Agribank muốn bán khoản nợ 485 tỷ của một công ty trang sức lớn, thế chấp bằng gần 1 triệu m2 đất tại Bình Thuận và TP HCM
Một cửa hàng trang sức của Đức Tiến
Trước đó, công ty này từng bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) điểm tên vì chậm thanh toán nợ gốc lô trái phiếu 500 tỷ, đáo hạn vào ngày 15/10/2022.
- 19-11-2023Lộ diện thêm nhiều khoản nợ xấu hàng trăm, nghìn tỷ đồng
- 15-11-2023Lộ diện khoản nợ xấu “khủng” của “đại gia” ngành nhôm kính: Shark Hưng từng đại diện huy động 12 triệu USD cho công ty, thi công nhiều dự án lớn trong nước
- 06-11-2023Thống đốc: 22 ngân hàng cho các dự án BOT, BT giao thông vay hơn 92.000 tỷ, trong đó nợ xấu chiếm 3,83%, nợ nhóm 2 tới 26,52%
Agribank Chi nhánh 4 vừa thông báo chào phí thẩm định giá thị trường khoản nợ có tài sản bảo đảm của CTCP Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến để làm cơ sở xác định giá khởi điểm tổ chức bán đấu giá công khai khoản nợ.
Theo đó, dư nợ của doanh nghiệp tính đến nay gần 485 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho toàn bộ khoản nợ đều là các bất động sản.
Cụ thể, tài sản thế chấp cho khoản nợ bao gồm quyền sử dụng 62 thửa đất tại Khu công nghiệp Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) thuộc sở hữu của Công ty TNHH Tân Đại Tiền Bình Thuận với tổng diện tích là 956.639 m2. Hình thức sử dụng là sử dụng riêng, mục đích sử dụng là đất khu công nghiệp. Thời hạn sử dụng đến ngày 31/12/2063. Nguồn gốc sử dụng là nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần. Trên đất hiện không có tài sản hình thành.
Tài sản thứ hai là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 684 (307 Lê Văn Quới, khu phố 1, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM). Diện tích khu đất là 1.214,2 m2; tài sản gắn liền với đất là nhà ở riêng lẻ diện tích xây dựng 565,4 m2 và diện tích sàn là 4.456,7 m2.
Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn còn có quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 501 (309 Lê Văn Quới, khu phố 1, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM) với diện tích 842,3 m2. Tài sản gắn liền với đất là nhà ở riêng lẻ, diện tích xây dựng là 523,4 m2 và diện tích sàn là 4.338,4 m2.
Theo tìm hiểu của người viết, CTCP Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến được thành lập vào tháng 5/2004, hoạt động chính trong lĩnh vực buôn bán kim loại và quặng kim loại.
Tại thời điểm đăng ký thay đổi hồi tháng 4/2022, doanh nghiệp có vốn điều lệ 350 tỷ đồng. Công ty này từng nhiều lần thay đổi Tổng giám đốc /Giám đốc kiêm người đại diện, từ ông Ngô Đức Tiến sang bà Trần Thị Ngân Khánh, ông Tạ Duy Hải, ông Vũ Trần Đức Duy... và hiện nay là ông Nguyễn Đình Thục (sinh năm 1994).
Liên quan đến CTCP Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến, cuối tháng 5 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố thông tin về việc công ty này chậm trả gốc trái phiếu đáo hạn ngày 15/10/2022.
Công ty cổ phần Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến cho biết ngày 15/10/2022 là hạn thanh toán gốc 500 tỷ đồng trái phiếu mã DTCCH2122001. Tuy nhiên, đến hạn, Công ty chưa thanh toán với lý do chưa thu xếp được nguồn vốn.
Về kết quả kinh doanh, theo dữ liệu được HNX công bố, năm 2022, Công ty cổ phần Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến vẫn ghi nhận lãi 46,19 tỷ đồng, giảm 34,6% so với cùng kỳ và hiệu quả sử dụng vốn (ROE) là 8,97% (cùng kỳ 22,14%).
Trong đó, tính tới cuối năm 2022, hệ số dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu là 0,97 lần, tương ứng dư nợ trái phiếu khoảng 499,68 tỷ đồng, tương ứng gần bằng với lô trái phiếu mệnh giá 500 tỷ đồng mà Công ty đang chậm thanh toán lãi.
Trong năm 2022, Công ty cổ phần Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến từng cam kết lộ trình trả nợ gốc trái phiếu cho trái chủ. Cụ thể, ngày 10/10/2022, Đức Tiến gửi văn bản đến nhà đầu tư về việc gia hạn thời gian thanh toán tiền gốc trái phiếu. Công ty khẳng định không chậm hơn ngày 25/11/2022, Đức Tiến sẽ chi trả đủ 30% tiền gốc trái phiếu và lãi phạt tương ứng với 18%/năm kể từ ngày 15/10/2022.
Đối với 70% tiền gốc trái phiếu còn lại, phía công ty cho biết trước ngày 24/12/2022 sẽ trả đủ cộng với lãi phạt còn lại tương ứng 18%/năm tính từ ngày 15/10/2022.
Còn Công ty TNHH Tân Đại Tiền Bình Thuận – chủ sở hữu 62 thửa đất tại Khu công nghiệp Tuy Phong - được thành lập vào tháng 4/2014, ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản. Tân Đại Tiền Bình Thuận là chủ đầu tư Khu công nghiệp Tuy Phong có diện tích giai đoạn 1 là 150 ha, giai đoạn 2 là 100 ha nằm tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Tại thời điểm đăng ký thay đổi hồi tháng 7/2023, doanh nghiệp có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, gồm ba cổ đông: Nguyễn Quang Nghĩa (90%), Vũ Trần Đức Duy (9,5%) và Nguyễn Duy Tiến (0,5%). Trong đó, ông Duy hiện đang là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật công ty. Ngoài ra, ông Duy từng là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Đá quý và Trang sức Đức Tiến.