Bất ngờ với hoàn cảnh hiện tại của những "gã khổng lồ" toàn cầu Samsung, LG tại Trung Quốc
Với việc xuất khẩu chất bán dẫn, màn hình và thiết bị điện tử của Hàn Quốc giảm mạnh gần đây, mối lo ngại ngày càng gia tăng rằng ngành điện tử của nước này đang mất đi khả năng cạnh tranh trên thị trường.
- 26-09-2023Bất động sản hay chứng khoán đều bấp bênh, đây mới là tài sản đầu tư “toả sáng” ở thị trường tỷ dân
- 26-09-2023Về hưu với hơn 24 tỷ đồng tiền tích cóp nhưng vẫn phải cầu cứu chuyên gia: ‘Nhỡ tiền không đủ và cạn kiệt trước khi qua đời thì phải làm sao?’
- 26-09-2023Trung Quốc vì Trung Quốc: Chiến thuật mới giúp các tập đoàn lớn sinh tồn mà không phải dịch chuyển nhà máy
Dòng Galaxy của Samsung mất dần vị thế cao cấp
Tờ Business Korea dẫn thông tin trong ngành điện tử Hàn Quốc cho biết, ngày càng có nhiều lo ngại rằng điện thoại thông minh Hàn Quốc - một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của nước này - đang mất khả năng cạnh tranh trước iPhone của Apple và các mẫu điện thoại thông minh bình dân từ Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, Samsung đã bán được 259,6 triệu điện thoại thông minh vào năm ngoái, đứng đầu thị trường về số lượng thiết bị bán ra với thị phần lớn nhất (22%). Tuy nhiên, khi so sánh với Apple, vốn bán được 224,7 triệu chiếc vào năm ngoái, gã khổng lồ Hàn Quốc đang mất dần vị thế.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, cả 3 mẫu điện thoại thông minh bán chạy nhất thế giới năm ngoái đều là của Apple.
Trong khi đó, Samsung có hai mẫu lọt vào danh sách 10 mẫu điện thoại bán chạy nhất. Galaxy A13 - không thuộc dòng Galaxy cao cấp nhất - đứng ở vị trí thứ 4 và Galaxy A03 ở vị trí thứ 10. Những mẫu điện thoại này phổ biến ở các khu vực đông dân ở Mỹ Latinh, Ấn Độ và châu Phi. Điều này cho thấy dòng Galaxy của Samsung đang mất dần vị thế là thương hiệu cao cấp và bị đẩy vào thị trường điện thoại thông minh giá rẻ, vốn là thế mạnh của các hãng Trung Quốc.
Mẫu điện thoại màn hình gập Magic V2 của nhà sản xuất Trung Quốc Honor có giá 8.999 nhân dân tệ (30 triệu VNĐ), rẻ hơn so với Samsung Galaxy Z Fold 4 có giá khoảng 1.699 USD (39,9 triệu VNĐ). Honor nằm ngoài top 5 trong bảng xếp hạng thị trường toàn cầu nhưng tại Trung Quốc, hãng này đã leo lên vị trí thứ 4 trong quý 1 năm nay với thị phần khoảng 15%, vượt qua Xiaomi và Huawei.
Doanh nghiệp Trung Quốc chi phối thị trường
Ở một số thị trường khác, các công ty Hàn Quốc đã thua các công ty Trung Quốc. Đó là thị trường máy hút bụi và máy bay không người lái.
Theo công ty theo dõi thị trường toàn cầu GFK, thị trường robot hút bụi Hàn Quốc đã tăng lên 290 tỷ won (hơn 215 triệu USD) vào năm 2022, tăng khoảng 41% so với năm trước.
Những gã khổng lồ công nghệ của Hàn Quốc là Samsung và LG đang bán robot hút bụi bằng cách tập trung vào các bộ sưu tập Bespoke và Object, nhưng thị phần toàn cầu của họ đều rất nhỏ. Roborock đứng số 1 trên thị trường robot hút bụi Hàn Quốc và Ecovacs đứng đầu thị trường toàn cầu; cả hai đều là công ty Trung Quốc.
Các công ty Hàn Quốc cũng đang chứng kiến một cuộc chiến khó khăn trên thị trường máy hút bụi không dây. Theo công ty nghiên cứu thị trường ReportLinker, thị trường máy hút bụi không dây toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 6,73 tỷ USD năm ngoái lên 9,43 tỷ USD vào năm 2026.
Tuy nhiên, Dyson của châu Âu đang thống trị thị trường cao cấp. Máy hút bụi không dây khô - ướt Dyad Pro của Roborock, ra mắt hồi tháng 6, từng cháy hàng tại Hàn Quốc. Ngoài ra, Xiaomi của Trung Quốc cũng đang nhắm tới thị trường máy hút bụi không dây giá rẻ trong khoảng 100.000 đến 200.000 won (1,8 – 3,6 triệu VNĐ).
Thị trường máy bay không người lái đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây cũng bị chi phối bởi các sản phẩm của Trung Quốc. Theo Business Korea, thị trường máy bay không người lái toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 17,6 tỷ USD vào năm 2019 lên 42,8 tỷ USD vào năm 2025.
Tính đến năm 2021, hãng DJI của Trung Quốc đã thống trị thị trường máy bay không người lái dân sự toàn cầu với thị phần 76,0%. Intel (4,1%) và Unicorn (3,6%) theo sau DJI, nhưng khoảng cách là quá lớn.
Trong khi Mỹ và Israel thống trị thị trường máy bay không người lái quân sự thì Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã mở rộng thị phần trên thị trường này với máy bay không người lái TB2 giá rẻ.
Trong khi đó, các hãng máy bay không người lái của Hàn Quốc có doanh thu trung bình chỉ 2 tỷ won/công ty (khoảng 1,5 triệu USD). Số lượng nhân viên trung bình của họ là khoảng 11 người. Theo Business Korea, 66,5% doanh số bán máy bay không người lái của các công ty này là cho các tổ chức công của Hàn Quốc.
Các nhà phân tích cho biết, máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất không chỉ cạnh tranh về giá mà còn vượt trội về công nghệ.
Theo dữ liệu được trình bày trong một phiên điều trần công khai về việc thúc đẩy ngành công nghiệp máy bay không người lái của Hàn Quốc hồi đầu năm nay, công nghệ máy bay không người lái của Hàn Quốc chỉ bằng 60% mức trung bình của các quốc gia hàng đầu như Trung Quốc.
Hàng gia dụng Hàn Quốc chật vật tìm chỗ đứng ở Trung Quốc
Theo tờ Korea JoongAng Daily, Samsung và LG đã nhiều lần “gõ cửa” thị trường thiết bị gia dụng Trung Quốc, nhưng tiến độ đã bị chậm lại bởi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các thương hiệu địa phương và căng thẳng leo thang giữa hai nước.
Theo công ty theo dõi thị trường Omdia, TV của Samsung và LG chỉ chiếm 4,1% thị trường TV Trung Quốc vào năm 2022. Điều đó thể hiện mức giảm 3 điểm phần trăm so với năm 2019.
Thị phần của TV Trung Quốc, bao gồm nhiều thương hiệu như Huawei, Hisense và TCL, đã tăng lên 87,7% vào năm 2022, so với 79,2% vào năm 2019.
Về tủ lạnh, số lượng tủ lạnh Hàn Quốc nhập khẩu vào Trung Quốc đã giảm 21,8% vào năm 2022 so với cùng kỳ năm trước đó.
Theo công ty theo dõi thị trường toàn cầu AVC, cả Samsung và LG đều không nằm trong top 10 thương hiệu tủ lạnh bán chạy nhất tại Trung Quốc vào năm ngoái.
“Trước đây, Samsung và LG cùng nhau chiếm từ 2 đến 3% [thị trường Trung Quốc] và nằm trong top 10 [thương hiệu tủ lạnh bán chạy nhất tại Trung Quốc]”, Ko Sung-ho, Phó giám đốc Cơ quan xúc tiến đầu tư Hàn Quốc, cho biết.
Haier - một thương hiệu điện tử tiêu dùng giá rẻ của Trung Quốc, chiếm 32,7% thị phần, dẫn đầu thị trường Trung Quốc. Siemens của Đức là thương hiệu nước ngoài duy nhất có tên trong danh sách.
Ông Ko cho biết: “Các thương hiệu Hàn Quốc đang bị mắc kẹt ở giữa, nơi người tiêu dùng nhạy cảm về giá lựa chọn các thương hiệu Trung Quốc với mức giá rẻ và chất lượng tốt, trong khi những người muốn mua hàng cao cấp lại chọn loại ‘siêu cao cấp’ và chọn các thương hiệu phương Tây.”
“Do vấn đề địa chính trị mới nhất giữa Hàn Quốc và Trung Quốc cùng với vấn đề THAAD mà hậu quả vẫn còn kéo dài, người Trung Quốc không có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm của Hàn Quốc nếu họ không cung cấp thứ gì đó vượt trội hơn”, ông Ko nói thêm.
Theo Korea JoongAng Daily, các sản phẩm của Hàn Quốc phần lớn bị bỏ quên ở Trung Quốc vào năm 2015 khi quan điểm của hai nước khác nhau về việc triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Cuộc xung đột đã khiến nhiều nhà bán lẻ Hàn Quốc phải hủy bỏ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc vào thời điểm đó.
Chỗ trống của các sản phẩm Hàn Quốc trong thời kỳ này nhanh chóng được lấp đầy bởi các thương hiệu địa phương, cung cấp sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn với mức giá rẻ hơn nhiều.
Các thương hiệu TV Hàn Quốc luôn nhắm đến thị trường TV cao cấp ở Trung Quốc, nhưng mục tiêu của họ gần đây đã phải tập trung hơn để giữ lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ Trung Quốc khi tốc độ phát triển công nghệ tại nước này tăng nhanh.
Các thương hiệu Trung Quốc, như Huawei và Xiaomi, vốn từng tập trung vào TV LCD giá rẻ, đã tung ra mẫu TV OLED (được coi là có công nghệ cao cấp hơn) đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2020.
Một nguồn tin trong ngành cho biết: “Cạnh tranh trong [không gian] TV LCD là vô nghĩa vì giá của chúng được hỗ trợ rất tốt bởi các ưu đãi của chính phủ [Trung Quốc] và chuỗi cung ứng tích hợp.”
“Tình hình cũng không tốt cho phân khúc cao cấp vì hiện tại các thương hiệu địa phương cũng cung cấp các sản phẩm thuộc dòng cao cấp” , nguồn tin này cho biết thêm.
Tuy nhiên, Samsung và LG đang hướng tới thị trường TV cao cấp hơn. Xét cho cùng, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất cho thiết bị điện tử tiêu dùng.
Samsung đã giới thiệu mẫu TV Micro LED 89 inch mới nhất tại Triển lãm Thế giới Thiết bị & Điện tử (AWE) được tổ chức tại Trung Quốc vào đầu năm nay. Sản phẩm này có giá 118 triệu won (hơn 2,1 tỷ VNĐ). Samsung trước đó cũng đã ra mắt TV Micro LED 110 inch có giá 170 triệu won (3,1 tỷ VNĐ) tại Trung Quốc.
Người phát ngôn của Samsung Electronics cho biết: “TV Micro LED đứng ở đỉnh cao trong công nghệ TV của Samsung và nhắm đến thị trường ngách nhỏ nhất. Samsung đang hướng tới thị trường cao cấp.”
LG Electronics cũng đặt mục tiêu cao ở Trung Quốc khi tung ra mẫu TV OLED có thể cuộn được với mức giá hơn 100 triệu won (hơn 1,8 tỷ VNĐ).
Nhịp Sống Thị Trường