Dự báo lãi suất huy động tiếp tục giảm
Liên tiếp các đợt hạ lãi suất tiết kiệm từ 4 ngân hàng quốc doanh đến các ngân hàng tư nhân và về mức 7%/năm kỳ hạn 12 tháng với ngân hàng quốc doanh. Chuyên gia dự báo lãi suất huy động có khả năng giảm tiếp.
- 13-05-2023Chuyên gia kỳ vọng NHNN tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành ít nhất 50 điểm cơ bản cho tới cuối năm 2023
- 13-05-2023Ngân hàng đua giảm lãi suất huy động: VietinBank, Agribank, Vietcombank đồng loạt điều chỉnh, Techcombank và VPBank cũng tham gia
- 12-05-2023Lãi suất giảm, các lĩnh vực khác còn được hưởng lợi hơn nhiều bất động sản
Gần đây, lãi suất huy động trên thị trường đã ghi nhận xu hướng giảm rõ rệt. Từ chỗ neo lãi suất huy động ở mức cao, từ đầu tháng 2 đến nay, các ngân hàng phải liên tục giảm lãi suất, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4. So với giai đoạn cao điểm hồi đầu năm, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5-2% ở tất cả kỳ hạn.
Mấy ngày gần đây, các ngân hàng tiếp tục liên tục công bố biểu lãi suất huy động mới với mức giảm khá mạnh.
Vietcombank vừa công bố giảm suất huy động từ 0,2-0,3%/năm cho nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tại quầy ở kỳ hạn từ 1-2 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống còn 4,6%/năm; kỳ hạn 12 tháng từ 7,2%/năm xuống còn 7%/năm.
Tương tự, Agribank cũng giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng từ 7,2%/năm xuống còn 7%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 1-2 tháng tại Agribank hiện là 4,6%/năm và các kỳ hạn từ 3-5 tháng là 5,1%/năm.
Tại VietinBank, lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,6%/năm; kỳ hạn từ 2 đến dưới 6 tháng giảm từ 5,4%/năm xuống 5,1%/năm; các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên không thay đổi.
Tại VPBank, lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn trên 12 tháng đồng loạt giảm 0,2%/năm. Trong đó, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12-13 tháng chỉ còn 8%/năm.
Tại TPBank, lãi suất huy động từ 6 tháng trở lên giảm từ 0,1-0,2%/năm đưa mức lãi suất cao nhất về còn 7,8%/năm, dành cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm trực tuyến.
Các chuyên gia cho rằng thời điểm này vẫn còn dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất trong thời gian tới, thậm chí là ngay quý II năm nay.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, với đà giảm lãi suất huy động như hiện nay thời điểm lãi suất cho vay giảm mạnh có thể là ngay trong tháng này. Ông Thịnh kỳ vọng lãi suất trên thị trường trong nước sẽ giảm 1,5-2% cả ở huy động và cho vay vào thời điểm đầu tháng 5.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc các ngân hàng phải giảm mạnh lãi suất huy động do đang dư thừa thanh khoản. Huy động vốn nhiều nhưng không cho vay ra được vì lãi cao, doanh nghiệp khó kiếm đơn hàng, khách hàng cá nhân cũng không dám vay để chi tiêu hay đầu tư. Và đây là một trong những yếu tố tạo sức ép để lãi suất cho vay phải giảm mạnh trong thời gian tới.
"Doanh nghiệp khó khăn, việc hạ lãi suất huy động lẫn cho vay là vô cùng cần thiết. Nó không chỉ có lợi cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế mà cho cả chính ngân hàng. Hơn nữa, ngân hàng cũng làm đúng vai trò là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế và là cộng sinh với doanh nghiệp", ông Thịnh nói.
Theo báo cáo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm, các ngân hàng thương mại đã giảm từ 0,5 - 1,5% lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng đã chủ động đưa ra gói vay ưu đãi, hay đồng loạt giảm lãi suất 0,5% với khách hàng có dư nợ tại nhà băng…
Nói về xu hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến vĩ mô, thị trường, các vụ việc liên quan đến khó khăn, đổ vỡ một số ngân hàng quốc tế, điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.
Trong đó, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất.
Tiền Phong