MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cả hàng hóa sau Tết vẫn cao

20-02-2016 - 09:44 AM | Thị trường

Một tuần sau kì nghỉ Tết nhưng giá cả nhiều loại rau quả vẫn ở mức cao so với ngày thường. Cung không đủ cầu được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Giá rau vẫn “ngất ngưởng”

Những tưởng giá rau cao chỉ duy trì một vài ngày sau Tết do nguồn cung rau chưa có nhiều, tuy nhiên đến nay, nhiều bà nội trợ vẫn phải “bấm bụng” trả nhiều tiền để mua rau xanh. Dạo quanh các chợ ở Hà Nội sáng 18/2, không khí mua bán đã đông đúc, tấp nập như ngày thường. Các mặt hàng thực phẩm khá dồi dào, phong phú nhưng giá vẫn ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng rau, củ, quả.

Theo đó, tại chợ Hà Đông, rau muống có giá 20.000 - 25.000 đồng/mớ, cà chua khoảng 40.000 đồng/kg, su hào giá 10.000 - 15.000 đồng/củ dù đang vào chính vụ. Mua được cây bắp cải với giá 22.000 đồng sau khi đã mặc cả, chị Nguyễn Khánh Linh (Tô Hiệu, Hà Đông) cho biết: “Biết là đắt nhưng vẫn phải mua. Tết ăn nhiều thịt ngán nên tôi mua nhiều rau để giải nhiệt và đổi món cho gia đình”.

Một tiểu thương tại chợ Hà Đông cho biết, tuần đầu tiên sau Tết, nhu cầu tiêu thụ rau xanh tăng mạnh. Khoảng 5 giờ 30 chiều là nhiều loại thực phẩm, nhất là rau xanh gần như không còn hàng để bán.

Tại chợ Thành Công, lượng khách mua rau cũng luôn đông đúc. Giá mặt hàng này cũng ở mức cao. Cụ thể, bắp cải giá 20.000 đồng/kg, cà chua khoảng 30.000 đồng/kg, cải cúc 5.000 đồng/mớ, khoai tây 30.000 đồng/kg... Theo lý giải của các tiểu thương ở đây, vì trời rét, lượng rau không nhiều để bán nên giá vẫn chưa giảm được. Bên cạnh rau xanh, cá cũng là thực phẩm được nhiều người lựa chọn nhưng mức giá khá ổn định. Cụ thể, giá cá chép 80.000 đồng/kg, rô phi 45.000 đồng/kg, trắm đen 150.000 đồng/kg...

Tại một số siêu thị như Intimex Bờ Hồ, AEON Long Biên... mặt hàng rau bày bán đã phong phú hơn so với mấy ngày sau Tết, tuy nhiên vẫn khá lèo tèo so với ngày thường. Do nguồn cung hạn chế nên người mua cũng có ít sự lựa chọn hơn.

Trong khi rau, cá tuy giá cao nhưng vẫn đắt hàng thì các loại thịt lợn, gà không được nhiều bà nội trợ tìm mua mặc dù giá không tăng, thậm chí là giảm so với trước Tết. Theo đó, thịt lợn thăn giá 120.000 đồng/kg, thịt lợn mông giá 100.000 đồng/kg; thịt bò thăn loại 1 giá 260.000 đồng/kg; gà ta sống có giá 110.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Bình, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Thái Thịnh cho biết, cả buổi sáng mà sạp thịt của chị vẫn còn hơn một nửa. Tuy nhiên, theo chị Bình, một vài ngày tới người mua sẽ tăng do nhu cầu mua thực phẩm chuẩn bị cho rằm tháng Giêng.

Khắc phục lệch pha cung cầu

Nhìn nhận về tình hình cung ứng thực phẩm dịp Tết Bính Thân vừa qua, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết giá thịt lợn, thịt bò khá ổn định, tuy nhiên người dân phải chấp nhận mua giá rau cao gấp 3 - 7 lần ngày thường. Theo ông Phú, phải sau rằm tháng Giêng thì may ra giá rau mới bình thường trở lại.

“Các siêu thị tuy mở cửa sớm sau Tết nhưng phải đến ngày 8 - 10 Tết thì mới có hàng rau. Nguồn rau này cũng chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu của thị trường. Do đó, giá rau dịp trước và sau Tết vẫn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường tự do. Tức là các tiểu thương ở chợ đưa ra giá chi phối thị trường”, ông Phú cho biết.

Thực tế, theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, rau là mặt hàng bình ổn giá và nguồn rau cung ứng dịp Tết lên đến 32.000 tấn. Với con số lớn như vậy, tại sao giá rau vẫn cao ngất ngưởng. Ông Vũ Vinh Phú nhận định, hiện có tình trạng nguồn rau chủ yếu phụ thuộc thị trường tự do chứ không phải siêu thị nên Sở Công Thương cũng khó nắm bắt nguồn rau cung ứng là bao nhiêu. “Để chủ động được nguồn cung, các cơ quan quản lý phải trả lời được các câu hỏi: Rau nằm ở đâu, bán với giá nào và thời điểm nào”, theo ông Phú.

Câu chuyện giá rau tăng cao khó kiểm soát đã từng xảy ra nhiều năm trước, cũng như có thể lặp lại ở các dịp Tết năm sau. Nó xuất phát từ sự lệch pha cung cầu hàng hóa, cụ thể nguồn cung quá ít, không đáp ứng đủ nhu cầu. Nguyên nhân khách quan là do trước Tết, đợt rét hại kỷ lục đã khiến nhiều khu vực trồng rau mất trắng. Tuy vậy, nguyên nhân chủ quan thuộc về phía cơ quan quản lý đã không chủ động nắm bắt và kiểm soát vấn đề này.

Theo ông Phú, đây là câu chuyện dài kì, muốn cung cầu được đảm bảo cần tạo điều kiện để người mua và người bán gặp được nhau. Hà Nội cần liên kết với nhiều tỉnh, thành để luôn chủ động về nguồn cung, chẳng hạn nhập rau từ Hưng Yên, nhập ngao từ Thái Bình... đồng thời quy hoạch cụ thể các nguồn hàng hóa trên địa bàn, nơi nào trồng rau gì... Nếu không điều tiết được việc này thì rất có thể mấy ngày nữa, khi trời nóng lên khiến nguồn cung rau tăng mạnh thì giá rau lại giảm quá thấp như trường hợp giá su hào của nông dân Mê Linh giảm xuống mức 300 đồng/củ phải cắt bỏ hồi đầu năm 2009.

 

Theo Hoàng Dương - Thu Hương

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên