MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 cơ hội có thể đến với thị trường bất động sản sau đại dịch

10-04-2020 - 14:08 PM | Bất động sản

Theo nhiều chuyên gia, dịch Covid-19 như một “liều thuốc thử” đối với sức chịu đựng của thị trường BĐS. Tuy vậy, ở góc độ lạc quan thì BĐS vẫn còn cơ hội để “bật lên” sau dịch bởi các giải pháp ứng phó từ phía doanh nghiệp cũng như từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Khi được hỏi về cơ hội cho thị trường BĐS sau dịch Covid-19, nhiều chuyên gia và người trong cuộc là các doanh nghiệp đều cho rằng, đại dịch sẽ sớm được kiểm soát, còn phát triển BĐS là câu chuyện dài hơi. Tuy vậy, trong thời điểm khó khăn này thì cần có sự hỗ trợ “mạnh tay” và nhanh chóng thì thị trường BĐS mới có khả năng phục hồi sau dịch.

Mặc dù không thể phủ nhận dịch Covid-19 lên khiến mọi thứ đảo lộn, mọi hoạt động, giao dịch gần như “bất động”. Theo một số chuyên gia, nếu BĐS chậm 1-2 tháng thì không sao nhưng chậm 4-6 tháng thì sẽ ảnh hưởng rõ nét trên thị trường BĐS nói chung. Thế nhưng, dưới góc nhìn của những người trong cuộc, thị trường BĐS vẫn còn những cơ hội để phát triển, song song với những bước đột phá về thủ tục, chính sách.

4 cơ hội có thể đến với thị trường bất động sản sau đại dịch - Ảnh 1.

Thể hiện quan điểm cá nhân, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS chỉ ra 4 cơ hội có thể đến với thị trường BĐS sau khi dịch Covid-19 kết thúc.

Thứ nhất, sau dịch sẽ có sự thay đổi rất lớn đối với thị trường BĐS. Nếu dịch Covid-19 kết thúc vào tháng 7, tức khoảng 6 tháng thị trường BĐS “đứng” thì sau khi dịch chấm dứt, người mua BĐS sẽ quay trở lại, buộc các CĐT phải tìm kế để hút khách về dự án của mình. Như vậy, người mua BĐS sẽ được hưởng lợi sau dịch Covid-19.

Thứ hai, ở góc độ thị trường BĐS nói chung, sau dịch có thể sẽ được hưởng lợi từ việc kích thích nền kinh tế tăng trưởng trở lại sau những tháng sụt giảm. Kích thích ở đây không nhất thiết là về tài chính mà chủ yếu về chính sách. Theo chuyên gia này, sau dịch sẽ có rất nhiều dự án phù hợp với thị trường sẽ ra đời và các dự án đang gặp khó khăn về mặt pháp lý cũng sẽ được nhà nước tìm mọi cách tháo gỡ để đưa BĐS trở lại trên thị trường.

Thứ ba, đối với ngân hàng sau dịch cũng sẽ phải có biện pháp phù hợp với thị trường BĐS. Tức ngân hàng vẫn phải tiếp tục cho vay ở một mức độ hạn chế nào đó. Bởi thực tế ngân hàng với BĐS và nền kinh tế có mối quan hệ gắn kết với nhau. Khác với cuộc khủng hoảng năm 2008, ngân hàng sẽ không “co lại” như hạn chế cho vay, vay với lãi suất cao. Điều này chắc chắn sẽ không xảy ra ở thời điểm này.

Thứ tư, sau dịch Covid-19 nền kinh tế thế giới, nhà đầu tư nước ngoài hướng đến Việt Nam, nếu chúng ta kiểm soát dịch tốt. Như vậy BĐS công nghiệp sẽ phát triển rất mạnh sau dịch. Tuy nhiên, đây là một cơ hội chứ không phải sự bùng phát về BĐS.

Cùng quan điểm, đại diện CBRE Việt Nam cho rằng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo để xuất khẩu là ngành “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam, với nhiều nhà đầu tư tên tuổi như: Samsung, Pou Chen Group, Thaco Group, VinFast..., đã tạo được nhiều dấu ấn lớn trong ngành. 

Ảnh hưởng lớn nhất của các nhà đầu tư này là xây dựng cũng như phát triển các trung tâm công nghiệp phụ trợ và cung ứng. Do đó, đây đang là thời điểm tốt để xây dựng mô hình nhà xưởng xây sẵn tập trung vào việc thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ, cùng với phát triển ứng dụng công nghệ cao trong việc quản lý BĐS. 

Một thực tế nữa là, tỷ lệ hấp thụ nhà xưởng xây sẵn tăng cao là cơ sở mạnh mẽ để tin rằng triển vọng của sản phẩm BĐS công nghiệp này là rất tích cực. Việc nguồn cung gia tăng đi cùng với chi phí đất cạnh tranh cũng như tỷ lệ lấp đầy cao đang khiến các khu công nghiệp tiếp tục hút vốn các nhà đầu tư sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Còn ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương thì phân tích, ngành du lịch Việt Nam hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, nhờ vào những hành động kịp thời của Chính phủ. Nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực, các sự kiện trước đây đã chứng minh rằng du lịch là ngành công nghiệp có khả năng phục hồi nhanh hơn so với những ngành nghề khác.

“Ở một góc nhìn khác, đầu tư vào các dự án thương mại và du lịch, đặc biệt là khách sạn và khu nghỉ dưỡng thường mang tầm nhìn dài hạn. Do vậy, có thể nói những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn chính là những thử thách giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam, vốn là thị trường được đánh giá có nhiều tiềm năng và thu hút được sự quan tâm cả trong và ngoài nước”, ông Mauro nhấn mạnh.

4 cơ hội có thể đến với thị trường bất động sản sau đại dịch - Ảnh 2.

Hạ Vy

Trở lên trên