MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chật vật hồi phục sau đại dịch, kinh tế Trung Quốc rơi vào vòng luẩn quẩn khó có thể thoát ra

21-04-2020 - 15:54 PM | Tài chính quốc tế

Các chủ doanh nghiệp Trung Quốc duy trì hoạt động bằng cách giảm lương và sa thải bớt nhân viên. Dẫu vậy, các nhà kinh tế lo ngại rằng những biện pháp đó sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn: Khi người lao động được trả thù lao ít hơn, họ sẽ giảm chi tiêu, gây áp lực cho hoạt động của các nhà bán lẻ, khách sạn và những ngành khác.

Hấp dẫn bởi tiềm năng du lịch của thành phố Trùng Khánh, năm ngoái, Li Yi đã dùng một phần lớn trong khoản tiết kiệm của mình để kinh doanh BnB. Nhưng 2 tuần sau khi nơi này bắt đầu hoạt động, căn BnB của Li với view hướng sông Dương Tử đã chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19.

BnB: Bed and Breakfast - "giường ngủ và bữa sáng", là một cơ sở lưu trú nhỏ giá rẻ, chỉ cung cấp chỗ nghỉ qua đêm có kèm bữa ăn sáng cho khách, thường do các hộ kinh doanh gia đình làm chủ.

Sau 2 tháng liên tiếp không có lợi nhuận, Li đã rất háo hức để mở cửa lại vào tháng 4. Tuy nhiên, sau đó anh sớm nhận ra phía trước còn rất nhiều thách thức. Li chia sẻ: "Tôi biết rằng nhu cầu sẽ sụt giảm, nhưng tôi không dự đoán tình hình sẽ tồi tệ đến mức này." Trong 2 tuần đầu tháng 4, chỉ có 2 trong số 11 phòng có khách thuê, dù Li đã giảm giá tới 70%. 

Trước cuộc khủng hoảng Covid-19, các phòng tại đây đều kín khách. Hiện tại, Li đã sa thải 1 nhân viên dọn dẹp và giảm một nửa lương của những nhân viên khác xuống mức tối thiểu là 1.350 tệ (190 USD). Anh cho biết thêm: "Người dân Trung Quốc vẫn sợ khi đi ra ngoài. Tôi nghĩ rằng ngành du lịch sẽ hồi phục vào năm tới, trong kịch bản tốt nhất."

Hồi phục sau đại dịch nhờ động lực nào trở thành bài toán khó

Li không phải là doanh nhân duy nhất chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Dù cuộc sống ở hầu hết các thành phố của Trung Quốc đã trở lại bình thường, nhưng các khách sạn, nhà hàng, nhà máy và nhiều nơi khác vẫn đang chật vật, với nhiều người đã bị sa thải hoặc bỏ việc.

Những chủ kinh doanh như Li đang nỗ lực duy trì bằng cách giảm lương và sa thải bớt nhân viên. Dẫu vậy, các nhà kinh tế lo ngại rằng những biện pháp "tự phòng vệ" đó sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn: Khi người lao động được trả thù lao ít hơn, họ sẽ giảm chi tiêu, tạo áp lực cho triển vọng của các nhà bán lẻ, khách sạn và những ngành khác.

Yếu tố đang bị lung lay ở đây là kỳ vọng hồi phục nền kinh tế nhờ nhu cầu trong nước của Bắc Kinh – điều đã trở nên quan trọng hơn khi chính phủ nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế. Năm ngoái, chi tiêu tiêu dùng đã đóng góp gần 60% tăng trưởng GDP của Trung Quốc, khi những "động cơ" truyền thống như đầu tư và xuất khẩu đã "hụt hơi".

Theo số liệu công bố hôm thứ Sáu tuần trước, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý I giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức tăng trưởng âm lần đầu tiên trong 3 thập kỷ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết nguyên nhân của việc này là do lệnh phong toả kéo dài hàng tháng và nói rằng đà phục hồi đang dần diễn ra.

Chật vật hồi phục sau đại dịch, kinh tế Trung Quốc rơi vào vòng luẩn quẩn khó có thể thoát ra - Ảnh 2.

Tuy nhiên, trong những tuần hoạt động kinh tế bị đình trệ, cùng với nhiều khoản chi tiêu bổ sung khác cần thiết để tái khởi động sản xuất, nhiều công ty đã thiếu tiền mặt. Từ đó dẫn đến tình trạng mất việc làm, thu nhập bị cắt giảm và lo ngại về triển vọng kinh tế u ám, khiến nhu cầu sử dụng hàng hoá, dịch vụ sụt giảm. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng suy thoái ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ kéo dài hơn. 

Bruce Pang– trưởng nhóm nghiên cứu vĩ mô và chiến lược tại China Renaissance Securities, nhận định: "Trung Quốc hiện phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu trong nước và tiêu dùng hộ gia đình. Đây là trụ cột mới của nền kinh tế đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Sự bùng phát mạnh đã kết thúc, nhưng nền kinh tế vẫn chịu áp lực về việc làm thế nào để phục hồi nhu cầu tiêu dùng, vì điều cần thiết là sự tăng trưởng của thu nhập khả dụng."

Jay Chan, một nha sĩ ở thành phố Đông Quan, hiểu rõ vấn đề này hơn cả. Ông cho biết số lượng bệnh nhân đã giảm hơn 70% kể từ khi phòng khám được phép mở cửa vào tháng 4. Chan chia sẻ rằng khách hàng không muốn đến trừ khi họ gặp tình huống khẩn cấp. Đà hồi phục chậm hơn dự kiến đã khiến Chan phải sa thải 3 trong số 8 y tá của phòng khám.

Ông cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục sa thải nếu mọi việc không có tiến triển vào vài tháng tới." Hơn nữa, gia đình ông cũng đang "thắt lưng buộc bụng". Thông thường, gia đình ông sẽ đi du lịch nước ngoài 2 lần/năm, nhưng năm nay lại không có kế hoạch nào ngay cả khi đại dịch kết thúc.

Doanh nghiệp buộc phải đóng cửa khi nhu cầu yếu đi

Ye Zhenqing– một chủ nhà máy ở Ôn Châu, chuyên xuất khẩu các loại kính râm sang châu Âu và Mỹ, cũng cảm nhận sự ảnh hưởng rõ rệt khi 2/3 đơn hàng của công ty bị huỷ trong thời gian đại dịch diễn ra. Ông Ye đã cắt giảm 30% lương của 100 nhân viên, yêu cầu họ chỉ làm việc nửa ngày và đồng ý bồi thường cho 10 người đồng ý nghỉ việc. Ye cho biết: "Tôi sẽ duy trì hoạt động đến tháng 7. Nếu tình hình không cải thiện, tôi sẽ phải đóng cửa nhà máy trong 3 tháng."

Trong khi đó, Zhou Dewen – chủ tịch Hiệp hội Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Ôn Châu, ước tính 1 trong số 5 nhà máy sản xuất nhằm xuất khẩu tại thành phố đã phá sản và nhiều công ty có thể không bao giờ hoạt động trở lại. Ông nói: "Tình trạng ngừng hoạt động kinh doanh có thể tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008."

Chật vật hồi phục sau đại dịch, kinh tế Trung Quốc rơi vào vòng luẩn quẩn khó có thể thoát ra - Ảnh 3.

Tất cả những yếu tố này đã gây thiệt hại cho thị trường việc làm của Trung Quốc. Vào tháng 3, Cục Thống kê Trung Quốc cho biết tỷ lệ thất nghiệp là 5,9%, có sự cải thiện so với tháng trước nhưng vẫn là con số gần như tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu khảo sát vào năm 2018. So với tỷ lệ thất nghiệp hàng năm thì đây là mức tồi tệ thứ 2 kể từ năm 1994.

Thậm chí những người may mắn có thể giữ được việc làm cũng chịu ảnh hưởng đáng kể. Xiao Yu – doanh nhân sở hữu 4 nhà hàng ở Trung Khánh, đã không sa thải bất kỳ ai trong số 80 nhân viên, nhưng giảm tới 50% mức lương. Xiao chia sẻ: "Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Dù đã mở cửa vào đầu tháng này, nhưng lượng khách vẫn rất ít, chỉ bằng 1 nửa so với trước đây."

Trong khi nhiều công ty ở Trung Quốc, từ nhỏ đến lớn, đều có những biện pháp tương tự, thì các nhà kinh tế học đã dự đoán về bức tranh ảm đạm trong những tháng tới. Pang cho hay: "Nợ hộ gia đình ở Trung Quốc đã tăng lên trong những năm gần đây. Với một tương lai bất ổn, người tiêu dùng có thể hạn chế chi tiêu hơn, đây là một rắc rối đối với các công ty Trung Quốc."

Mark Williams – kinh tế gia trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics, nhận định rằng sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu trì trệ do nhu cầu của người tiêu dùng và các công ty giảm sút. Ông cũng cảnh báo rằng nếu người dân không chi tiêu, thì nhiều công ty nữa sẽ ngừng hoạt động trong vài tuần tới. 

Tham khảo Nikkei

Chật vật hồi phục sau đại dịch, kinh tế Trung Quốc rơi vào vòng luẩn quẩn khó có thể thoát ra - Ảnh 6.

Lục Lam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên