MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đối mặt với khủng hoảng đầu tiên trong đời ở tuổi 29, tôi vẫn bình tĩnh nhờ 7 tư duy sáng suốt khi còn trẻ: Tiền không phải lúc nào cũng dễ dàng kiếm được

17-04-2020 - 01:40 AM | Sống

Cách đây không lâu, người bạn cùng sáng lập Digital Press đã nói một điều làm thay đổi cơ bản cái nhìn của tôi về tiền bạc. Anh ấy nói: “Chúng ta vẫn chưa từng tự mình trải nghiệm một cuộc suy thoái nào cả”.

Khi khủng hoảng kinh tế diễn ra năm 2008, tôi chỉ mới 18 tuổi. 

Tôi vẫn chưa bước chân vào thế giới thực, chưa có công ăn việc làm thực sự. Tôi không hiểu được hoàn toàn thế nào là thị trường “vỡ trận” và điều đó ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống của mọi người.

Giờ đây nhìn lại, tôi đã hiểu tại sao bố mẹ mình lại căng thẳng như vậy trong suốt thời tôi học năm cuối cấp 3. Tôi có thể phần nào hiểu được cảm giác của họ, nhưng sẽ là quá ngây thơ nếu nói rằng tôi biết gánh nặng ấy ra sao.

Ở tuổi 29, lần đầu tiên tôi được trải nghiệm thế nào là “suy thoái toàn cầu”.

Hàng nghìn người đang nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Hàng quán đóng cửa. Các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự. 

Cả thế giới như dừng lại. 

Khi bạn mới tốt nghiệp, bắt đầu công việc đầu tiên, có những thành tựu đầu đời, bạn sẽ rất dễ lầm tưởng rằng mọi chuyện sẽ diễn ra như thế này mãi mãi.

Cầm trong tay chút tiền và rồi bạn nghĩ: “Tôi sẽ cứ kiếm tiền như thế này đến hết đời!”

Tuy nhiên, những người lớn tuổi hơn, thông thái hơn, giàu kinh nghiệm hơn tôi đều biết rằng điều này không có thực.

Dù đây là lần đầu tiên tôi đối mặt với khủng hoảng và đại dịch, lần đầu tiên tôi thực sự là người lớn và bị ảnh hưởng bởi những gì đang xảy ra, tôi tự nhắc nhở bản thân rằng cuộc sống sẽ vẫn luôn tiếp diễn.

Thời kỳ Đại Suy thoái không kéo dài mãi mãi. Đợt khủng hoảng năm 2008 cũng đã chấm dứt. Thị trường xuống dốc rồi lại phát triển. Cơ hội nảy nở rồi lại lại biến mất.

Tuy nhiên, những người luôn bình tĩnh và biết tận dụng cơ hội trong những thay đổi này sẽ thành công về lâu về dài.

Dưới đây là 7 tư duy mà tôi khuyến khích mọi người luôn giữ bên mình trước, trong và sau bất kỳ khoản cảnh khó khăn nào.

Đối mặt với khủng hoảng đầu tiên trong đời ở tuổi 29, tôi vẫn bình tĩnh nhờ 7 tư duy sáng suốt khi còn trẻ: Tiền không phải lúc nào cũng dễ dàng kiếm được - Ảnh 1.

Vấn đề không phải là bạn kiếm được bao nhiêu tiền

Vấn đề nằm ở chỗ bạn tiết kiệm được bao nhiêu tiền.

Bố tôi lúc nào cũng dặn điều này, nhưng bạn chỉ có thể hiểu hoàn toàn khi tự mình trải nghiệm trong đời.

Tôi biết có những người làm được 250.000 USD/năm và tiết kiệm 5.000 USD/năm. Họ sống một cuộc đời tuyệt vời, nhưng cũng tự đặt mình vào rủi ro không cần thiết.

Ngược lại, tôi biết có những người chỉ làm kiếm được 80.000 USD/năm nhưng tiết kiệm được những 20.000 USD/năm. Họ sống một cuộc đời giản dị, nhưng lại thành công về lâu dài.

Tôi khuyên bạn nên sống một cách tiết kiệm, sao cho thu nhập tăng thì tiền tiết kiệm cũng phải tăng theo.

Không bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của tiền mặt

Khi mới kiếm được chút tiền, tôi liền đem hết tất cả đi đầu tư chứng khoán. Tôi muốn bắt đầu tiết kiệm tiền từ đó. 

Nó chỉ đúng về mặt lý thuyết, cho tới khi tôi quyết định từ bỏ công việc văn phòng và trở thành một doanh nhân. Đột nhiên, tôi cảm thấy việc đầu tư tất cả vào chứng khoán có hơi chút rủi ro. Nếu thị trường sụp đổ vào ngày mai, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến tôi.

Chúng ta đang thấy chuyện tương tự xảy ra trên thị trường hiện nay.

Tiết kiệm tiền cũng có nghĩa là cân bằng giữa số tiền mặt bạn đem đi đầu tư và số tiền mặt bạn giữ bên mình. Một người thầy đã dạy tôi rằng phải có sẵn trong tay số tiền sinh hoạt của ít nhất 3 tháng. 

Cá nhân tôi luôn tiết kiệm đủ dùng cho 6-12 tháng.

Đối mặt với khủng hoảng đầu tiên trong đời ở tuổi 29, tôi vẫn bình tĩnh nhờ 7 tư duy sáng suốt khi còn trẻ: Tiền không phải lúc nào cũng dễ dàng kiếm được - Ảnh 2.

Sống theo mô hình 50/25/25

Kể từ khi tốt nghiệp đại học, tôi đã luôn đánh thuế thu nhập từ nghề “tay trái” ở nhóm thuế cao nhất (50%). Điều này có nghĩa là, tôi trích 50% mọi thu nhập của mình để gửi vào tài khoản dùng để trả thuế. 

Có hai lý do cho việc này. 

Thứ nhất, tôi muốn cho bản thân trải nghiệm cảm giác một ngày nào đó sẽ ở nhóm thuế cao nhất.

Thứ hai, tôi không muốn nợ nhiều hơn là tiết kiệm được vào cuối năm. Tôi muốn tự thưởng cho mình một khoản tiền thêm sau 12 tháng làm việc vất vả.

Ngoài ra, tôi cũng tiết kiệm ít nhất 25% số tiền của 50% còn lại. Cứ kiếm được 100 USD, tôi lại gửi 50 USD vào tài khoản thuế, 25 USD vào tài khoản tiết kiệm và chỉ để dành 25 USD còn lại để mua thực phẩm, đi du lịch, đi ăn…

Nhờ mô hình này mà tôi giữ được nhiều tiền nhất có thể. Nếu muốn hưởng thụ nhiều hơn, tôi sẽ phải tìm cách kiếm nhiều hơn, thay vì lấy từ tiền đóng thuế và tiết kiệm.

Lên kế hoạch cho viễn cảnh tồi tệ nhất

Một trong những lý do tôi luôn tiết kiệm là để chuẩn bị cho một cuộc suy thoái có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

Dù kiếm được bao nhiêu tiền, bạn cũng nên tiết kiệm và xây dựng một nền tảng tài chính.

Khi bạn chưa có nhiều tiền, điều này trông có vẻ bất khả thi hoặc không mấy quan trọng. Tuy nhiên, hãy nhắc nhở bản thân rằng “có công mài sắt, có ngày nên kim”.

50 USD rồi sẽ biến thành 100 USD. 100 USD rồi sẽ thành 500 USD. 500 USD rồi sẽ thành 2.000 USD. Thế rồi trước khi bạn kịp nhận ra, bạn đã có 5.000 USD trong tài khoản tiết kiệm của mình.

Những năm đầu tiên luôn là quãng thời gian khó khăn nhất. Nhưng sau khoảng 3 năm duy trì thói quen này, tư duy về tiền bạc của bạn cũng sẽ thay đổi - bạn sẽ hiểu được giá trị của việc tiết kiệm lâu dài.

Đối mặt với khủng hoảng đầu tiên trong đời ở tuổi 29, tôi vẫn bình tĩnh nhờ 7 tư duy sáng suốt khi còn trẻ: Tiền không phải lúc nào cũng dễ dàng kiếm được - Ảnh 3.

Làm việc để tạo ra nhiều nguồn thu nhập

Trong thế giới ngày nay, việc bạn có nhiều nguồn thu nhập khác nhau là rất quan trọng.

Mục tiêu của bạn nên là có khoảng 7 nguồn thu nhập cho bản thân, để nếu 1 cái mất đi, bạn sẽ vẫn tiếp tục xoay sở được trong thời gian sau đó.

Chơi với những người biết thận trọng về tiền bạc

Có những triệu phú tiêu từng đồng một mình làm ra, có người lại tiết kiệm phần lớn thu nhập. Kiểu thứ hai là người bạn nên chơi cùng.

Khi còn trẻ, bạn sẽ không có nhiều thu nhập để tiết kiệm hay đầu tư - nghĩa là bạn chỉ được phép dùng tiền cho những mục đích chính đáng. Nếu bạn chơi với những người tiêu hoang, bạn rồi cũng sẽ tiêu hoang giống họ.

Vì thế, tôi khuyên bạn nên tìm những người có trách nhiệm với đồng tiền để học hỏi. Họ có thể là bất cứ ai: bạn bè của gia đình, những người quen biết…

Đừng bao giờ đánh cược tất cả

Nếu gặp một cơ hội tài chính đòi hỏi bạn phải đánh cược tất cả, đừng bao giờ chấp nhận. 

Khi còn trẻ, bạn sẽ dễ dàng hồi phục sau thất bại, bởi bạn còn nhiều năm phía trước để làm lại. Tuy nhiên, tôi vẫn khuyên bạn không nên làm điều này vì nó sẽ mở đầu cho một thói quen có thể theo bạn đến già. Bạn sẽ không muốn bản thân quen dần với chuyện “đánh cược tất cả”, bởi vì khi ấy bạn sẽ sẵn sàng chấp nhận thất bại và đánh mất sự đảm bảo tài chính về mặt lâu dài.

Bài chia sẻ của Nicolas Cole - người sáng lập chuyên trang Digital Press về nghệ thuật lãnh đạo và thương hiệu cá nhân, đồng thời tác giả của nhiều cuốn sách và bài viết hay trên Medium và Quora.

(Theo Medium)

    Đối mặt với khủng hoảng đầu tiên trong đời ở tuổi 29, tôi vẫn bình tĩnh nhờ 7 tư duy sáng suốt khi còn trẻ: Tiền không phải lúc nào cũng dễ dàng kiếm được - Ảnh 5.

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên