Đề xuất thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ này vừa có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đề xuất thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập.
- 10-03-2024Cần hoàn thiện chính sách để các ngành công nghiệp nền tảng phát triển bền vững
- 10-03-2024Thủ tướng: Sớm đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - New Zealand lên 2 tỷ USD
- 10-03-2024Kinh tế Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 8/2/2024 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 133/TTg-QHĐP ngày 16/2/2024 về việc xây dựng đề án và nghị quyết của Quốc hội về việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập (tách giải phóng mặt bằng) và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ngày 26/2/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương rà soát, đề xuất dự án thí điểm thực hiện việc tách giải phóng mặt bằng do bộ, cơ quan, địa phương mình quản lý.
Dự án được đề xuất thực hiện thí điểm phải bảo đảm một số nguyên tắc, tiêu chí: dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước có quy mô dự án nhóm B, nhóm C có yêu cầu thu hồi đất để thực hiện, phù hợp với các quy hoạch liên quan; dự án đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm nguồn vốn, khả năng cân đối vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện. Thời gian dự kiến thí điểm từ thời điểm Quốc hội ban hành nghị quyết cho đến hết năm 2025.
Theo đó, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có cam kết về kế hoạch triển khai cụ thể, chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư và dự án giải phóng mặt bằng độc lập được tách riêng, bảo đảm nguồn vốn để thực hiện trong thời gian thí điểm (trường hợp được Quốc hội cho phép).
Năm 2024, kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương 657.349 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương 225.000 tỷ đồng (vốn trong nước 205.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 20.000 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương 432.349 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cùng với những giải pháp đã đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tiến độ giải ngân cho từng dự án, kịp thời chỉ đạo xử lý các khó khăn vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao theo đúng chỉ đạo của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Báo tin tức