Chứng khoán Tiên Phong (TPS) báo lãi quý 2/2024 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước
Năm 2024, TPS đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 358 tỷ đồng, và theo đó, với kết quả trong 6 tháng đầu năm, TPS đã hoàn thành 61% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cho cả năm.
Chứng khoán Tiên Phong - TPS (Mã chứng khoán ORS-HSX) công bố kết quả kinh doanh quý 2/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt gần 126 tỷ đồng, tăng mạnh 95% so với cùng kỳ.
Năm 2024, TPS đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 358 tỷ đồng, và theo đó, với kết quả trong 6 tháng đầu năm, TPS đã hoàn thành 61% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt 100 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ năm 2023, đưa lợi nhuận nửa đầu năm nay đạt gần 176 tỷ đồng, tăng 59% so với nửa đầu năm ngoái.
Lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ được dẫn dắt bởi sự cải thiện tích cực từ các mảng kinh doanh cốt lõi của TPS. Cụ thể theo số liệu báo cáo tài chính quý 2 năm 2024, lãi ròng từ các tài sản tài chính (FVTPL) và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 87 tỷ đồng, tăng 205% so với quý 2/2023. Tài sản tài chính tính đến ngày 30/6/2024 ở mức 9.782 tỷ đồng, tăng 42,3% so với đầu năm. Trong đó, tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) đạt 2.166 tỷ đồng, tăng 4,2% so với đầu năm và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 945 tỷ đồng, tăng 170% so với đầu năm.
Đáng chú ý, hoạt động cho vay ký quỹ cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, quy mô các khoản cho vay đạt 2.306 tỷ đồng, tăng 111% so với đầu năm. Nhờ vậy, lãi từ các khoản cho vay và phải thu trong quý 2 ghi nhận tăng 57,4% so với cùng kỳ, đạt gần 41 tỷ đồng.
Mảng môi giới chứng khoán dù chịu sự cạnh tranh gay gắt nhưng đã cho thấy sự cải thiện về kết quả hoạt động qua từng quý. Ở quý 2/2024, TPS ghi nhận lãi từ hoạt động môi giới đạt gần 1 tỷ đồng so với mức lỗ 1,5 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán trong quý 2 ghi nhận lãi gần 13 tỷ đồng.
Được biết, TPS đã và đang áp dụng nhiều chương trình như Sản phẩm “Năng động – M7” hay Gói sản phẩm margin siêu tiết kiệm “M-STK”. Các chương trình ưu đãi đã góp phần thúc đẩy dư nợ cho vay ký quỹ của TPS tăng đột biến trong quý 2 năm nay.
Trong khi đó, chi phí hoạt động khi chi phí quản lý công ty chứng khoán quý 2 chỉ ở mức 28 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Chi phí lãi vay ghi nhận 125 tỷ đồng, giảm 2% so với quý 2/2024.
Quy mô tài sản TPS tính đến cuối quý 2/2024 đã tăng 41,8% so với đầu năm, đạt 9.832 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 2.242 tỷ đồng. Tiềm lực tài chính vững chắc là nền tảng cho TPS đảm bảo thanh khoản và nhu cầu vốn, giúp ổn định cho các hoạt động kinh doanh.
Trước đó, vào tháng 4/2024 Đại hội đồng cổ đông của TPS đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5.608 tỷ đồng, trong đó phát hành 36.000.000 cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 100:12), phát hành 14.500.000 cổ phiếu trong đợt phát hành ESOP và phát hành thêm 210.300.000 cổ phiếu trong đợt phát hành quyền mua. Tính đến thời điểm hiện tại, TPS đã hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và sẽ tiếp tục triển khai các đợt phát hành ESOP và phát hành quyền mua trong thời gian sắp tới như kế hoạch đã được phê duyệt.
Nhịp Sống Thị Trường