MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dốc sức những tháng cuối năm cho ‘cỗ xe tam mã’

Để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế cao nhất trong những tháng cuối năm, Việt Nam cần tiếp tục đảm bảo nguồn cung từ sản xuất và tập trung vào những giải pháp thúc đẩy

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia Kinh tế tài chính
43 bài viết
Dốc sức những tháng cuối năm cho ‘cỗ xe tam mã’ - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (nguyên Giảng viên cao cấp Học viện tài chính).

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhất là đối với các lĩnh vực, ngành hàng chủ chốt từ đầu năm đến nay?

Xu hướng “kinh tế tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước” tiếp diễn trong các tháng gần đây được kỳ vọng sẽ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Với ba động lực chính là: Đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2023 được dự báo sẽ tăng trưởng thuận lợi hơn so với nửa đầu năm cho dù vẫn còn nhiều khó khăn.

Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn được coi là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam nhiều năm qua. Tăng trưởng xuất khẩu cao đã trở thành trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế, cải thiện cán cân thương mại, cán cân thanh toán, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Trong 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đã giảm mạnh 13,1%, trong đó xuất khẩu giảm 10 %, nhập khẩu giảm đến 16,2% so cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, hầu hết các tháng đều có kim ngạch xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước thể hiện sự cố gắng của các doanh nghiệp. Đặc biệt là từ tháng 7, 8/2023 do nhiều ngành như: Dệt may, da giày, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện đã có thêm các đơn hàng, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) đã tăng mạnh, từ đó giúp kim ngạch XNK của Việt Nam tiến gần hơn đến mức XNK của năm 2022.

Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi hoạt động xuất khẩu giảm, việc tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước sẽ là biện pháp quan trọng giúp tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp sản xuất, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Với thị trường 100 triệu dân, có mức thu nhập bình quân tăng lên nhanh chóng, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng trung và cao cấp ngày càng cao, thì việc nắm bắt và đáp ứng các nhu cầu của thị trường nội địa là công việc đáng được các doanh nghiệp quan tâm.

Trong điều kiện nền kinh tế vừa trải qua thời kỳ khó khăn do COVID-19 và sự sụt giảm của thương mại quốc tế, các doanh nghiệp trong nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, hoạt động đầu tư công trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã được Quốc hội và Chính phủ giao là 804.420,3 tỷ đồng (bao gồm kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2023 là 51.542,7 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2023 là 752.877,5 tỷ đồng (không bao gồm 12.887,2 tỷ đồng chưa giao). Mức đầu tư công năm 2023 cao hơn mức đầu tư công được giao năm 2022 gần 30%.

Dốc sức những tháng cuối năm cho ‘cỗ xe tam mã’ - Ảnh 2.

Giao thông là lĩnh vực chiếm nhiều vốn xây dựng cơ bản nhất hiện tại của Bắc Kạn. Bắc Kạn đang có 4 dự án trọng điểm, được đưa vào diện giám sát đặc biệt với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

Vốn đầu tư công giải ngân trong tháng 8/2023 ước đạt 61,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 352,1 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% kế hoạch năm và tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 bằng 47,6% và tăng 17,1% so cùng kỳ 2021).

Như vậy, số vốn giải ngân đầu tư công 8 tháng tăng hơn khá hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (352,1 nghìn tỷ đồng so với khoảng 212,2 nghìn tỷ đồng, nếu tính về tỷ lệ là 49,4% so với 47,6%). Tuy nhiên số vốn đầu tư công cần giải ngân từ nay đến cuối năm còn rất lớn, khoảng 370 nghìn tỷ đồng đang đòi hỏi sự quyết liệt trong thực hiện các biện pháp để có thể thực hiện chỉ tiêu giải ngân 95 - 98% mà Chính phủ đề ra để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo ông, các chính sách này sẽ tác động ra sao tới tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát?

Nếu như Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt, tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp, họ có thể đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thực hiện tốt đơn hàng đã ký với kế hoạch kinh doanh doanh nghiệp đề ra, việc Việt Nam đạt được mốc tăng trưởng cao có thể xảy ra.

Việc Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% cho nhiều loại hàng hóa từ 1/7/2023 cũng như miễn giảm 36 loại phí, lệ phí; giãm hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước… của chính sách tài khóa, đang tạo động lực rất lớn giúp cho các doanh nghiệp giảm được các chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và tăng khả năng kích cầu.

Trong đó, gia hạn thuế giúp doanh nghiệp có được một khoản vốn không phải vay ngân hàng, giảm thuế giá trị gia tăng giúp giảm giá thành sản xuất, đẩy cầu tiêu dùng tăng lên, khi hàng hóa giảm người dân sẽ tăng chi tiêu; giảm thuế còn làm giảm áp lực lạm phát, ổn định nền kinh tế.

Cùng với đó, chính sách tiền tệ cũng có tác động rất lớn, việc VND từ đầu năm đến nay vẫn giữ ổn định, chỉ sụt giảm giá trị so với USD khoảng 2%, hy vọng đến cuối năm chỉ sụt giảm 2 - 3%. Như vậy, đồng tiền ổn định giúp chi tiêu trong nền kinh tế tốt hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, giúp hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi hơn. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành và trên cơ sở đó lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm nhiều, từ đó thúc đẩy sử dụng vốn hiệu quả hơn trong nền kinh tế, kể cả đi vay hay các hoạt động huy động vốn, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn.

Ngoài ra, có những chính sách khuyến khích lãi suất thấp hơn của hệ thống ngân hàng khi giảm lãi suất 1,5 - 2% của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các chính sách ưu đãi lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội đang hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục và phát triển.

Ông dự báo ra sao đối với mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay của Việt Nam?

Có thể đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2023 như sau:

Kịch bản 1: Các cân đối vĩ mô vẫn giữ ổn định, VND ổn định với USD, các điều kiện không phải quá tốt, thực hiện ở mức bình thường, như: Xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 10% trở lại, đầu tư công giải ngân không được cao, chậm trễ đến tháng cuối năm mới giải ngân được; chỉ số tiêu dùng trong nước có tăng nhưng ở mức thấp 10 - 12%; đầu tư nước ngoài không tăng trưởng mạnh hơn; giá cả tiêu dùng trên thế giới với một số mặt hàng như xăng dầu tăng ở mức cao hơn, lấy mức dầu thô tăng vượt mốc 85 USD/thùng, thì mức tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,3 - 6,7%, lạm phát nằm trong khoảng 3,3 - 3,5%. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,5 - 7% GDP.

Kịch bản 2: Nếu thực hiện tốt tất cả các động lực tăng trưởng, đó là tăng trưởng xuất khẩu đạt 18 - 20% từ nay đến cuối năm, giải ngân đầu tư công tháng 8, 9/2023 giải ngân nhanh, đạt 75 - 80% trong quý III/2023, vòng lan tỏa của giải ngân đầu tư công tốt hơn; chỉ số tiêu dùng trong nước đạt mức như năm 2022 (khoảng 19,5%); đầu tư nước ngoài thực hiện tốt; các vấn đề an sinh xã hội được giải quyêt tốt; giá dầu thô vẫn giữ ở mức 70 - 85 USD/thùng và các chi phí khác không tăng quá cao, Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng 6,8 - 7,4%, lạm phát nằm trong khoảng 3,5 - 3,8%. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 7,0 - 7,5% GDP.

Để thực hiện được các nhiệm vụ đề ra cần thực hiện quyết liệt, kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy được các động lực tăng trưởng của nền kinh tê trong năm 2023 và tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Đó là: Cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giữ ổn định giá trị VND, kiềm chế lạm phát; kết hợp nhuần nhuyễn chính sách tiền tệ - tài khóa, điều chỉnh linh hoạt, phù hợp, để hỗ trợ khu vực sản xuất kinh doanh đẩy mạnh hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế, theo dõi, đánh giá để phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng; giữa lãi suất và tỷ giá; giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ tăng trưởng; giữa đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân.

Về phía các doanh nghiệp cần chủ động sắp xếp tinh gọn từ khâu quản lý đến hoạt động sản xuất để giảm chi phí và giảm giá thành sản phẩm. Cùng với đó, doanh nghiệp cần thực hiện tốt chế độ phúc lợi để thu hút và giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao để gắn bó lâu dài. Các doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần.

Trong điều kiện khó khăn của hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải tận dụng thời cơ để tiến hành thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để đưa ra thị trường những sản phẩm hàng hóa rẻ hơn, thu hút sức mua tăng trở lại.

Để thúc đẩy hoạt động đầu tư công trong năm 2024, các Bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, có đủ căn cứ khoa học và pháp lý để lập kế hoạch đầu tư công năm 2024. Việc giao, điều chỉnh kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội cần được thực hiện sớm theo đúng quy trình. Các Bộ, ngành, địa phương cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lập, thực hiện các kế hoạch đầu tư; thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ và chất lượng thi công các dự án đầu tư công.

Các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợ chặt chẽ, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc về thủ tục hành chính, về nguồn nguyên vật liệu, về đơn giá, định mức… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công; cần xem xét thực hiện điều chuyển vốn giữa các dự án, các chương trình, các bộ ngành và địa phương để phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng vốn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Minh Phương

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên