MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất cơ chế đặc biệt làm tuyến đường gần 2.000 tỷ đồng kết nối 3 tỉnh

Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng được thực hiện theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng gần 2.000 tỷ đồng.

Chiều 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng , từ Yang Bay -Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), dự án nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại; dự án thuộc loại quan trọng quốc gia.

Đề xuất cơ chế đặc biệt làm tuyến đường gần 2.000 tỷ đồng kết nối 3 tỉnh - Ảnh 1.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: QH).

Dự án được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, với 56,9 km đường cấp III miền núi, đoạn nâng cấp mở rộng đường hiện trạng dài 19,74 km, mở mới 37,16 km. Sơ bộ tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 128,96 ha.

Dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư công, phân chia thành 2 dự án thành phần, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng khoảng 1.929,882 tỷ đồng. Phương án huy động nguồn vốn từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến tiến độ và thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2027.

Để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện dự án, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, giao UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư tương tự đối với dự án nhóm A.

Đề xuất cơ chế đặc biệt làm tuyến đường gần 2.000 tỷ đồng kết nối 3 tỉnh - Ảnh 2.

Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội (Ảnh: QH).

Thẩm tra dự án, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội - cho rằng, việc đầu tư dự án sẽ phá vỡ thế độc đạo về giao thông, hình thành mạng lưới giao thông đường bộ có tính kết nối liên vùng cao, kết nối giữa tỉnh Khánh Hòa với hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận. Dự án được đầu tư giúp tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần ổn định đời sống, rút ngắn khoảng cách thu nhập của người dân trên địa bàn 2 huyện.

Liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế, ông Huy đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa, trong quá trình thi công, nhất là quá trình nổ mìn phá đá cần có biện pháp hạn chế tác động xấu đến môi trường, đặc biệt không gây ảnh hưởng đến phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà.

Liên quan đến đề xuất cơ chế đặc biệt cho dự án, Thường trực Ủy ban đề xuất cơ chế Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, đây là dự án quan trọng quốc gia nên trách nhiệm thực hiện vẫn thuộc Chính phủ.

Theo đó, cần quy định trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, báo cáo Quốc hội trong việc thực hiện dự án để vừa bảo đảm tuân thủ pháp luật về đầu tư công, vừa tạo độ linh hoạt trong xử lý các vấn đề thực tiễn.

Liên quan đến vấn đề kinh phí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn, vì quy mô dự án khiêm tốn nhưng thời kỳ thực hiện lại quá dài, đến 2027 mới hoàn thành là quá lâu. Dự án chủ yếu sử dụng vốn Trung ương, do đó cơ cấu vốn và phân kỳ đầu tư cần tính toán thêm cho phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn để xem xét trong đầu tư công có nội dung nào vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương không.

Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên