MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng LĐTBXH: Nếu tính được hết kinh tế ngầm, tôi tin năng suất lao động Việt Nam không phải như thế này!

Năng suất lao động toàn nền kinh tế đạt 93,2 triệu đồng/lao động. Tuy nhiên, nếu đánh giá chính xác thu nhập không chính thức, năng suất lao động sẽ không thấp như báo cáo.

Sáng 26/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước đầu năm 2018, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Trên 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có phần trình bày, giải đáp nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội.

Ông Đào Ngọc Dung cho biết, nhà nước đã tập trung giải quyết việc làm cho 1.639.751 người trong thời gian qua, đạt 102% kế hoạch. 134.000 người lao đông Việt Nam đi làm ở nước ngoài, đạt 128% kế hoạch.

Ở góc độ quản lý lao động, chuyển dịch lao động đã có nhiều tiến bộ. Hết tháng 4/2018, lao động khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 36,8%. Số lao động làm công ăn lương có quan hệ lao động tăng dần. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia lực lượng lao động duy trì ở mức 76%. Tỷ lệ lao động thành thị thấp hơn chỉ tiêu.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể cho thấy, tính bền vững của việc làm không cao kể cả về thu nhập, môi trường lao động, các chính sách an sinh xã hội. Thị trường lao động không hình thành đồng bộ theo cơ chế thị trường, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao, thiếu 2 nguồn nhân lực quan trọng (nhân lực quản lý, nhân lực chất lượng cao).

Việc làm cho thanh niên, sinh viên ra trường còn khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp cao, bình quân trên 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Riêng năm 2017, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp là 7,51%, tăng so với 2016.

Chưa đánh giá chính xác thu nhập không chính thức

Theo ông Đào Ngọc Dung, năng suất lao động có chuyển biến nhưng vẫn còn thấp. Năng suất lao động toàn nền kinh tế đạt 93,2 triệu đồng/lao động. Nếu tính theo giá hiện hành, năng suất lao động tăng 6,6%, thuộc nhóm nước có tốc độ cao. Nhưng bình quân 10 năm chỉ tăng 4,4%

"Năng suất lao động chúng ta thấp. Song qua trao đổi thì thấy rằng, nếu áp dụng phương pháp chung phù hợp với xu hướng quốc tế thì có thể tính toán lại một cách cụ thể. Chúng ta chưa tính hết kinh tế ngầm, hay nói cách khác là chưa đánh giá chính xác thu nhập không chính thức. Nếu làm được việc này, tôi tin năng suất lao động Việt Nam không phải như thế này!" – ông Đào Ngọc Dung nói.

Ông Đào Ngọc Dung cho biết, giáo dục nghề nghiệp được chọn là khâu đột phá để tạo ra việc làm ổn định và bền vững. Cho đến nay, đã giảm được 252 trung tâm cấp huyện, 35 trường cao đẳng công lập hoạt động không hiệu quả. Sắp tới sẽ giảm tiếp nhiều trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6.

Bộ sẽ tiếp tục chuyển hẳn sang đào tạo lao động theo địa chỉ, đặt hàng với đơn vị giáo dục trên cơ sở dự báo cung cầu thị trường. Riêng quý I/2018, ngành LĐTBXH đã thí điểm tại 10 trường, ký kết với 15 tập đoàn trong nước và quốc tế để đào tạo theo địa chỉ cho 150.000 người trong 3 năm (2018-2020).

"Nếu tính riêng trường Dung Quất trong 22 năm qua chỉ đào tạo được 18.000 công nhân kỹ thuật, người lao động. Trong khi 3 năm tới, đã xác định đào tạo theo địa chỉ là 15.800 trường hợp. Đây là chủ trương chuyển hẳn từ đào tạo không theo dự báo, không theo nhu cầu, chuyển sang đào tạo theo đặt hàng, theo nhu cầu và có dự báo" – ông Đào Ngọc Dung lấy ví dụ.

Thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ sớm cụ thể hóa Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương, giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp để thúc đẩy năng suất lao động. Đồng thời, cụ thể hóa Nghị quyết 28 về cải cách BHXH, nhằm thúc đẩy an sinh xã hội.

Quý 3/2018, Bộ LĐTBXH sẽ trình Chính phủ 3 đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động, tập trung đổi mới, năng cao chất lượng giao dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.

An Bình

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên