MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cà chua ngon bổ nhưng 'đại kỵ' với 6 nhóm người này

30-01-2024 - 10:16 AM | Sống

Cà chua là loại quả tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng ăn được, dưới đây là những người không nên ăn cà chua.

Cà chua là loại thực phẩm rất phổ biến ở Việt Nam. Cà chua nếu ăn đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích với sức khoẻ. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể ăn được cà chua. Dưới đây là những tác dụng của cà chua và những người không nên ăn cà chua.

Thành phần dinh dưỡng có trong cà chua

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, cà chua là loại quả nhiều nước, chứa nhiều chất xơ và carbohydrate. 100g quả cà chua có thể chứa 18 calo; 0,9 g chất đạm; 2,6g đường; 3,9g carb; 0,2 g chất béo,1,2g chất xơ.

- Cà chua chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, như:

+ Vitamin C: Đây là một trong những thành phần thiết yếu có trong cà chua. Vitamin C cũng chính là chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

+ Vitamin K1: Rất tốt cho sức khỏe xương và vô cùng quan trọng đối với quá trình đông máu.

+ Kali: Rất hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa bệnh tim mạch.

+ Vitamin B9: Đặc biệt tốt với phụ nữ mang thai, rất quan trọng đối với sự phát triển của mô và các tế bào.

- Một số hợp chất khác trong cà chua có thể kể đến như:

+ Lycopene: Có sắc tố đỏ và tác dụng chống oxy hóa, rất tốt cho sức khỏe. Chúng có nhiều trong những quả cà chua chín, đặc biệt là ở vỏ cà chua. Nếu cà chua càng đỏ thì hợp chất lycopene càng nhiều.

+ Beta carotene: Đây cũng là hợp chất chống oxy hóa. Khi đi vào cơ thể, hợp chất này sẽ được chuyển hóa thành vitamin A. Những hợp chất chứa beta carotene thường có màu vàng hoặc cam.

+ Naringenin: Hợp chất này có nhiều trong vỏ cà chua. Tác dụng của nó là giảm viêm và phòng ngừa bệnh.

+ Axit chlorogenic: Đây cũng là hợp chất chống oxy hóa hiệu quả. Hợp chất này có thể giúp hạ huyết áp hiệu quả.

Cà chua ngon bổ nhưng 'đại kỵ' với 6 nhóm người này - Ảnh 1.

Cà chua tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng ăn được.

Những người không nên ăn cà chua

Cà chua tuy bổ dưỡng, tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Bài viết của ThS. BS Trần Phương Thảo trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, cà chua thường an toàn nhưng lại có thể gây bất lợi cho một số người có những tình trạng sau đây:

Người bị trào ngược acid

Trào ngược acid và bệnh trào ngược dạ dày thực quản là những tình trạng đặc trưng bởi sự trào ngược acid dạ dày vào thực quản. Trong khi đó, cà chua có tính acid tự nhiên dễ gây ợ chua.

Cà chua chứa nhiều acid malic và citric và có thể khiến dạ dày sản xuất quá nhiều acid dịch vị (là chất chịu trách nhiệm cho quá trình phân hủy thức ăn). Khi thể tích acid tăng lên, nó buộc phải trào lên thực quản, gây ra các triệu chứng. Ngay cả việc nấu chín cà chua vẫn gây ra những triệu chứng này.

Do đó, người bị trào ngược acid hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể cảm thấy khó chịu hoặc các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn sau khi ăn cà chua. Nếu có tình trạng này, thì bạn nên tiết chế lượng cà chua ăn vào hoặc tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn chế độ ăn uống.

Người mắc hội chứng ruột kích thích

Người mắc hội chứng ruột kích thích thường nhạy cảm hơn với một số loại thực phẩm, kể cả những loại có nhiều chất xơ hoặc chứa các loại đường như fructose.

Cà chua cũng là một trong những thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất có thể gây ra các vấn đề về đường ruột. Do vỏ và hạt cà chua gây kích ứng, có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích. Nếu đã bị hội chứng ruột kích thích, cà chua cũng có thể gây đầy hơi.

Cà chua, đặc biệt là khi được tiêu thụ với số lượng lớn, có thể là tác nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa ở một số người mắc hội chứng ruột kích thích. Những người bị mắc hội chứng ruột kích thích nên theo dõi các triệu chứng do đó nên hạn chế ăn cà chua để tránh cảm giác khó chịu.

Không ăn cà chua khi đang đói bụng

Nếu ăn cà chua khi dạ dày của bạn đang trống rỗng, các chất Pectin, nhựa Phenolic trong cà chua có thể gây ra những phản ứng với axit, khiến cho quá trình tiêu hóa thức ăn gặp nhiều khó khăn hơn. Về lâu dài, thói quen ăn cà chua xanh hoặc chưa chín kỹ có thể dẫn tới viêm loét dạ dày.

Bệnh nhân sử dụng thuốc làm tan máu đông

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đối với những bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu khi ăn cà chua sẽ làm giảm công dụng của thuốc.

Lý do, trái cà chua không chỉ giàu vitamin A và C mà còn chứa rất nhiều vitamin K, nhưng đây lại là chất xúc tác có chức năng hỗ trợ tổng hợp prothrombin và coagulin trong gan.

Người có vấn đề về thận

Những người mắc bệnh thận mạn tính tiến triển phải hạn chế hấp thụ kali - loại khoáng chất mà cà chua rất giàu này.

Nồng độ kali cao trong máu là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh thận. Do đó, người mắc bệnh thận nên tránh cà chua, nước sốt cà chua hoặc bất cứ thứ gì làm từ cà chua. Nước sốt cà chua cũng chứa nhiều oxalate, chất tự nhiên có thể góp phần hình thành sỏi thận ở những người nhạy cảm. Nếu có tiền sử bị sỏi thận hoặc có nguy cơ phát triển nên hạn chế ăn cà chua.

Người bị bệnh gout

Nguyên nhân gây ra bệnh gout là do rối loạn chuyển hóa purin làm tăng acid uric trong máu. Trong khi đó cà chua lại là một thực phẩm chứa hàm lượng purin khá lớn.

Nếu ăn cà chua khi mắc bệnh gout sẽ ảnh hưởng đến tình trạng bệnh vì hàm lượng vitamin C trong cà chua gây ra phản ứng kết tủa, khi gặp acid uric vô cùng tai hại cho người dùng.

Trên đây là những người không nên ăn cà chua. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa cà chua nhé.

Cà chua ngon bổ nhưng 'đại kỵ' với 6 nhóm người này - Ảnh 2.

Theo Thanh Thanh/VTC News

VTCnews

Trở lên trên