MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bàn tay "ma thuật" thao túng toàn bộ hoạt động tại ngân hàng VNCB

18-07-2016 - 13:27 PM | Tài chính - ngân hàng

Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB) là người có quyền duy nhất ở VNCB, sở hữu gần 85% vốn ngân hàng trước khi bị bắt. Vòi bạch tuộc tinh quái mà Danh tạo ra đã "đánh chìm" ngân hàng này.

Ngân hàng TMCP Đại Tín (viết tắt là TrustBank) tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Rạch Kiến. Thời điểm đầu năm 2012, ngân hàng này có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, ngày 9/2/2012, NHNN tiến hành thanh tra TrustBank. Đến ngày 10/7/2012, NHNN có Kết luận thanh tra kết luận thực trạng tài chính của TrustBank là rất xấu, trong đó vốn chủ sở hữu bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng. Trên cơ sở này theo hướng cho phép nhóm cổ đông cũ (Nhóm Phú Mỹ) được chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới (nhóm Thiên Thanh) và được Thủ tướng đồng ý phương án tái cơ cấu theo đúng nguyên tắc và giải pháp tại Quyết định ngày 1/3/2012.

Ngày 6/9/2012, NHNN có văn bản gửi TrustBank thông báo về việc chấp thuận chủ trương Phương án tái cơ cấu TrustBank.

Thực tế trước khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý thì ngay từ ngày 6/6/2012, nhóm Phú Mỹ và nhóm Thiên Thanh (đại diện là Phạm Công Danh) đã ký biên bản thỏa thuận chuyển nhượng 84,92% tương đương hơn 252 triệu cổ phần của TrustBank và các tài sản có liên quan. Kể từ thời điểm này Phạm Công Danh đưa người vào tiếp quản, điều hành và tiến hành phương án tái cơ cấu TrustBank.

Do có nhu cầu cần tiền sử dụng, Phạm Công Danh lợi dụng nắm quyền chi phối và ở vị trí là Chủ tịch HĐQT VNCB đã chỉ đạo HĐQT, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB thực hiện lập các hồ sơ để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài (chăm sóc khách hàng) và chi tiêu cá nhân.

Ngoài Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, Phạm Công Danh còn thành lập 29 doanh nghiệp khác và nhờ những người thân, quen của mình đứng tên làm giám đốc, đứng tên sở hữu cổ phần của VNCB, Phạm Công Danh quản lý toàn bộ con dấu, giấy chứng nhận cổ phần của VNCB.

Kết quả điều tra xác định Phạm Công Danh là ông chủ duy nhất và có quyền quyết định tại VNCB và các doanh nghiệp liên quan. Do vậy có nhiều khoản tiền được Phạm Công Danh rút từ VNCB ra và khai là để sử dụng “chăm sóc khách hàng”, duy trì ổn định của ngân hàng, chi vào việc chung của Tập đoàn Thiên Thanh nhưng bản chất việc làm đó là phục vụ cho lợi ích chính bản thân Phạm Công Danh.

Điều đáng nói là Phạm Công Danh đã dùng chính tiền của VNCB để mua lại ngân hàng này. Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, Danh đã chỉ đạo cấp dưới lập và duyệt hồ sơ cho 14 công ty (trong đó có 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh) vay hơn 5.000 tỉ đồng. Mục đích vay tiền là để Phạm Công Danh trả nợ do mua cổ phần Ngân hàng TrustBank của nhóm cổ đông trước đó, trả nợ vay cá nhân và chi tiêu nhiều khoản khác...

Kể từ khi nhóm cổ đông mới (bản chất là của Phạm Công Danh) quản trị, điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng này không khả quan mà theo chiều hướng ngày càng thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu có khả năng mất vốn tăng cao và thanh khoản luôn ở mức báo động. Cụ thể, theo kết luận thanh tra, ngày 10/7/2012 của NHNN thì tại thời điểm thanh tra, vốn chủ sở hữu của ngân hàng bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng. Nhưng đến cuối năm, theo BCTC ngân hàng Xây dựng năm 2012 đã kiểm toán thì kết quả kinh doanh lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng.

Theo BCTC năm 2013 đã kiểm toán, lỗ lũy kế 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Vào thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu ngân hàng âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745 tỷ đồng.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên