MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển tiền quốc tế cần lưu ý những gì?

19-10-2019 - 09:34 AM | Tài chính - ngân hàng

Cuối năm luôn là thời điểm lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tăng mạnh do kiều bào tập trung gửi tiền về nước để người thân sắm Tết, và là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và thanh toán các hợp đồng giao dịch quốc tế.

Tiện, phí rẻ, nhưng có an toàn?

Hiện nay, ngoài cách nhờ người thân bạn bè gửi tận tay, kiều hối được chuyển về Việt Nam thông qua các hình thức chính sau: chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng, chuyển tiền qua các công ty chuyển tiền nhanh, qua "chợ đen"… Và không phải cá nhân hay doanh nghiệp nào cũng được trang bị đầy đủ thông tin pháp lý để có thể chuẩn bị tốt nhất cho giao dịch chuyển tiền quốc tế của mình.

Một số khách hàng cảm thấy bất tiện khi chuyển tiền quốc tế qua hệ thống ngân hàng vì lượng giao dịch thường tăng đột biến vào dịp cuối năm, các phòng giao dịch ngân hàng, ATM hay Internet Banking thường bị quá tải, dẫn đến việc phải chờ đợi làm thủ tục, tốn thời gian và không thích hợp khi cần nhận hay gửi tiền gấp. Thay vào đó, họ chọn cách chuyển tiền "chợ đen", khi có nhu cầu, chỉ cần một cú điện thoại, người phụ trách dịch vụ chuyển tiền "chợ đen" sẽ đến tận nơi để làm việc với mức phí rẻ hơn hoặc tương đương với các dịch vụ truyền thống. Né phí, tiện lợi, không phải chứng minh, đơn giản thực hiện… là lý do khiến nhiều người tham gia và sử dụng hoạt động chuyển tiền ngầm này.

Trên mạng xã hội hiện nay, không khó để tìm những lời rao chuyển tiền về Việt Nam miễn phí hoặc với mức phí thấp. Tuy nhiên, hình thức chuyển tiền này tiềm ẩn nhiều rủi ro và chủ yếu dựa vào niềm tin. Rất nhiều trường hợp mất tiền đáng tiếc đã xảy ra mà người mất không thể đòi lại cũng như không được đền bù.

Lựa chọn kênh chuyển tiền an toàn và hiệu quả

Về cách thức kiều hối chuyển về Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước Nam cho biết, hiện kiều hối chuyển về Việt Nam được thực hiện qua 4 kênh: hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức kinh tế, hải quan và bưu điện. Kênh chuyển tiền phổ biến nhất là qua hệ thống ngân hàng thương mại với mạng lưới rộng khắp, dịch vụ hiện đại an toàn với các giao dịch giá trị lớn, đạt khoảng 72,6% doanh số kiều hối chuyển về nước (phần còn lại có thể đi qua các kênh chuyển không chính thức).

Như vậy việc lựa chọn dịch vụ của các ngân hàng thương mại với đội ngũ nhân viên am hiểu pháp luật cũng là một trong những yếu tố quan trọng, đảm bảo cho giao dịch của khách hàng hiệu quả, thuận lợi. Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại tệ dồi dào cùng với các dòng sản phẩm ngoại hối phong phú cũng là những điểm mạnh khiến các ngân hàng thương mại vẫn đang là tổ chức hàng đầu về việc đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Hầu hết các ngân hàng thương mại ở nước ta đã tham gia vào SWIFT và liên tục được SWIFT củng cố, cập nhật những thay đổi liên quan đến hệ thống thanh toán của các thành viên SWIFT trên thế giới. Dịch vụ chuyển tiền qua hệ thống SWIFT có nhiều ưu điểm vượt trội như: tính bảo mật cao, tốc độ truyền thông tin nhanh, cho phép có thể xử lý được số lượng lớn giao dịch, và khách hàng có thể yêu cầu chuyển bất kỳ loại ngoại tệ nào với sự an toàn tuyệt đối. Bởi đây là một mạng truyền thông chỉ sử dụng trong hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính.

Các ngân hàng vẫn đang là tổ chức có đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm, luôn tư vấn cho khách hàng về quy trình thủ tục giao dịch đầy đủ và đảm bảo cho khách hàng tránh được các rủi ro trong thanh toán quốc tế. Hiện nay một số ngân hàng Việt Nam đã được các đối tác quốc tế ghi nhận tỷ lệ xử lý điện đạt chuẩn với tỷ lệ điện xử lý thông suốt (STP) gần như tuyệt đối.

Hàng năm, Bank of New York Mellon, Standard Chartered Bank, Citibank, HSBC, Wells Fargo, JP Morgan Chase… đều tổ chức đánh giá chất lượng thanh toán quốc tế của các ngân hàng TMCP Việt Nam trên cơ sở phân tích về khả năng thực hiện các giao dịch thanh toán thông suốt về tổng thể cũng như mức độ chuyên nghiệp và chất lượng của từng giao dịch hàng ngày của các ngân hàng. Trong đó, tỷ lệ điện thanh toán đạt chuẩn STP (Straight-Through-Processing) là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng việc thực hiện thanh toán tự động của các ngân hàng. Một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Agribank, Ngân hàng Sài Gòn SCB,… đều đạt tỷ lệ STP trên 90% theo đánh giá của các đối tác quốc tế. Gần đây nhất, ngày 14/10/2019, ngân hàng SCB còn được Bank of New York Mellon – 1 trong 10 ngân hàng tốt nhất trên thế giới - công nhận tỷ lệ STP lên tới 98%. Đây là tỷ lệ rất cao so với chuẩn chung của toàn ngành.

Hiện nay, khi có nhu cầu chuyển tiền quốc tế, khách hàng có thể đến giao dịch tại ngân hàng và mang theo các giấy tờ bao gồm: giấy đề nghị mua, chuyển và mang ngoại tệ ra nước ngoài (theo mẫu riêng của từng ngân hàng); bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người chuyển; hộ chiếu, visa hoặc các giấy tờ khác chứng minh người nhận tiền đang ở nước ngoài; các giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân; các giấy tờ chứng minh mục đích chuyển tiền ra nước ngoài…

Điểm nổi bật của cách thức này là thủ tục đơn giản và nhiều ưu đãi. Hơn nữa, nhiều ngân hàng Việt đã cho phép chuyển tiền đa ngoại tệ bằng cách mua ngoại tệ của ngân hàng với tỷ giá cạnh tranh. Do cách thức chuyển khoản trực tiếp, không qua trung gian, giúp khách hàng có thể yên tâm về độ bảo mật cũng như sự thuận tiện của phương thức trên.

Phương Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên