BSC: Ngân hàng Nhà nước đã mua hơn 6 tỷ USD từ đầu năm, hoàn toàn có khả năng can thiệp tỷ giá bằng việc bán USD
Theo BSC, tỷ giá sẽ không phải là một vấn đề lớn trong năm nay khi mà Ngân hàng Nhà nước có dư địa để điều hành.
- 27-09-2023NHNN tiếp tục hút về 20.000 tỷ qua tín phiếu trong phiên 27/9, lãi suất trúng thầu tăng
- 27-09-2023Các công ty chứng khoán đánh giá như thế nào về động thái hút tiền qua tín phiếu của NHNN?
- 26-09-2023Kịch bản nào cho điều hành tỷ giá những tháng cuối năm?
- 26-09-2023Tỷ giá USD sáng 26/9 tiếp tục tăng mạnh lên gần mốc 24.600 đồng
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán BSC cho biết, đi ngược lại với xu hướng chung của chính sách tiền tệ thế giới nói chung hay Mỹ nói riêng, chính sách tiền tệ Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực đến từ tỷ giá.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu có thể tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm 2023. Dữ liệu kinh tế Mỹ đan xen, trong đó có những tín hiệu tích cực đến từ thị trường lao động khiến thị trường kỳ vọng Mỹ có thể hạ cánh mềm. Tâm lý này khiến đồng USD có sức mạnh hơn. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đẩy mạnh phát hành để bù đắp thâm hụt ngân sách.
“Chênh lệch lãi suất USD và VND đang rất lớn, tạo áp lực dòng vốn rút ra khỏi thị trường Việt Nam”, BSC cho biết trong báo cáo phân tích. Thực tế, khối ngoại đã duy trì vị thế bán ròng kể từ tháng 4/2023. Tuy nhiên, tỷ giá sẽ không phải một vấn đề lớn trong năm nay khi mà Ngân hàng Nhà nước có dư địa để điều hành tỷ giá nhờ cán cân thương mại ngày càng thặng dư và có xu hướng tăng khi tăng trưởng nhập khẩu giảm mạnh hơn tăng trưởng xuất khẩu (trong 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại đạt 20,9 tỷ USD). Thêm vào đó, lượng kiều hối chảy vào Việt Nam được ghi nhận vẫn ở mức ổn định, dòng vốn FDI đang có xu hướng quay trở lại tích cực trong 1,2 tháng trở lại đây. Tính đến tháng 7, lũy kế vốn FDI thực hiện tăng 1,28% so với cùng kỳ sau khi tăng trưởng âm suốt lũy kế 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, vốn FDI đăng ký cũng ngày càng thu hẹp đà giảm so với cùng kỳ.
Đặc biệt, theo BSC, Ngân hàng Nhà nước đã mua hơn 6 tỷ USD từ đầu năm, hoàn toàn có khả năng can thiệp tỷ giá bằng việc bán USD. Trong diễn biến gần đây, bắt đầu từ ngày 21/09/2023, hoạt động trên thị trường mở đã trở lại. Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu, tái khởi động lại chu kỳ điều hành tỷ giá.
Ngoài áp lực tỷ giá, BSC lưu ý Việt Nam cũng đang phải đối mặt với áp lực lạm phát tăng trở lại từ tháng 7: tháng 6 (+2%), tháng 7 (+2,06%), tháng 8 (+2,96%). Lạm phát cơ bản của Việt Nam tháng 8 ở mức 4,02%, vẫn đang trên đà giảm kể từ tháng 2/2023, cho thấy lạm phát tăng chủ yếu đến từ giá xăng dầu và giá lương thực. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài, thì xu hướng tăng giá có thể lan sang các mặt hàng khác. Tính trung bình 8 tháng/2023, lạm phát đang ở mức 3,1%, vẫn còn dư địa so với mức trần 4,5% của năm nay.
Theo phát biểu mới đây của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, trong thời gian tới, NHNN vẫn tiếp tục duy trì quan điểm điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện nay và có thể mạnh mẽ hơn, cho thấy quan điểm của nhà điều hành vẫn là đặt mục tiêu tăng trưởng lên hàng đầu trong năm nay.
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: FTalk - Chuyên gia talk
Xem tất cả >>- VDSC: Phát hành tín phiếu không phải là tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ, nhưng không gian để nới lỏng thêm tương đối hạn chế
- Kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023, 2024
- Tỷ giá tăng cao: ‘kẻ cười, người khóc’
- Liệu có cơ hội đầu tư cổ phiếu bảo hiểm khi lãi suất tiền gửi giảm sâu?
- Lãi suất tiết kiệm chạm đáy, người dân 'đổ tiền' vào đâu?