MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Văn Thắm: Bị cáo không đủ tuổi để lừa được bà Phấn

19-09-2017 - 17:53 PM | Tài chính - ngân hàng

Khi tự bào chữa bổ sung trước tòa chiều 19/9, Hà Văn Thắm nói rằng bà Phấn là doanh nhân nổi tiếng từ lâu, bị cáo "không đủ tuổi" để lừa được bà hay đe dọa bà.

Tại phiên tòa chiều ngày 19/9, Hà Văn Thắm là bị cáo đầu tiên trong nhóm các bị cáo có luật sư bào chữa được tự bào chữa bổ sung.

Khi nói về tội vi phạm quy định về cho vay với khoản 500 tỷ đồng của Oceanbank cho công ty Trung Dung của Phạm Công Danh vay rồi gây thiệt hại cho OceanBank hơn 300 tỷ đồng, bị cáo xin HĐXX xem cho bị cáo và Nguyễn Văn Hoàn một số tình tiết đã phạm phải mà bị cáo nghĩ là khá nặng nề.

Đầu tiên, Thắm thừa nhận tội vi phạm quy định cho vay, thể hiện ở chỗ bị cáo biết những gì Khách hàng doanh nghiệp trình lên chưa đủ về tài sản tuy nhiên bị cáo vẫn cho vay nên bị cáo nhận tội này. Nhưng Bị cáo đề nghị Tòa xem xét để không cho bị cáo là chủ mưu đi làm hại cho chính mình (vì Hà Văn Thắm sở hữu hơn 73% vốn ngân hàng).

Và theo bị cáo, đây không phải là nguyên nhân khiến Oceanbank mất vốn, mà khoản vay 500 tỷ do khách hàng không sử dụng đúng mục đích, khách hàng và NH Đại Tín đã không tuân thủ thoả thuận 3 bên (là thỏa thuận giữa Đại Tín - Trung Dung - Oceanbank ký với nội dung là Đại Tín sẽ phong tỏa khoản tiền trong tài khoản cho đến khi Oceanbank nhận được đủ tài sản đảm bảo và đồng ý cho giải ngân - pv).

Bị cáo Thắm cũng nói bị cáo và Nguyễn Văn Hoàn không có động cơ mục đích nào để cho vay, không có động cơ để gây thiệt hại cho ngân hàng, không nợ gì ông Danh và bà Phấn để phải thực hiện khoản vay này.

(Trước đó cáo trạng quy buộc Hà Văn Thắm là chủ mưu còn Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh và Trần Văn Bình là đồng phạm.)

Liên quan đến việc chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín, trong phiên tòa xét xử ngày 18/9, luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn là Nguyễn Thị Thanh Thảo đã nói rằng Hà Văn Thắm đe dọa bà Phấn chuyển giao ngân hàng Đại Tín.

Theo luật sư Thảo, Hà Văn Thắm biết ngân hàng Đại Tín trong diện tái cơ cấu đã gây sức ép bà Phấn nhượng 84,92% cổ phần cho Thắm kèm theo nghĩa vụ tài chính của bà Phấn với ngân hàng. Hai bên đặt ra một con số mua tượng trưng 4 tỷ đồng, nhưng lúc ký hợp đồng, không có mặt Hà Văn Thắm mà chỉ có mặt hai nhân viên của Thắm, bản hợp đồng này được phía bà Phấn ký sẵn chuyển cho ông Thắm. Sau đó, Thắm đưa 11 nhân viên vào đảm nhận các vị trí quan trọng của ngân hàng Đại Tín.

Thời gian này Thắm quen Danh. Phạm Công Danh là khách hàng uy tín của ngân hàng OceanBank. Thắm biết Danh rất mong muốn có ngân hàng phục vụ ngành xây dựng nhưng không được thành lập ngân hàng mới. Thắm đặt vấn đề nhượng lại ngân hàng Đại Tín với giá 1.300 tỷ sau đó hạ xuống 800 tỷ đồng.

Luật sư Thảo cũng nói, Thắm đã thực hiện chuyển qua tài khoản của bà Huệ là cháu của bà Phấn số tiền 4,6 tỷ đồng đối với hợp đồng với bà Phấn. Nhưng sau đó khi bà Huệ cho biết có đối tác nước ngoài đề nghị mua ngân hàng Đại Tín, ông Thắm đã gửi email với lời lẽ đe doạ cho bà Huệ. Sau đó, Hà Văn Thắm đã sắp xếp cho ông Danh gặp bà Phấn để trao đổi việc chuyển nhượng ngân hàng. Lúc đầu, bà Phấn không đồng ý chuyển giao cho ông Danh vì không có kinh nghiệm ngân hàng, nhưng ông Thắm cho biết đã chuyển giao hết cho ông Danh và ông Danh đã thực hiện thế chấp tại BIDV. Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, bà Phấn bị buộc phải thực hiện theo.

Tự bào chữa cho bản thân chiều 19/9, Hà Văn Thắm nói rằng việc chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín giữa bị cáo và bà Phấn là chưa thực hiện. Và rằng việc bị cáo giữ chứng nhận cổ phiếu không phải là một loại giấy tờ có giá. Hợp đồng mua bán chỉ có giá trị khi Hội đồng quản trị ký và đóng dấu và NHNN phê chuẩn. Nên nếu bà Phấn không bán cho ông Danh thì có thể làm giấy chứng nhận cố phiếu mới mà không có sức ép gì.

"Bà Phấn là một doanh nhân nổi tiếng từ nhiều năm trước, bên cạnh bà lại có hỗ trợ của nhiều luật sư giỏi, bị cáo nghĩ mình không đủ tuổi để có thể lừa được bà hay đe dọa bà" - Hà Văn Thắm nói.

Trở lại khoản vay 500 tỷ của công ty Trung Dung, Hà Văn Thắm nói rằng việc bà Phấn nói hợp đồng có giấy chuyển tiền vào tháng 4 và hợp đồng Trung Dung là 8 tháng sau đó tức vào tháng 12?! - cái này cơ quan điều tra có thể xác minh rõ. Trong quá trình thực hiện khoản vay, bà Phấn chỉ gọi điện 1 lần cho bị cáo khi khoản vay đã được phê duyệt, không có chuyện bị cáo gặp gỡ để nhờ bà Phấn cho ông Danh mượn tài sản vay tiền.

"Giám đốc khối là Đặng Quỳnh Mai đã làm việc cho bị cáo 20 năm, nếu bị cáo thực sự chỉ đạo thì gọi cho chị ấy chứ không để như vậy" - bị cáo nói.

Về Trần Văn Bình là giám đốc công ty Trung Dung, Hà Văn Thắm nói rằng bản thân ông Bình cũng không đồng phạm với bị cáo. Có chăng là ông phải chịu trách nhiệm về việc Cty Trung Dung không thực hiện đúng mục đích mà thôi. 

 Vì những lý do đó đề nghị HĐXX xem xét rõ hơn về hoàn cảnh phạm tội ở hành vi cho vay sai quy định này.

Tùng Lâm - Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên