Khánh Hòa: Yêu cầu khẩn trương xử lý “đất ở không hình thành đơn vị ở”
Chiều 8-9, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã ký công văn yêu cầu khẩn trương xử lý “đất ở không hình thành đơn vị ở” sau khi báo chí phản ánh tình trạng đấu giá "đất ở không hình thanh đơn vị ở" tại dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô.
- 21-08-2023Điều tra phiên đấu giá 43 lô đất ở Bắc Giang
- 12-08-2023Ông Đặng Lê Nguyên Vũ muốn nhận lại 4.337 m2 đất ở Lâm Đồng
- 01-08-2023Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất ở đô thị tại các thành phố trực thuộc Hà Nội
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản số 9074/UBND- XDNĐ ngày 8-9 gửi các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Cục Thuế tỉnh, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Khánh Hòa và UBND các huyện, thị xã, thành phố: Cam Lâm, Ninh Hòa, Cam Ranh, Nha Trang về việc khẩn trương xử lý nội dung "đất ở không hình thành đơn vị ở" trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, Sở TN-MT có văn bản đề nghị tạm dừng giải quyết các thủ tục liên quan đến đất ở không hình thành đơn vị ở. Sau khi xem xét, UBND tỉnh Khánh Hòa có ý kiến như sau:
Liên quan đến việc xử lý đối với các dự án có đất ở không hình thành đơn vị ở trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh thực hiện điều chỉnh và loại bỏ hình thức "đất ở không hình thành đơn vị ở" được thể hiện tại các văn bản pháp lý của dự án về đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng.
Về việc bán đấu giả đất ở không hình thành đơn vị ở tại dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô, để tránh các giao dịch phát sinh liên quan đến "đất ở không hình thành đơn vị ở", ngoài các nội dung đã chỉ đạo có liên quan, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các Sở, ban, ngành tiếp tục thông báo cho các đơn vị trực thuộc, tổ chức, cá nhân liên quan dừng các thủ tục liên quan đến hình thức "đất ở không hình thành đơn vị ở" cho đến khi mục đích sử dụng đất được điều chỉnh theo đúng quy định của Luật Đất đai, không còn từ "đất ở không hình thành đơn vị ở".
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa về "đất ở không hình thành đơn vị ở" sau khi báo chí phản ánh việc đấu giá đất ở Dự án Sông Lô
Trước đó, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài phản ánh về việc đấu giá "đất ở không hình thành đơn vị ở" mà dự kiến hôm nay (8-9-2023) sẽ đưa ra đấu giá loại hình bất động sản không có trong Luật Đất đai.
Cụ thể, Công ty Đấu giá hợp danh Cao Nguyên thông báo đấu giá 17 quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại khu biệt thự sinh thái và 1 QSDĐ tại khu Trung tâm Dịch vụ Hội nghị quốc tế (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, cùng nằm trong dự án Sông Lô).
Theo thông báo đấu giá, 18 QSDĐ thể hiện tổng diện tích 15.211,8 m2. Trong đó, khu Trung tâm Dịch vụ Hội nghị quốc tế có diện tích 6.608 m2, 17 QSDĐ còn lại, mỗi lô từ 441,2 m2 đến 622,6 m2.
Các thửa đất có mục đích sử dụng là đất ở tại nông thôn (không hình thành đơn vị ở), thời hạn sử dụng đến ngày 9-3-2051. Người mua biệt thự, căn hộ (không hình thành đơn vị ở) gắn liền với QSDĐ được sử dụng ổn định lâu dài. Giá khởi điểm của tài sản đấu giá là 365,39 tỉ đồng; tiền đặt trước là 18,269 tỉ đồng.
Quy chế đấu giá có ghi "người trúng đấu giá/người mua được tài sản đấu giá phải chịu trách nhiệm liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng bộ sang tên, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật". Đồng thời, "người trúng đấu giá /người mua được tài sản đấu giá cam kết không được khiếu kiện Công ty Đấu giá Hợp danh Cao Nguyên, ngân hàng về nội dung này".
Dự án Sông Lô bị người dân khiến nại khiếu kiện 20 năm nay, đang có "đất ở không hình thành đơn vị ở" không có trong Luật Đất đai.
Nhiều khu đất "đất ở không hình thành đơn vị ở" tại Dự án Sông Lô được đưa ra thông báo đấu giá
Dự án Sông Lô do Công ty TNHH TM-XD Hoàn Cầu của cố doanh nhân Trần Thị Hường (Tư Hường) làm chủ đầu tư. Đây là dự án tồn tại việc khiếu kiện hơn 20 năm mà Báo Người Lao Động đã phản ánh liên tục từ năm 2017 với nhiều khuất tất.
Đến tháng 8-2020, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã cử đoàn công tác kiểm tra rà soát các nội dung phản ánh, kiến nghị của các hộ dân liên quan đến dự án.
Đến tháng 4-2022, TTCP, Bộ Tài nguyên và Môi trường có báo cáo 541/BC-TTCP làm rõ 12 nội dung của công dân. Qua đó, TTCP cho thấy công tác quản lý nhà nước về đất đai của chính quyền địa phương và việc sử dụng đất của Công ty CP Hoàn Cầu có nhiều sai phạm.
Hơn 40 hộ dân bức xúc cho rằng dự án lấy đất người dân hơn 20 năm nay nhưng không có thông báo thu hồi, nhiều hộ chưa nhận tiền bồi thường, giải tỏa... trong khi đó đất của người dân lại bị bỏ hoang..
Dự án này có diện tích hơn 8 ha thuộc phân khu IV chưa được xây dựng từ năm 2001. Cạnh đó, khu vực Trung tâm thủy sản và phía Bắc dự án quy hoạch là resort III thuộc phân khu III và một phần phân khu V từ năm 2001 đến nay vẫn chưa xây dựng.
Ngoài ra, dự án này có hơn 10 ha (thuộc phân khu VII) được bổ sung để thực hiện dự án CLB golf từ năm 2016 nhưng tới nay chưa có công trình xây dựng nào.
Người lao động