MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có thể còn một đợt giảm lãi suất điều hành nữa trong năm nay

26-06-2023 - 15:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Có thể còn một đợt giảm lãi suất điều hành nữa trong năm nay

Các chuyên gia cho rằng nửa cuối năm 2023, chính sách tiền tệ sẽ vẫn nới lỏng, song công cụ tài khóa sẽ đóng vai trò chủ lực hỗ trợ kinh tế phục hồi. Các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư sẽ cải thiện và tăng trưởng GDP sẽ tốt hơn.

Tại chương trình “Cơ hội nào cho nhà đầu tư ‘lỡ sóng’ nửa cuối năm 2023”, do công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) tổ chức mới đây, bà Phan Thị Liên - Kinh tế trưởng TPS đã có đánh giá về dư địa sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ của nhà điều hành trong những tháng cuối năm.

Theo đó, sau nhiều lần hạ lãi suất điều hành, một số loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn đã về trước dịch. Mặt khác, các chính sách vẫn chưa thẩm thấu vào nền kinh tế, lãi suất cho vay vẫn còn cao. Do đó, thời gian tới, cơ quan điều hành sẽ nỗ lực thúc đẩy giảm lãi suất cho vay nhiều hơn và có thể còn một đợt giảm lãi suất điều hành nữa trong nửa cuối năm 2023, song dư địa để tiếp tục sử dụng công cụ này là không nhiều.

Về tỷ giá, bà Liên cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua được 6 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đã khá dồi dào. Thời gian tới cơ quan này sẽ nỗ lực giữ ổn định tỷ giá và không can thiệp nhiều.

Với công cụ thị trường mở, kinh tế trưởng TPS cho biết, thanh khoản hiện tại vẫn đang tương đối dồi dào. Do đó, sự cấp thiết của việc tiếp tục mua vào các giấy tờ có giá để hỗ trợ thanh khoản đã giảm nhiều.

“Dư địa sử dụng chính sách tiền tệ không còn nhiều, nên thời gian tới sẽ cơ quan điều hành sẽ sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy thị trường trong nước nhiều hơn”, bà Liên đánh giá.

Dự báo về tình hình kinh tế nửa cuối năm 2023, Kinh tế trưởng TPS cho rằng tình hình sẽ sáng hơn. Bởi các lý do sau:

Thứ nhất, sự thẩm thấu của các chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ rõ nét hơn. Đặc biệt hoạt động đầu tư công thường được đẩy mạnh hơn trong quý III và quý IV.

Thứ hai: Giá thành các hàng hóa trong nền kinh tế sẽ được giảm xuống, do chi phí vốn đang thấp hơn, giá vốn hàng bán giảm xuống, từ đó, hoạt động tiêu dùng sẽ được kích thích trở lại. Ngoài ra, các hoạt động sản xuất kinh doanh lẫn mua sắm của người dân còn được hỗ trợ bởi các chính sách tín dụng từ phía ngân hàng.

Thứ ba : Hoạt động xuất nhập khẩu sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm.

“Trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu, tiêu dùng  hơn, đầu tư công cũng sẽ tích cực hơn. Cả năm 2023, tăng trưởng GDP sẽ quanh ngưỡng 5,5-6,5% và có khả năng đạt được mục tiêu của Quốc hội đề ra hồi đầu năm” bà Liên dự báo.

Có thể còn một đợt giảm lãi suất điều hành nữa trong năm nay - Ảnh 1.

Bà Phan Thị Liên và ông Nguyễn Xuân Cường tại chương trình

Ông Nguyễn Xuân Cường - Giám đốc Khối Môi giới chứng khoán TPS tại chương trình bổ sung, lạm phát hiện đang ở mức 2,4-2,5% thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 4% của Quốc hội. Về tỷ giá, vừa qua Việt Nam đã xuất siêu được 4,8 tỷ USD, đồng thời có thêm sự hỗ trợ từ dòng vốn FDI, ngân hàng nhà nước tích trữ USD, do đó tỷ giá vẫn đang ổn định.

“Lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, thanh khoản dồi dào trong ngắn hạn là tiền đề và cơ sở để NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Điều này cũng tạo động lực giúp lãi suất huy động và cho vay và huy động tiếp tục giảm xuống. Từ đó, doanh nghiệp dễ thở hơn và tập trung vào việc sản xuất kinh doanh trong nửa cuối năm”, ông Nguyễn Xuân Cường đánh giá.

Nhìn chung, các chuyên gia đang kỳ vọng những tháng cuối năm tình hình kinh tế sẽ lạc quan hơn. Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, có khả năng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành và dư địa để tiếp tục sử dụng các công cụ tiền sẽ không nhiều. Thay vào đó, công cụ tài khóa sẽ đóng vai trò chủ lực.

Văn Tuệ

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên