Hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm sắp đáo hạn, ngân hàng có phải gồng mình giữ thanh khoản?
Chuyên gia cho rằng không chỉ lượng lớn tiền gửi sắp đáo hạn gây áp lực, mà còn hàng loạt yếu tố khác đang khiến các ngân hàng vẫn phải duy trì trạng thái phòng thủ, đảm bảo thanh khoản ổn định.
- 04-06-2023Lãi suất ngày 4/6: Thêm ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm
- 04-06-2023Phó Thống đốc: Nhóm Big4 mới dùng 35% room tín dụng được giao, khối cổ phần mới được một nửa
- 03-06-2023Ba nguyên nhân khiến sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu
Trong giai đoạn lãi suất cao từ tháng 9-12/2022, đã có một lượng lớn tiền gửi đổ vào hệ thống ngân hàng. Theo các thống kê của NHNN, đến cuối tháng 12/2022 tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng là 11,82 triệu tỷ đồng. Trong đó, có không ít tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, mà đến nay, các khoản tiền gửi đó đã bắt đầu đáo hạn.
Ngoài ra, hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, với khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống. Điều này đồng nghĩa với việc trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều khoản tiền gửi ngắn hạn đến kỳ tất toán.
Trong khi đó, theo cập nhật mới nhất của chúng tôi, đến hiện tại, lãi suất kỳ hạn 6 tháng chỉ còn từ 5,5% ở các ngân hàng lớn cho đến quanh 7%/năm ở các ngân hàng nhỏ và có "truyền thống" trả lãi cao - thấp hơn rất nhiều so với trước đây. Việc lãi suất thấp hơn sẽ có thể là một trở lực, ngăn những khoản tiết kiệm đáo hạn này quay trở lại ngân hàng.
Mặt khác, số liệu của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho thấy tăng trưởng tín dụng vẫn đang cao hơn so với huy động. Cụ thể, tính đến giữa tháng 5 huy động vốn của các TCTD đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,1% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, dư nợ toàn nền kinh tế đạt trên 12,25 triệu tỷ đồng, tăng 2,72% so với cuối năm 2022. Những dữ liệu này cho thấy tình hình thanh khoản của các nhà băng vẫn còn nhiều sức ép, trong khi lượng lớn tiền tiết kiệm hồi cuối năm 2022 lại sắp đáo hạn.
Tại chương trình “Tiêu điểm chứng khoán cuối tuần: Ngân hàng, Chứng khoán và bất động sản” do Công ty Chứng khoán MB (MBS) tổ chức mới đây, ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng MBS cho biết, việc lãi suất huy động lên cao từ cuối quý IV/2022 đến quý I/2023 đã khiến biên lãi thuần của các ngân hàng thu hẹp. Do đó, vừa qua, các nhà băng đã có nhiều động thái hạ lãi suất huy động. Các ngân hàng lớn và nhóm big 4 bắt đầu hạ lợi tức tiền gửi xuống dưới 7%. Trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất huy động.
“NHNN vừa qua đã bơm một lượng tiền lớn vào hệ thống thông qua việc mua lại 6 tỷ USD, đồng thời khai thông thị trường OMO. Đại diện một số NHTM cho biết thanh khoản không còn là vấn đề đáng lo ngại. Hiện nay, câu chuyện chính của ngành ngân hàng là tăng trưởng tín dụng và tìm được khách hàng tốt”, ông Tuấn đánh giá.
Ở góc nhìn của ông Trần Ngọc Báu - Tổng giám đốc công ty dữ liệu Wi Group, thanh khoản hệ thống ngân hàng nhìn chung dư thừa nhẹ. Do vừa qua thông qua nghiệp vụ OMO, NHNN đã bơm ra 80.000 tỷ đồng và dự báo thời gian tới có thể bơm thêm 30.000 tỷ.
Tuy nhiên, thanh khoản chỉ dư thừa trong ngắn hạn. Tổng tín dụng trong nền kinh tế vẫn đang cao hơn so với huy động. Ngoài ra, vừa qua nợ xấu nội bảng của các nhà băng có nhích lên. Cùng lúc, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại giảm nhanh. Dù đã có các chính sách giãn hoãn, tái cơ cấu nợ, song vấn đề này vẫn đang gây ra áp lực không nhỏ lên thanh khoản các ngân hàng.
“Dù Ngân hàng Nhà nước có bơm thêm thanh khoản, các ngân hàng sẽ có xu hướng bảo vệ mình trước bằng việc tích trữ tiền thay vì đẩy mạnh cho vay bởi nợ xấu đang tăng và tỉ lệ bao phủ nợ xấu giảm mạnh. Lãi suất chính sách có thể giảm tiếp nhưng lãi suất cho vay hoặc lãi suất huy động sẽ giảm chậm hơn” - ông Trần Ngọc Báu nhận định.
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: FTalk - Chuyên gia talk
Xem tất cả >>- VDSC: Phát hành tín phiếu không phải là tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ, nhưng không gian để nới lỏng thêm tương đối hạn chế
- Kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023, 2024
- Tỷ giá tăng cao: ‘kẻ cười, người khóc’
- Liệu có cơ hội đầu tư cổ phiếu bảo hiểm khi lãi suất tiền gửi giảm sâu?
- Lãi suất tiết kiệm chạm đáy, người dân 'đổ tiền' vào đâu?