Thừa sữa nguyên liệu – nghịch lý và… vô lý
Trong khi sữa tươi chỉ mới đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu, mỗi năm Việt Nam vẫn phải chi hơn 1 tỷ USD nhập sữa bột nhưng người nuôi bò sữa lại phải đổ sữa ra đường… Điều này cho thấy chăn nuôi bò sữa ở VN không còn là “miền đất ngọt ngào” như nhiều người kỳ vọng.
- 02-03-2016Bí đầu ra, người nông dân “khóc ròng” với sữa bò
- 12-10-2015Sữa ngoại “đè” người nuôi bò
- 20-01-2015Lâm Đồng: Tình hình thu mua sữa bò đã trở lại bình thường
Người nông dân chăn nuôi bò sữa huyện Củ Chi, TP HCM phải vật lộn với câu chuyện thừa cung – thiếu cầu không còn là hiện tượng hiếm bởi lẽ hàng ngàn hộ chăn nuôi bò sữa của tỉnh Lâm Đồng và TP Hà Nội phải mang sữa ra đường đổ vì không bán được.
Hệ lụy ai cũng thấy
Lý giải về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hệ quả của sự phát triển “nóng” vùng nguyên liệu, dẫn đến thừa “cung”, nhà máy không “hấp thụ” hết. Nhưng lại có một góc nhìn khác, mà lãnh đạo Cục chăn nuôi, Bộ NN- PTNT đã nêu ra, đó là DN sữa tăng cường nhập khẩu sữa nguyên liệu, để chế biến sữa nước hoàn nguyên, dẫn đến thừa “cung”. Hiện nay sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước thực chất mới đáp ứng được 28%, còn lại phải nhập sữa bột hoàn nguyên. Điều này cho thấy tiềm năng chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam còn lớn. Tuy nhiên thời gian vừa qua xảy ra tình trạng nông dân đổ sữa ở Hà Nội, Lâm Đồng và một số địa phương khác vì bất đồng trong thu mua sữa giữa các doanh nghiệp chế biến sữa với các bà con nông dân.
Nguyên nhân xuất phát từ giá sữa trên thị trường thế giới giảm xuống 50% giá so với cùng kỳ năm 2014. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, năm 2014 sản xuất trong nước đạt 914 triệu lít sữa nước, 450 triệu lít sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước, trừ đi số lượng sữa làm sữa chua trực tiếp từ 10- 20% còn lại khoảng 450.000 tấn sữa tươi đưa vào làm sữa nước.
Do nguồn nguyên liệu sữa tươi trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên một số doanh nghiệp đã nhập khẩu sữa bột về chế biến thành sữa nước. Mỗi lít sữa nước được pha từ sữa bột giá năm 2013 là 12.000- 13.000 đồng/lít, hiện nay giá sữa giảm xuống chỉ còn 6.300 đồng đến 6.500 đồng/lít. Trong khi đó giá mua sữa tươi trong nước của nông dân ở mức 13.500 đồng/lít. Rõ ràng giá cả chênh nhau rất lớn, các DN sản xuất sẽ có tính toán, cân nhắc khi lưạ chọn nên mua sữa tươi nguyên liệu với giá cao hay mua sữa bột hoàn nguyên để hưởng lợi nhuận cao.
Cho nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi Việt Nam đứng trong nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới, mỗi năm nhập trên 1,2 triệu tấn sữa các loại. Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/11/2013, Việt Nam nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa tới 940,6 triệu USD từ nhiều nước châu Mỹ, châu Âu, châu Á, trong đó lượng nhập khẩu lớn từ các nước: NewZealand (211 triệu USD), Mỹ (157,7 triệu USD), Singapore (114 triệu USD), Hà Lan (62,3 triệu USD), Thái Lan (54,1 triệu USD)…
“Khát” sữa tươi nguyên liệu, nhà sản xuất buộc phải nhập khẩu sữa bột để “hoàn nguyên”, biến hóa thành sữa tươi, khó trách cứ họ được. Nếu có trách thì trách cái sự nhập nhằng giữa “sữa hoàn nguyên tiệt trùng” và “sữa tươi tiệt trùng”, chẳng có nhà sản xuất nào đủ dũng khí ghi trên nhãn hàng hóa tỷ lệ thành phần nguyên liệu có trong sản phẩm sữa, ví như 100% nguyên liệu sữa bò tươi hoặc 100% sữa bột! Vì vậy, trong “ma trận” nhãn hiệu sữa trên thị trường hiện nay, chẳng người Việt nào dám chắc mình được uống sữa tươi đích thực!…
Hai giải pháp căn cơ
TS Đặng Kim Sơn – Chuyên gia nông nghiệp cho rằng, có hai vấn đề cần giải quyết từ câu chuyện này.
Thứ nhất, phải làm rõ về nguồn gốc, chất lượng sữa do các Cty sản xuất: đâu là sữa tươi tiệt trùng, đâu là sữa nước hoàn nguyên, với nguyên liệu là sữa bột nhập khẩu. Bởi nếu nhập nhèm hai loại này, sẽ là sự nhập nhèm về giá. Việc nhà máy thu mua sữa tươi của người nông dân chỉ là hình thức, còn kiếm lợi nhuận, lại là ở nguồn sữa nguyên liệu nhập vào giá rẻ. Các cơ quan chức năng như quản lý thị trường phải vào cuộc, hậu kiểm tốt để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và người nông dân.
Thứ hai phải tạo cơ chế để người nông dân, nhà sản xuất liên kết chặt chẽ với nhau. Trong hội nhập, cạnh tranh gay gắt, muốn phát triển, đi được xa, bền vững, mối liên kết này phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi bên.
Trên thực tế, theo phân tích của TS Đặng Kim Sơn, những hình mẫu liên kết trong sản xuất nông nghiệp, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, đem lại lợi ích hài hòa cho các bên đã có ở nước ta, nhưng chưa nhiều. Trong các liên kết này, DN đóng vai trò dẫn dắt, tổ chức. Người nông dân có thể trở thành người lao động của DN, hoặc là cổ đông của chính DN đó. Có như vậy, liên kết mới bền, hai bên chia sẻ lợi ích, chấp nhận lời ăn lỗ chịu trong kinh doanh, thì mới không còn cảnh phá hợp đồng, ép giá nông dân. Hỗ trợ cho các liên kết này, phải là những cam kết mạnh mẽ, thực thi hiệu quả những chính sách đúng đắn về phát triển sản xuất nông nghiệp, đã được đề ra từ rất lâu rồi, mà đến giờ, hầu như vẫn chỉ dừng ở tầm chính sách – ông Sơn phân tích.
Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn Nuôi (Bộ NN -PTNT): Tăng cường giám sát chất lượng sữa
Các cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là Bộ Công Thương, Bộ Y tế, quản lý thị trường phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để giám sát chất lượng sữa của các doanh nghiệp trên thị trường xem có đúng như doanh nghiệp công bố hay không. Nếu phân biệt rõ đâu là sữa tươi, đâu là sữa bột hoàn nguyên trên bao bì sản phẩm sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc chăn nuôi bò sữa trong nước phát triển bền vững.
Để thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững, trước hết cần phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau. Thứ hai là phải có chính sách mới để phát triển chăn nuôi bò sữa, thực hiện tốt quy hoạch của ngành sữa. Ngoài quy hoạch, giám sát chúng ta phải hình thành Ủy ban quốc gia sữa Việt Nam. Ban này sẽ thay mặt để điều chỉnh hoạt động trong ngành sữa. Chẳng hạn khi xảy ra tranh chấp thu mua sữa tươi nguyên liệu ở một số địa phương thì ban này sẽ họp lại để có tiếng nói chung để giải quyết.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, truyền thông phải tuyên truyền để người tiêu dùng nắm được sự khác biệt giữa sữa sản xuất từ 100% sữa tươi nguyên liệu trong nước và sản phẩm sữa tươi từ sữa bột hoàn nguyên về dinh dưỡng, giá thành để người tiêu dùng tùy nhu cầu quyết định nên mua sản phẩm nào.
Diễn đàn doanh nghiệp