Hơn 444.000 tỷ đồng vốn được rót vào các dự án BOT giao thông
Trong tổng số hơn 444.000 tỷ đồng vốn BOT được Bộ giao thông Vận tải huy động được, có 186.660 tỷ đồng từ nguồn vốn tư nhân.
- 17-09-2015Thanh tra hàng loạt dự án BOT giao thông, môi trường
- 30-07-2015"Siết" quản lý dự án BOT giao thông đường bộ
- 24-12-2011Đầu tư dự án BOT, BT giao thông: Nguy cơ lỗ do lãi vay cao
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 – 2015 do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
Theo đó, trong giai đoạn 2011 – 2015, tổng nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ Giao thông vận tải quản lý đã huy động được 444.040 tỷ đồng, trong đó huy động nguồn vốn tư nhân là 186.660 tỷ đồng (chiếm 42%) và thu hút, ký kết được 6,24 tỷ USD vốn ODA (tổng vốn ODA đã ký kết đến nay là 18,64 tỷ USD).
Trong tổng số 186.660 tỷ đồng huy động từ tư nhân, đã triển khai 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Trong đó, lĩnh vực đường bộ là 58 dự án với tổng mức đầu tư là 185.070 tỷ đồng; đường thủy nội địa là 01 dự án với tổng mức đầu tư là 1.303 tỷ đồng; hàng hải là 02 dự án với tổng mức đầu tư là 230 tỷ đồng; lĩnh vực đào tạo với 1 dự án với tổng mức đầu tư là 57 tỷ đồng.
Đến nay, giải ngân vốn tư nhân đạt 121.833 tỷ đồng (chiếm 32,13%) trong tổng nguồn vốn giải ngân giai đoạn này khoảng 397.213 tỷ đồng. Hai lĩnh vực chưa huy động được là đường sắt và hàng không.
Dẫn số liệu từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2014 tính khả dụng của hạ tầng giao thông Việt Nam đứng ở vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010. Năm 2012 Việt Nam đứng vị trí thứ 90 và năm 2010 đứng vị trí 103.
Các dự án BOT đã rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, đi lại an toàn hơn. Trong khi đó, tổng mức đầu tư và suất vốn đầu tư các dự án BOT sau khi tách riêng chi phí lãi vay trong quá trình xây dựng là tương tự như các dự án sử dụng vốn Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cũng thông tin, có 88 trạm thu phí trên tuyến quốc lộ, trong đó Bộ Giao thông vận tải quản lý 74 trạm thu phí, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm. Có 13 hệ thống thu phí trên các tuyến đường cao tốc, trong đó Bộ Giao thông vận tải quản lý 12 hệ thống; UBND các tỉnh quản lý 01 hệ thống.
Trong số các trạm thu phí trên quốc lộ,20 trạm có khoảng cách < 60km. Tuy nhiên, điều quan tâm nhất theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật là mức thu phí và lộ trình tăng phí hiện nay ở một số vị trí, vẫn được đánh giá là cao.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về quy trình, nguyên tắc xác định trạm thu phí, mức phí và tham vấn người sử dụng để khắc phục các tồn tại, đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Ngoài ra, việc giám sát nguồn thu tại các trạm thu phí cũng là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Giao thông Vận tải.