MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ấn Độ phủ nhận thông tin sẽ hạn chế xuất khẩu gạo đồ

23-08-2023 - 06:21 AM | Thị trường

Trước một số thông tin cho rằng Ấn Độ đang có kế hoạch hạn chế bổ sung đối với việc xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Lương thực nước này, Sanjeev Chopra, chiều 22/8 đã lên tiếng phủ nhận và cho biết Ấn Độ không xem xét áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với việc xuất khẩu gạo đồ non-basmati.

Ấn Độ phủ nhận thông tin sẽ hạn chế xuất khẩu gạo đồ - Ảnh 1.

"Hiện tại không có đề xuất nào liên quan đến việc hạn chế xuất khẩu gạo đồ", ông Chopra trả lời câu hỏi của phóng viên Reuters về việc liệu Ấn Độ đang xem xét áp thuế xuất khẩu hay đưa ra giá sàn cho xuất khẩu gạo đồ hay không?

Hiện Ấn Độ không đặt ra hạn chế nào đối với việc xuất khẩu gạo đồ, loại vốn chiếm gần 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này.

Ông Chopra cũng cho biết Ấn Độ hiện không có đề xuất nhập khẩu lúa mì từ Nga thông qua các thỏa thuận ngoại giao. Thông tin này liên quan đến việc tuần trước đã có một số thông tin nói rằng Ấn Độ đang đàm phán với Nga để nhập khẩu lúa mì với giá chiết khấu do giá lúa mì toàn cầu tăng cao, lý giải rằng đó là một động thái hiếm hoi nhằm tăng nguồn cung và kiềm chế lạm phát lương thực tại quốc gia Nam Á này trước khi các cuộc bầu cử cấp bang và quốc gia sẽ diễn ra vào năm tới. Có lẽ thông tin xuất phát từ việc dự trữ lúa mì tại các kho chính phủ ở mức 28,3 triệu tấn vào ngày 1/8, thấp hơn 20% so với mức trung bình 10 năm.

Ngày 20/7, Ấn Độ đã gây ngạc nhiên cho người mua khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, loại gạo được tiêu thụ rộng rãi. Năm ngoái, nước này đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm va cho đến nay vẫn duy trì. Chính phủ nước này cho biết việc đình chỉ xuất khẩu gạo trắng non-basmati là nhằm tăng nguồn cung trong nước và kiểm soát giá thị trường. Biện pháp này gây ra sự gián đoạn lớn cho thị trường lương thực toàn cầu vì Ấn Độ chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới.

Ấn Độ phủ nhận thông tin sẽ hạn chế xuất khẩu gạo đồ - Ảnh 2.

Thị phần tiêu thụ gạo trắng và gạo đồ trên toàn cầu.

Truyền thông Ấn Độ đưa tin Singapore, Indonesia và Philippines đang kêu gọi Ấn Độ tiếp tục xuất khẩu gạo (trắng non-basmati) ra nước ngoài để giúp giảm giá.

Singapore đã hỏi mua khoảng 110.000 tấn gạo từ Ấn Độ, trong khi Indonesia dự định nhập khẩu 1 triệu tấn gạo để giảm bớt sự gián đoạn trên thị trường lương thực do thời tiết xấu gây ra. Philippines cũng đang gia tăng phụ thuộc vào nguồn cung gạo từ Ấn Độ. .

Các quốc gia và tổ chức khác, bao gồm Liên hợp quốc (LHQ) và Bangladesh, cũng tăng nhu cầu đối với gạo từ Ấn Độ.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc gần đây đã yêu cầu các nhà cung cấp Ấn Độ cung cấp 200.000 tấn gạo để viện trợ nhân đạo nhằm cải thiện an ninh lương thực toàn cầu.

Liên Hợp Quốc cho biết thêm nguồn cung gạo bị tổn hại đáng kể do đại dịch Covid-19 và chiến tranh Ukraine, đồng thời cho biết thêm rằng Bangladesh cũng đang đàm phán với Ấn Độ về nguồn cung lương thực.

Do giá gạo đang tăng cao và được Chính phủ khuyến khích trồng lúa, tính đến nay, mông dân Ấn Độ đã trồng được 36,1 triệu ha lúa (89,2 triệu mẫu Anh), tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, Reuters dẫn dữ liệu của Bộ nông nghiệp hôm 18/8 cho biết. Lượng mưa tăng lên vào tháng 7 cũng tạo thuận lợi cho việc tròng lúa.

Việc Ấn Độ, nước sản xuất ngũ cốc lớn thứ hai thế giới, gia tăng trồng lúa có thể làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung cấp lương thực trên toàn cầu.

Hàng triệu nông dân Ấn Độ đã bắt đầu trồng lúa, ngô, bông, đậu tương, mía và lạc, cùng các loại cây trồng khác, từ ngày 1/6, khi những cơn mưa theo mùa bắt đầu. Mùa mưa rất quan trọng đối với Ấn Độ vì gần một nửa diện tích đất nông nghiệp của nước này thiếu nước tưới.

Mặc dù lượng mưa đang tăng lên, song vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và có khả năng tình trạng mưa ít vẫn tồn tại trên các khu vực rộng lớn và Ấn Độ có thể sẽ trải qua tháng 8 khô hạn nhất trong hơn một thế kỷ.

Các số liệu trồng trọt của Ấn Độ có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào diễn biến lượng mưa trong giai đoạn tháng 6 đến tháng 9.

Tham khảo: Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên