Doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng vì kế toán 2 sổ
Báo cáo tài chính không qua kiểm toán, độ tin cậy thấp là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
- 11-07-2023Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Một mình ngân hàng không gánh nổi
- 02-06-2023Lãi suất giảm sâu, người vay cần chuẩn bị gì để dễ tiếp cận vốn?
- 26-05-2023Lãi suất giảm, sao doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn?
Sau 4 lần hạ lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã đồng loạt hạ lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với trước, phổ biến ở mức 7,5 - 8%/năm với các khoản vay trung hạn và 8 - 10%/năm với các khoản vay ngắn hạn.
Dù lãi suất đã giảm song trên thực tế khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, đặc biệt vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn là một thách thức không hề nhỏ.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội
Lý giải nguyên nhân cho vấn đề này, tại diễn đàn kết nối "Các giải pháp vốn - Tín dụng", ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) cho biết nguyên nhân lớn nhất là hiện các doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm.
Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm. Bên cạnh đó kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng và ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống.
"Đa số các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian qua, có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế. Dù đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn", ông Mạc Quốc Anh cho biết.
Giải thích sâu hơn về rào cản tiếp cận tín dụng với các DNNVV, theo ông Đinh Ngọc Dũng- Phó Giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng SHB, đối tượng doanh nghiệp này ngoài thiếu về năng lực, kinh nghiệm thì trong hệ thống báo cáo tài chính thường duy trì hai hệ thống sổ sách tài chính kế toán.
Theo ông Dũng, đối với ngân hàng khi thẩm định cũng như tính khả thi phương án cho vay thì năng lực tài chính rất quan trọng. Song do báo cáo tài chính của doanh nghiệp cung cấp cho ngân hàng không qua kiểm toán, không phải báo cáo tài chính nộp thuế nên độ tin cậy rất thấp. Điều này dẫn đến không đánh giá được năng lực tài chính, năng lực kinh doanh của khách hàng.
"Đó là một trong những hạn chế nhất khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận tín dụng", đại diện SHB đánh giá.
Ngoài ra, các DNNVV thường hoạt động đơn lẻ, khi xây dựng phương án kinh doanh chưa chứng minh được cơ sở, tính khả thi của phương án. Nên khi gửi hồ sơ cho ngân hàng thì rất khó đánh giá để cho vay, nhất là những doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo
Ông Dũng cũng cho biết rào cản tiếp theo là DNNVV thường phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm, quản lý điều hành, mối quan hệ của chủ doanh nghiệp. Vì vậy rất dễ phát sinh rủi ro hoạt động khi chủ doanh nghiệp gặp sự cố.
"Do DNNVV được đánh giá là khách hàng có khả năng phát sinh rủi ro cao. Vì vậy để cân bằng giữa rủi ro và lợi ích thu được khi cho vay các tổ chức tín dụng thường áp dụng mức lãi suất cho vay cao hơn. Dẫn đến áp lực trả nợ, chi phí tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như trả nợ của DNNVV", ông Đinh Ngọc Dũng- Phó Giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng SHB lý giải.
Ông Đinh Ngọc Dũng- Phó Giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng SHB
Doanh nghiệp muốn cắt giảm điều kiện vay vốn
Về giải pháp nâng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HANOISME Mạc Quốc Anh cho biết các doanh nghiệp mong muốn cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tối đa tỷ lệ vay tín chấp. Hiện tỷ lệ vay tín chấp chỉ chiếm 15-20%, doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm.
"Về điều kiện cho vay, ngân hàng có thể giảm bớt đến 50% số điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn vay được vốn ngân hàng, cần phải cung cấp hồ sơ, lịch sử thanh toán, công nợ, có đối tác uy tín hợp tác lâu dài thì sẽ được ưu tiên", ông Mạc Quốc Anh đề xuất.
Đại diện HANOISME cũng đề xuất cơ cấu lại các khoản vay cũ, đặc biệt là các khoản vay cũ trong quý III, IV/2022 thì sẽ đỡ gánh nặng về mặt chi phí cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Đinh Ngọc Dũng- Phó Giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng SHB cho biết, ngân hàng đang tiếp tục rà soát và sửa đổi quy trình thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt khoản vay, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số. Ngân hàng cũng tích cực nghiên cứu thị trường và thực hiện "may đo" sản phẩm phù hợp từng nhóm khách hàng để khách hàng tiếp cận vốn dễ hơn.
Các doanh nghiệp muốn cắt giảm điều kiện vay vốn
Ngoài giải pháp liên quan đến tín dụng, ông Mạc Quốc Anh cũng nhấn mạnh cần giải quyết vấn đề mấu chốt hiện nay là thị trường khi hiện nay tổng cầu của nền kinh tế đang suy giảm. Ông mong muốn các chính sách kích cầu trong những ngành thu hút nhiều lực lượng lao động như dệt may, da giày, nông nghiệp…
Ngoài ra, ông Mạc Quốc Anh cũng đề xuất các chính sách về thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hay các chương trình xúc tiến thương mại cần được thúc đẩy hơn nữa. Về phía các DNNVV cũng phải tích cực tham gia tái cấu trúc hoạt động để phù hợp với bối cảnh thị trường.
VTV.VN