Dễ như cướp ngân hàng?
Chất lượng dịch vụ ngân hàng trước tiên là phải đảm bảo an toàn cho khách hàng, an toàn tiền gửi cho khách hàng khi đến giao dịch tại ngân hàng. Thế nhưng gần đây xảy ra rất nhiều vụ cướp ngân hàng gây hoang mang...
- 29-09-2018"Lỗ nhỏ đắm thuyền", đừng để vài cá nhân thiếu chuyên nghiệp làm mất hình ảnh đẹp của ngân hàng
- 27-09-2018Hiến kế 4 giải pháp để tăng chất lượng và doanh thu dịch vụ cho ngân hàng
- 23-09-2018Dịch vụ ngân hàng: Xin đừng để 4.0 thành 0.4
LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Trần Hoài Phong ở Mỹ Tho - Tiền Giang gửi tới cuộc thi viết về Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn đến ước mong do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
-----------------
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ cướp ngân hàng ở các địa phương với thủ đoạn hết sức manh động của tội phạm. Công tác an ninh tại các ngân hàng cũng được thắt chặt. Tuy nhiên, nhìn chung công tác bảo vệ, an toàn hoạt động tại các ngân hàng còn khá lỏng lẻo. Chất lượng dịch vụ ngân hàng trước tiên là phải đảm bảo an toàn cho khách hàng, an toàn tiền gửi cho khách hàng khi đến giao dịch tại ngân hàng. Nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, tôi xin chia sẻ với các anh chị những góc nhìn riêng về các vụ cướp ngân hàng, cũng như những kiến nghị đối với các cơ quan hữu quan để phòng, chống cướp ngân hàng có hiệu quả hơn.
Nguyên nhân các vụ cướp ngân hàng
Về nguyên nhân các vụ cướp ngân hàng, có thể kể đến các nguyên nhân cơ bản như sau:
Thứ nhất, nhân sự tại điểm giao dịch, nhất là tại các Phòng giao dịch của các ngân hàng khá mỏng. Thậm chí có điểm giao dịch chỉ có đúng 4 người: 1 bảo vệ, 01 thủ quỹ, 01 giao dịch viên và 01 kiểm soát và tại quầy đều là nhân viên nữ. Nhân viên bảo vệ chủ yếu coi xe phía bên ngoài, bên trong quầy giao dịch chỉ còn mong manh vài nữ nhân viên. Đây chính là yếu tố mà đối tượng cướp ngân hàng thường chú ý. Trên thực tế, các vụ cướp ngân hàng thời gian qua cũng hầu như đều xảy ra tại các Phòng giao dịch các ngân hàng - nơi có ít nhân viên và ít khách hàng giao dịch.
Thứ hai, nhân viên bảo vệ vừa mỏng, vừa chưa được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn về võ thuật, nghiệp vụ bảo vệ, chưa được trang bị công cụ hỗ trợ đầy đủ. Hiện nay, nhiều ngân hàng để tiết giảm chi phí thường có xu hướng chọn thuê dịch vụ bảo vệ bên ngoài với chất lượng thấp; chủ yếu làm nhiệm vụ coi xe nhiều hơn là bảo vệ an ninh. Nhân viên ngân hàng thường chưa được trang bị súng, do những phức tạp trong công tác quản lý nên phần lớn ngân hàng đều chưa trang bị súng cho nhân viên bảo vệ. Và khi cướp có súng, nhân viên ngân hàng không có công cụ tương ứng thì càng yếu thế hơn khi tội phạm tấn công và dễ dàng bị khống chế. Và ngay cả khi được trang bị súng, bảo vệ ngân hàng cũng chưa chắc có đủ can đảm để triệt hạ tên cướp vì các quy định về phòng vệ chính đáng chưa được quy định cụ thể. Vì giả sử như bảo vệ ngân hàng bắn chết cướp khi tên cướp chưa kịp thực hiện hành vi cướp ngân hàng hoặc dùng súng giả thì ít nhiều nhân viên bảo vệ sẽ gặp rắc rối.
Thứ ba, mặc dù các ngân hàng đều có những phương án bảo vệ, giả lập các tình huống phòng chống cướp ngân hàng. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố thì tất cả bị tê liệt, mất bình tĩnh và không thực hiện đúng những nội dung theo phương án bảo vệ của ngân hàng. Khi có cướp, nhân viên bảo vệ thì bỏ chạy, CBNV khác thì chưa có sự xử lý linh hoạt, chưa biết bấm nút báo động như kịch bản trong phương án bảo vệ. (Đương nhiên, việc bấm nút báo động phải tùy tình huống thực tế trên nguyên tắc ưu tiên bảo vệ tính mạng con người và sau đó mới là bảo vệ tiền và tài sản).
Thứ tư, kiến trúc xây dựng trụ sở, thiết kế quầy giao dịch của các ngân hàng chưa tính đến phương án phòng chống cướp ngân hàng. Phần lớn các điểm giao dịch ngân hàng đều tiết kiệm không gian nên cửa chính ra vào sát mặt đường, không có sân và hàng rào barie, không có cửa thoát hiểm nhằm để xử lý khi có sự có cướp ngân hàng. Khu vực giao dịch tiền mặt đập vào tầm mắt khách hàng, chưa có không gian biệt lập cho các khu vực xuất nhập, kiểm đếm tiền trước khi đem ra quầy thu chi cho khách hàng.
Thứ năm, nhân viên ngân hàng chưa được trang bị kỹ năng cần thiết liên quan đến xử lý tình huống có cướp ngân hàng. Không chỉ các nhân viên bảo vệ, nhân viên giao dịch tại quầy mà ngay cả các nhân viên các Phòng/Ban Nghiệp vụ khác cũng không sẵn sàng ứng phó, phối hợp khi nghe tiếng chuông báo động (kể cả khi các ngân hàng thử chuông cảnh báo đột xuất theo quy định). Cướp ngân hàng là tình huống không thể truy cứu trách nhiệm CBNV ngân hàng, tuy nhiên CBNV ngân hàng cũng cần có sự phối hợp tốt nhịp nhàng hơn, trách nhiệm hơn. Vì bọn tội phạm dù manh động nhưng chắc chắn cũng có những thời khắc khinh suất như khi cả hai tay tên cướp đều cầm bao tiền, những lúc tên cướp tập trung vào tiền và không để ý phía sau lưng,... Đương nhiên, với tinh thần ưu tiên bảo vệ tính mạng con người, không ai khuyến khích nhân viên ngân hàng đáp trả khi có cướp; nhưng nếu thời cơ thuận lợi và đảm bảo được an toàn cho mọi người, nhân viên ngân hàng sẽ có giải pháp chống trả phù hợp. Vấn đề là nằm ở tâm lý nhân viên ngân hàng quá hoảng sợ, mất tình tĩnh và chủ yếu lo bỏ chạy nhiều hơn là phối hợp.
Và cũng chính từ tâm lý khi xảy ra cướp ngân hàng, mất tiền là tiền của ngân hàng và đã bảo hiểm nên nhân viên ngân hàng nhiều khi cũng chưa quan tâm nhiều công tác phối hợp để khéo léo xử lý khi có cướp. Mặc dù trong quy chế bảo vệ tiền, tài sản khi áp tải hàng đặc biệt, các ngân hàng cũng thường quy định rất rõ nhiệm vụ phối hợp và xử lý tình huống của các thành viên tham gia áp tải, điều chuyển tiền.
Và sau cùng, hiện nay hình phạt cho tội phạm cướp ngân hàng còn khá nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, với hình phạt từ 10 đến 20 năm như các bản án vừa tuyên trong vụ cướp ngân hàng BIDV ở Huế và Vietcombank Trà Vinh, theo tác giả là hình phạt chưa tương xứng với hành vi tội phạm. Vì cướp ngân hàng không đơn thuần là tội danh cướp tài sản mà còn ảnh hưởng đến trật tự công cộng, an ninh tiền tệ nên mức độ nguy hiểm của loại hình tội phạm này nên được nhìn nhận lại. Đứng giữa 2 lựa chọn, một là các chủ nợ, tín dụng đen xử lý khi thiếu nợ; hai là cướp ngân hàng để trả nợ, nếu lỡ bị bắt thì chỉ bị truy tố 10 - 20 năm tù hoặc cao nhất là chung thần thì đương nhiên sẽ làm cho bọn tội phạm phải suy nghĩ.
Một số kiến nghị để phòng, chống cướp ngân hàng
Từ các vụ cướp ngân hàng xảy như tại Vietcombank Duyên Hải (Trà Vinh), Vietcombank Ninh Hòa (Khánh Hòa), BIDV Thành Nội (Huế) và gần đây nhất là tại Phòng giao dịch Vietinbank Châu Thành (Tiền Giang), tác giả xin đề xuất, kiến nghị một số giải pháp có tính thực tế nhằm góp phần phòng, chống tội phạm cướp ngân hàng như sau:
Đối với CBNV ngân hàng, nhân viên bảo vệ và các nhân viên nghiệp vụ tại các điểm giao dịch ngân hàng cần bình tĩnh để phối hợp khi xảy ra cướp ngân hàng. Với nguyên tắc ưu tiên bảo vệ tính mạng con người, nhân viên ngân hàng cần bình tĩnh, khéo léo để phối hợp và trấn áp tội phạm khi tên cướp có sơ hở. Khi buộc phải làm theo sự uy hiếp của tên cướp, ưu tiên chọn tiền mệnh giá nhỏ để giảm thiểu tổn thất và tăng mức độ cồng kềnh của bao tiền để tên cướp khó khăn hơn trên đường tẩu thoát. Việc bấm nút báo động có thể nguy hiểm đến tính mạng của nhân viên ngân hàng. Nếu được nên khéo léo để kèm điện thoại cá nhân vào bao tiền để dễ dàng định vị và truy tìm tên cướp hơn.
Đối với các tổ chức tín dụng, cần quan tâm kiến trúc xây dựng trụ sở cách xa mặt đường, có khuôn viên và hàng rào barie. Các quầy giao dịch nên kiên cố, có khu vực riêng để tiền tránh xa tầm mắt khách hàng và nên có cửa thoát hiểm khi có sự cố (cửa thoát hiểm có thể là cửa thông ra phía sau, thông vào cửa kho tiền để xử lý khi tình huống cấp bách). Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng cần quan tâm huấn luyện, đào tạo kỹ năng xử lý tình huống khi có cướp cho nhân viên, đặc biệt là nhân viên bảo vệ và các giao dịch viên tại quầy. Và nếu được, các tổ chức tín dụng nên đăng ký cấp súng cao su cho nhân viên và có quy chế quản lý chặt chẽ. Đương nhiên, khi quan sát thấy bảo vệ có trang bị súng, tên cướp cũng dè chừng và không dám manh động thực hiện hành vi cướp ngân hàng.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, cần ban hành các quy chuẩn về kiến trúc xây dựng điểm giao dịch ngân hàng phải có cửa thoát hiểm, có khu vực để tiền riêng, cổng chính phải có bậc tam cấp cao để hạn chế sự xâm nhập nhằm từng bước chuẩn hóa yêu cầu an toàn hoạt động tại các điểm giao dịch ngân hàng thương mại. Hiện Ngân hàng Nhà nước chỉ mới ban hành quy chuẩn kho tiền mà chưa có quy định về quy chuẩn kiến trúc điểm giao dịch và quầy giao dịch của các ngân hàng. Do ngành ngân hàng là ngành kinh doanh đặc biệt, cần có quy định đặc thù trong thiết kế và xây dựng trụ sở theo hướng đảm bảo phòng, chống cướp ngân hàng hiệu quả. Ngoài ra, Chi nhánh NHNN các địa phương cũng cần có những cuộc "vi hành" để kiểm tra công tác an toàn kho quỹ, an toàn giao dịch tiền mặt tại các điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại để kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh.
Đối với cơ quan công an, cần có quy chế phối hợp giữa ngành ngân hàng và ngành công an. Hiện có một số ngân hàng có vốn nhà nước liên kết với cơ quan công an, bố trí cảnh sát cơ động tham gia áp tải xe tiền và bảo vệ quầy giao dịch. Tuy nhiên, số lượng các điểm giao dịch có sự hiện diện của chiến sĩ công an còn rất ít. Chi phí chi trả cho chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm là không đáng kể so với quy mô hoạt động của các ngân hàng nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Khi có mặt cảnh sát cơ động, được đào tạo tinh nhuệ, được trang bị súng thì tin chắc rằng không đối tượng cướp ngân hàng nào dại dột và liều lĩnh vào thực hiện hành vi phạm tội. Có nhiều sáng kiến như kết nối hệ thống camera, hệ thống báo động của ngân hàng đến cảnh sát khu vực, cơ quan công an gần nhất. Tuy nhiên, việc kết nối này không hiệu quả, vì tội phạm cướp ngân hàng chỉ thực hiện hành vi phạm tội trong vài phút; còn cơ quan công an có đảm bảo đến kịp thời trong 1 - 2 phút khi nhận được tín hiệu báo động hay không? Và điều quan trọng hơn, vì lý do an toàn tính mạng, không phải bao giờ nhân viên ngân hàng cũng có thể bấm được nút báo động khi có cướp.
Đối với Quốc hội, cần xem xét sửa đổi bổ sung theo hướng tăng hình phạt đối với tội phạm cướp ngân hàng. Trước đây, theo điều 133 BLHS 1999 thì khung hình phạt cao nhất tội cướp tài sản là đến mức tử hình. Tuy nhiên, hiện nay theo điều 168 BLHS 2015 thì khung hình phạt cao nhất đối với tội cướp tài sản chỉ là chung thân, kể cả trong trường hợp làm chết người. Pháp luật hướng đến tính nhân đạo là cần thiết. Tuy nhiên, cần có một điều khoản riêng và có khung hình phạt cao hơn đối với tội phạm cướp ngân hàng. Vì cướp ngân hàng không đơn thuần chỉ là cướp tài sản mà còn ảnh hưởng đến trật tự công cộng, tâm lý người dân và an ninh an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng - một ngành nghề đặc biệt có ảnh hưởng quan trọng đến nền kinh tế và trật tự công cộng.
Đối với người dân, khách hàng nên thông thái hơn trong việc lựa chọn ngân hàng giao dịch. Ngoài lãi suất và các tiện ích của sản phẩm dịch vụ, khách hàng nên lựa chọn những ngân hàng có hệ thống an ninh tốt, được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất và lực lượng an ninh, bảo vệ, công an. Vì những vụ trộm cướp tài sản khách hàng ngoài trụ sở, trước cổng ngân hàng rất khó quy trách nhiệm cho các ngân hàng. Và động thái của khách hàng chính là yếu tố quan trọng để các ngân hàng tự hoàn thiện về công tác an ninh, an toàn hoạt động hơn.
Trí Thức Trẻ
- Sợ tiền - chuyện thật như đùa!
- Thứ khách hàng quan tâm là kết quả chứ không phải lời xin lỗi hay cam kết "suông" về dịch vụ ngân hàng
- Đằng sau lý do chuyển trụ sở từ Hà Nội vào Tp. Hồ Chí Minh của VIB là gì?
- Những mong ước về một dịch vụ ngân hàng hoàn hảo
- Nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng - yêu cầu cấp bách hiện nay!