Đường sắt tốc độ cao: Kỳ vọng quyết tâm của Chính phủ
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh quan điểm, làm đường sắt tốc độ cao “sớm ngày nào tốt ngày đó”, và việc lựa chọn vận tốc 350 km/giờ phù hợp cả về công nghệ cũng như tầm nhìn tương lai.
- 01-07-2024Đề xuất vị trí đường sắt tốc độ cao đi qua Hà Nội
- 28-06-2024Tuyến đường sắt tốc độ cao 388km đầu tiên nối Việt Nam-Trung Quốc được Thủ tướng chốt triển khai nhanh
- 22-04-2024Thủ tướng chỉ đạo 'nóng', tuyến đường sắt tốc độ cao dài 167km nối Việt Nam-Trung Quốc sắp đón tin vui?
Ông kỳ vọng sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong việc triển khai dự án trọng điểm quốc gia này.
Tốc độ cao sẽ thu hút khách, thu hồi vốn nhanh hơn
Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đang được Chính phủ họp bàn cho ý kiến về nhiều vấn đề liên quan. Cá nhân ông có ủng hộ chủ trương sớm triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao này?
Xét về mặt tư duy đầu tư hệ thống kết cấu giao thông, đường sắt phải được làm trước, rồi sau đó mới đến đường bộ và các hệ thống giao thông quan trọng khác. Bởi vì năng lực vận tải của đường sắt rất tốt và mang lại hiệu quả cao, nên cần phải ưu tiên làm trước so với các loại hình giao thông khác. Từ đó, việc phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống các khu công nghiệp, khu dân cư phải bám vào trục đường sắt cao tốc đó, như vậy mới đúng và hiệu quả.
Bên cạnh đó, đối với tuyến đường sắt Bắc - Nam, trong nhiều năm qua, chúng ta vẫn chưa có sự nâng cấp, đầu tư thích đáng, hiệu quả chưa cao. Do vậy cần thiết đặt ra vấn đề phải làm đường sắt tốc độ cao và làm sớm ngày nào tốt ngày đó.
Về tốc độ chạy tàu, ông ủng hộ phương án 350 km/giờ hay chỉ với 250 km/giờ?
Với dự án giao thông này, việc chọn thiết kế theo tốc độ nào, cách thức đầu tư ra sao cũng là cả một câu chuyện. Thế nhưng theo tôi, nếu chúng ta làm vận tải hành khách, thì không thể làm với tốc độ quá thấp được, không thể giới hạn ở mức 150 km/giờ như tàu chở hàng được. Nhưng nếu chở hàng mà với tốc độ 350 km/giờ như chở khách cũng không được, vì trọng lượng lớn, với tốc độ cao, độ văng lớn sẽ rất phức tạp. Tàu chở khách tốc độ cao với tàu chở hàng, kết cấu cũng phải khác nhau, vì tàu chở hàng tải trọng rất lớn, thiết kế phải khác. Vì vậy, cần xây dựng đường sắt tốc độ cao với công năng phù hợp, xác định vận tải hành khách là chính và có thể kết hợp vận chuyển hàng hóa nhanh.
Với vận tải hành khách, theo tôi, việc lựa chọn tốc độ 350 km/giờ là phù hợp. Tại các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… đã có tuyến đường sắt tốc độ 400 - 500 km/giờ rồi; hay tại Trung Quốc, có tuyến thử nghiệm vận tốc còn lớn hơn. Đặc biệt về mặt kinh tế, đường sắt tốc độ cao sẽ rất hấp dẫn nhu cầu đi lại của người dân. Từ đó sẽ giúp thu hồi vốn nhanh hơn so với đầu tư đường sắt tốc độ chậm hơn.
Với đường sắt, thời gian và tốc độ là yếu tố rất quan trọng. Hiện trên thế giới đã làm được đường sắt tốc độ 700 - 800 km/giờ, thậm chí với quy mô ngắn, họ còn thí nghiệm với vận tốc có thể lên đến 1.000 km/giờ. Tôi cho rằng, đường sắt vận tốc 350 km/giờ đã lớn hơn nhiều so với giao thông đường bộ, và mức đó cũng phù hợp cả về mặt công nghệ cũng như tầm nhìn tương lai.
Cùng với đó, để phát huy hiệu quả tuyến đường sắt Bắc - Nam cũ hiện nay, có thể đầu tư, nâng cấp mở rộng khổ đạt tiêu chuẩn 1.435 mm, đảm bảo làm sao chạy không dừng, kết nối liên thông với hệ thống đường sắt quốc tế. Ví dụ tuyến đường sắt liên vận quốc tế, từ ga Yên Viên (Hà Nội) đi đến các quốc gia khác và sang điểm dài nhất là Duisburg (Đức), nếu khổ đường ray bằng nhau thì cứ thế chạy thôi, không phải dừng, tiết kiệm rất nhiều thời gian. Ở Trung Quốc và nhiều nước khác, tàu hàng cũng không phải đặt ra vấn đề phải chạy tốc độ cao. Tôi được biết, họ chỉ giới hạn trong khoảng tốc độ từ 120 - 160 km/giờ. Tuy nhiên, điều quan trọng với tàu hàng là phải đảm bảo sự thông suốt.
Phương thức PPP là lựa chọn tốt nhất
Về nguồn vốn đầu tư, với dự án giao thông trọng điểm này, cần thiết phải huy động nguồn lực qua phương thức nào, theo ông?
Rõ ràng, với dự án quan trọng này cần thiết phải có một nguồn vốn rất lớn. Huy động nguồn lực như thế nào và theo phương thức nào cũng có rất nhiều vấn đề đặt ra. Thông thường, với dự án trọng điểm quốc gia sẽ nhận được tài trợ tín dụng, công nghệ, có sự hợp tác của hai nhà nước.
Về nguồn vốn, theo tôi, nếu được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là tốt nhất, tối ưu nhất. Với phương án này, ngân sách nhà nước cũng sẽ bỏ ra chứ không phải vốn hoàn toàn từ bên ngoài. Ví dụ, ngân sách Nhà nước bỏ vốn ra hoàn toàn để giải phóng mặt bằng. Như thế vừa đảm bảo được tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, cũng không có lý do gì để xảy ra chậm tiến độ. Tránh tình trạng rất nhiều dự án hiện nay bị phạt vì chậm tiến độ.
Vừa qua, một số dự án đường bộ cao tốc đầu tư theo phương thức PPP cũng được chọn theo giải pháp này. Ví dụ đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), hay tuyến đường Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, cũng chọn giải pháp Nhà nước bỏ tiền giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư PPP.
Tôi cho rằng, nếu chọn giải pháp này, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, cộng thêm sự tài trợ về vốn của các quốc gia khác, tổ chức tài chính quốc tế, dù số tiền đầu tư rất lớn nhưng chắc chắn sẽ có những giải pháp hiệu quả về nguồn vốn, phương thức đầu tư, khai thác…
Về tiến độ, tuyến đường sắt tốc độ cao với hơn 1.500 km chạy qua 20 tỉnh, thành dự kiến được triển khai trong khoảng 10 năm, khởi công từ 2025 và phấn đấu xong vào năm 2035. Ông nhìn nhận, đánh giá gì về sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và ông có kỳ vọng dự án sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm này?
Có thể thấy rằng, sự quyết tâm của Chính phủ trong thời gian qua đã thực sự mang lại hiệu quả, được minh chứng bằng thực tiễn triển khai dự án. Như với dự án đường dây 500 kV mạch 3, trước đây chúng ta phải thi công tới 4 năm, bây giờ chỉ chưa đầy một năm đã hoàn thành. Bên cạnh kỳ tích đó, còn một loạt tuyến cao tốc được triển khai trong nhiệm kỳ này đã “vượt nắng, thắng mưa”, hoàn thành và vượt tiến độ đề ra. Điều đó khiến chúng ta thấy tin tưởng vào quyết tâm của Chính phủ, đến năm 2035 sẽ hoàn thành dự án này.
Để đạt mục tiêu đó, tôi cũng cho rằng, dự án đường sắt cao tốc này cần phải hoàn thiện và trình sớm các thủ tục đầu tư. Còn thời điểm nào trình ra Quốc hội, có lẽ cũng phải phụ thuộc vào tiến độ triển khai từ Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Bởi bên cạnh yêu cầu về tiến độ cũng đặt ra vấn đề phải chuẩn bị dự án cho thật sự chất lượng. Cái gì đã rõ mới có thể báo cáo được.
Đây là một dự án quan trọng quốc gia, với nguồn vốn lớn, thi công kéo dài, liên quan đến nhiều tỉnh… Rất nhiều khó khăn, thách thức phát sinh nhưng cá nhân tôi tin tưởng, kỳ vọng vào sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ. Tôi cũng ủng hộ dự án này sớm được triển khai, không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại mà còn phục vụ hiệu quả cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Cảm ơn ông.
Tổng nhu cầu vốn đường sắt quốc gia
khoảng 4,8 triệu tỷ đồng
“Mạng lưới đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và TPHCM được quy hoạch theo tổng nhu cầu vốn xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp xấp xỉ 1 triệu tỷ, bao gồm nâng cấp cải tạo 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440 km; xây dựng 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài hơn 2.600 km, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài 1.545 km, tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ dài trên 175 km.
Một số tuyến đường sắt đang kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP như tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; Thủ Thiêm - Long Thành, TPHCM - Tây Ninh, Tháp Chàm - Đà Lạt. Cùng với đó, sẽ đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị tại TPHCM và Hà Nội, trong đó TPHCM có 6 tuyến và Hà Nội có 8 tuyến. Tuyến đường sắt Văn Cao - Láng - Hòa Lạc ở Hà Nội đang tập trung kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, với nguồn vốn khoảng 65.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược giao thông, tại Bắc Kinh cuối tháng 6.
Tiền phong