MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Đức suy thoái: Trung Quốc và Nga góp phần khiến Đức từ đầu tàu thành gánh nặng của châu Âu như thế nào?

10-07-2023 - 07:53 AM | Tài chính quốc tế

Kinh tế Đức suy thoái: Trung Quốc và Nga góp phần khiến Đức từ đầu tàu thành gánh nặng của châu Âu như thế nào?

Từng là nền kinh tế lớn nhất, cỗ máy tăng trưởng chính của châu Âu, giờ đây Đức lại trở thành gánh nặng lớn nhất cản đường châu lục tiến lên phía trước.

Nguyên nhân chủ chốt khiến kinh tế Đức suy yếu là sự phụ thuộc quá nhiều vào ngành sản xuất chế tạo. Trớ trêu thay, đây chính là đặc điểm nổi bật mà chính phủ nhiều nước phương Tây đang cố gắng sao chép, bằng cách đưa ra những chính sách phát triển công nghiệp có mục tiêu bảo vệ hoặc nuôi dưỡng những tập đoàn được coi là biểu tượng của quốc gia.

Trước đây, Đức có thể dựa vào các nhà máy để thoát khỏi bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, tận dụng nhu cầu vô tận của thế giới đối với các sản phẩm “made in Germany”. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa nhiều vấn đề cả ngắn hạn và dài hạn đã khiến lợi thế này biến mất.

Năm ngoái, gia năng lượng tăng vọt khiến chi phí sản xuất gia tăng đáng kể. Và với lạm phát cùng lãi suất tăng mạnh trên toàn thế giới, người tiêu dùng nước ngoài không phải lúc nào cũng sẵn sàng chi tiền cho những món đồ có giá cao hơn mức trung bình, dù chất lượng của chúng có tốt hơn đi chăng nữa.

“Trong bối cảnh lực cầu yếu đi trên toàn thế giới, đơn giản là sức cạnh tranh của Đức bị suy giảm”, Matthias Zachert, CEO của công ty hóa chất Lanxess nói. Mới đây công ty của ông đã phải hạ ước tính lợi nhuận cho năm nay.

Những nhà sản xuất - vốn sử dụng nhiều năng lượng - đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Nga cung cấp hơn một nửa lượng khí đốt mà Đức nhập khẩu trong năm 2021 và căng thẳng địa chính trị đã khiến nguồn cung từ Nga gần như biến mất.

Tháng 4, sản lượng của những phần tiêu tốn nhiều năng lượng trong lĩnh vực chế tạo của Đức đã sụt giảm 12,9%. Ngược lại, trên khắp châu Âu, sản lượng công nghiệp thậm chí tăng nhẹ so với 1 năm trước.

Kinh tế Đức suy thoái: Trung Quốc và Nga góp phần khiến Đức từ đầu tàu thành gánh nặng của châu Âu như thế nào? - Ảnh 1.

Các ngành sử dụng nhiều năng lượng đã cắt giảm sản lượng.

Một nguyên nhân khác là Trung Quốc – thị trường quan trọng hàng đầu đối với nhiều công ty Đức. Áp dụng chính sách phong tỏa nghiêm ngặt trong phần lớn năm ngoái và hồi phục yếu ớt hơn nhiều so với kỳ vọng trong nửa đầu năm nay, “mỏ vàng” Trung Quốc chưa thể hỗ trợ cho kinh tế Đức nhiều bằng trước đây.

Đức là thành viên duy nhất trong nhóm G20 có GDP quý I suy giảm so với 1 năm trước. Trong khi GDP Đức giảm 0,5%, GDP Mỹ tăng trưởng 1,6% trong 3 tháng đầu năm 2023. Sự yếu ớt của kinh tế Đức là một trong những nguyên nhân đẩy Eurozone vào suy thoái.

Kinh tế Đức suy thoái: Trung Quốc và Nga góp phần khiến Đức từ đầu tàu thành gánh nặng của châu Âu như thế nào? - Ảnh 2.

GDP Đức bị ảnh hưởng bởi xung đột Ukraine nhiều hơn so với các nước phát triển khác.

Tất nhiên sức cạnh tranh của công nghiệp Đức suy yếu không phải hoàn toàn do lỗi của Nga. Đức cũng đối mặt với nhiều thách thức mang tính cấu trúc, bao gồm quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo tốn nhiều chi phí nhưng chưa đem lại hiệu quả, những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu và sự thiếu hụt lao động lành nghề. Tất cả những yếu tố này khiến việc sản xuất hàng hóa ở Đức khó khăn hơn và đắt đỏ hơn.

BASF, công ty hóa chất lớn nhất nước Đức, dự định sẽ đóng cửa một phần nhà máy ở Ludwigshafen, chuyển hoạt động sản xuất sang Bỉ và Pháp.

Khảo sát thực hiện trên 400 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đức cho thấy 16% hiện đang chủ động chuyển một phần dây chuyền sản xuất và việc làm ra nước ngoài. 30% cho biết đang suy nghĩ về điều đó. Nước Mỹ, với thị trường rộng lớn và tăng trưởng nhanh hơn, là lựa chọn được nhiều người nghĩ đến.

Mức độ phụ thuộc của kinh tế Đức vào sản xuất chế tạo và xuất khẩu cao bất thường so với các nền kinh tế phát triển khác, khiến nước này giống với Trung Quốc hơn là các quốc gia châu Âu. Sản xuất đóng góp 19% GDP Đức năm 2021, cao gấp đôi so với Mỹ, Anh hay Pháp, theo số liệu của OECD.

Trong quý I/2023, có 8,1 triệu người làm việc trong các nhà máy của Đức, tương đương gần 10% dân số. Tỷ lệ ở Mỹ chưa đến 5%.

Đức đã có nhiều thập kỷ xuất siêu. Thậm chí vào đầu những năm 2000, đây còn là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đứng trên cả Trung Quốc và Mỹ. Từ năm 2016, mức độ thặng dư dần dần sụt giảm và năm ngoái rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000.

Kinh tế Đức suy thoái: Trung Quốc và Nga góp phần khiến Đức từ đầu tàu thành gánh nặng của châu Âu như thế nào? - Ảnh 3.

Trong khi sản xuất suy yếu, 1 trụ cột khác là tiêu dùng và dịch vụ lại đi ngang. Kinh tế Đức rơi vào suy thoái trong quý vừa qua một phần là do chi tiêu của các hộ gia đình sụt giảm trong bối cảnh giá thực phẩm và năng lượng tăng cao.

Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng với xu hướng lạm phát giảm và tiền lương tăng, các hộ gia đình sẽ chi tiêu nhiều hơn trong nửa cuối năm. Do đó kinh tế Đức sẽ không rơi vào suy thoái sâu.

Viện Ifo dự báo GDP Đức sẽ giảm 0,4% trong năm nay, so với mức tăng 0,6% của Eurozone, nhưng với điều kiện các hoạt động kinh tế phải khởi sắc trong những tháng còn lại. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào lực cầu của thế giới đối với hàng hóa Đức và diễn biến kinh tế Trung Quốc.

Các nhà máy Đức vẫn còn nhiều đơn đặt hàng có sẵn từ quãng thời gian chuỗi cung ứng bị gián đoạn do đại dịch. Điều này giúp họ có thêm thời gian xoay xở, nhưng số đơn đặt hàng mới vẫn sụt giảm suốt từ đầu năm ngoái đến nay. Nếu như triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu đi, số đơn hàng bị hủy sẽ tăng lên.

Berlin đã đưa ra các chính sách trợ giá năng lượng để hỗ trợ các nhà máy cho đến khi họ có thể tìm được nguồn năng lượng tái tạo rẻ hơn. Tuy nhiên, cuộc chuyển đổi chắc chắn sẽ không dễ dàng, và Đức còn phải đối mặt với 1 vấn đề khác: thiếu nhân công. Viện Ifo ước tính dù có hơn 1 triệu người nhập cư ròng trong năm ngoái, có lẽ quy mô lực lượng lao động Đức sẽ đạt đỉnh trong năm nay.

Tham khảo Wall Street Journals

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên