năm. Trong đó, nhu cầu từ hoạt động xây dựng hạ tầng sau giai đoạn thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, các dự án hạ tầng trọng điểm như: cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai… sẽ cần tiêu thụ thép xây dựng, qua đó là yếu tố hỗ trợ cho thị trường nội địa trong 2024. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn sẽ đóng góp tỷ trọng cao nhất trong sản lượng bán hàng nội địa của các công ty sản xuất thép.
Đánh giá về lĩnh vực này, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho hay, dự báo của Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép thành phẩm năm 2024 tăng trưởng 1,9% so với năm 2023, trong đó nhu cầu tiêu thụ thép của khu vực châu Âu tăng trưởng 5,7% (đây cũng là một trong những thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam), khu vực 5 nước ASEAN tăng trưởng 5,2%.
Còn tại Việt Nam, theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép có khả năng phục hồi yếu trong năm 2024 do các khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn còn hiện hữu (lĩnh vực sử dụng thép lớn nhất tại Việt Nam), lượng tiêu thụ thép được dự báo sẽ tăng 7% lên 21,7 triệu tấn, sản lượng có thể đạt gần 29 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023.
Do vậy, ông Phạm Công Thảo kiến nghị Chính phủ cần có các biện pháp và hỗ trợ về tài chính để khuyến khích các nhà sản xuất thép nâng cấp các kỹ thuật sản xuất nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon, đồng thời loại bỏ dần năng lực sản xuất kém hiệu quả và lạc hậu.
Bên cạnh đó, để phục vụ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có các định hướng chính sách để bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất các loại thép chế biến chế tạo cơ bản, từng bước thúc đẩy phát triển các mác thép đặc biệt và hợp kim có chất lượng cao phục vụ nhu cầu của ngành cơ khí, chế biến chế tạo trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Để hỗ trợ cho ngành thép hồi phục và phát triển, các chuyên gia kinh tế đề xuất, Bộ Công Thương cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng phù hợp các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ thị trường thép trong nước. Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành thép để tận dụng cơ hội tại thị trường nội địa từ việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình giao thông, xây dựng lớn. Từ đó thúc đẩy nguồn cung sản xuất trong nước, tạo sự tăng trưởng đột phá, phát triển sản xuất thép, vật liệu xây dựng và cơ khí...