'Kỳ lạ' chợ trung tâm Hà Nội chỉ thấy người bán, không thấy người mua
Trung tâm thương mại Hàng Da (chợ Hàng Da, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mô hình kết hợp chợ truyền thống với trung tâm thương mại hiện đại, đạt tiêu chuẩn chợ loại 1, có tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng, đưa vào hoạt động từ tháng 10/2010, với 544 tiểu thương đăng ký kinh doanh. Mặc dù được đầu tư khang trang, nhưng tình trạng ế ẩm, vắng khách xem, mua hàng hóa tại đây kéo dài nhiều năm nay, khiến nhiều tiểu thương đã đóng cửa kios.
- 29-09-2023Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, một quốc gia châu Á đang phải vật lộn vì 'cú sốc' nguồn cung, là nhà nhập khẩu lớn thứ 5 của gạo Việt
- 29-09-2023Giá liên tục lao dốc, một loại hạt từ Mỹ đổ bộ Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu đứng thứ 3 trên thế giới
- 28-09-2023Được mùa được giá, 'hạt vàng' của Việt Nam đang được một quốc gia châu Phi cực ưa chuộng, xuất khẩu tăng hơn 3.000% trong 8 tháng đầu năm
Mục sở thị 5 tầng chợ Hàng Da, phóng viên ghi nhận cảnh ngán ngẩm của các tiểu thương trong chợ cả ngày ngồi "chém gió", "đuổi ruồi", số lượng khách ra vào chợ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thỉnh thoảng có khách du lịch vào tham quan, chụp ảnh chỉ vì hiếu kỳ trước hình ảnh chợ Trung tâm thương mại khang trang, hiện đại, nằm tại trung tâm phố cổ sầm uất nhất quận Hoàn Kiếm khi nhìn ngắm từ ngoài đường.
Tầng hầm chợ được quy hoạch để bán hàng như chợ truyền thống với đủ các mặt hàng thực phẩm rau củ quả, thịt cá, đồ khô, cửa hàng ăn uống... nhưng do bất cập về sắp xếp công năng, khách muốn vào chợ phải gửi xe đi xuống tầng hầm, không thuận tiện như các chợ truyền thống hiện nay trong khu vực quận Hoàn Kiếm, nên tình trạng khách tới chợ ngày càng thưa thớt.
Tầng 1 khang trang, sạch đẹp được quy hoạch thành các kios kinh doanh bia rượu nước giải khát nhập ngoại và quần áo thời trang, hàng thùng... nhưng do không có khách, nhiều tiểu thương đã đóng cửa, chuyển nhượng kios, hoạt động cầm chừng.
Các tầng 2, 3, 4, 5 chợ Hàng Da được quy hoạch thành khu nhà hàng, vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện, phòng tập, văn phòng cho thuê... nhưng cũng đìu hiu khách.
Chợ Hàng Da cũ rộng khoảng 3.700 m2, trước khi được “nâng cấp” thành Trung tâm thương mại vào năm 2010 nổi tiếng nhất nhì Hà Nội và khắp cả nước là chợ bia rượu, nước giải khát nhập ngoại và quần áo hàng thùng, thu hút đông khách hàng và du khách đến giao thương. Song, sau khi được "khoác áo mới" với mục tiêu đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị để quản lý, khai thác hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô nói riêng, của nền kinh tế nói chung, số lượng khách tới chợ giảm đột ngột. Không ít tiểu thương trong chợ đã có nhiều văn bản và tổ chức nhiều cuộc họp với ban quản lý chợ để giải quyết tình trạng này, thế nhưng đến nay, tình trạng vắng khách, ế ẩm vẫn chưa được cải thiện.
Đại diện các hộ tiểu thương tại đây chia sẻ, vào ngày thường, nơi đây đã vốn ít khách tới, kể từ sau dịch COVID-19, số lượng khách càng đìu hiu hơn. Nhiều ngày mở cửa ra cho có rồi lại ngồi chơi xơi nước cả ngày. Riêng thứ 7, chủ nhật, hầu hết tiểu thương đóng cửa vì mở cũng không có khách. Nhiều tiểu thương tại đây đang lâm vào tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”...
Khác với phần lớn chợ dân sinh khác tại Thủ đô, chợ Hàng Da sạch sẽ, ngăn nắp, phân khu rõ ràng. Bên trong chợ có hệ thống điều hòa không khí, đèn chiếu sáng hiện đại, công tác vệ sinh, an ninh... bảo đảm. Phần lớn các tiểu thương đều kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thế nhưng, chợ mới không thu hút được người dân vào mua hàng. Tình trạng ế ẩm, vắng khách kéo dài từ khi chợ mới khai trương đến nay, đã và đang khiến hàng trăm hộ tiểu thương bỏ kinh doanh, đóng cửa hoặc chuyển đi.
Qua tìm hiểu, việc người dân không thích vào chợ trong các Trung tâm thương mại mua sắm có nguyên nhân từ nhiều phía. Trước hết là từ chính việc bố trí các khu chợ này chưa thuận lợi. Cổng vào chợ Hàng Da nằm khuất phía sau chợ, khó tìm. Chợ dưới tầng hầm, cửa kính đóng kín, gây cảm giác ngột ngạt. Mặt khác, theo nhiều bà nội chợ, giá bán các mặt hàng trong chợ cao hơn so với giá bên ngoài. Chưa kể, xung quanh chợ Hàng Da có hàng loạt chợ truyền thống, chợ tạm, "chợ cóc" diễn ra tấp nập, nên người mua thuận tiện hơn so với chợ Hàng Da... Chính những sự bất tiện ban đầu này khiến chợ vắng khách dần.
Theo ông Trần Hoàng Hải, Trưởng phòng Hành chính (Công ty Cổ phần Thương mại Hàng Da), tầng 1 và hầm B1 của chợ Hàng Da có khoảng 600 kios kinh doanh, gồm khoảng 400 kios bán quần áo, 100 kios bán rượu bia và 100 kios bán đồ tươi sống. Tuy nhiên, hiện nay số hộ kinh doanh tại chợ đã giảm mạnh, thậm chí giảm tới 60% so với thời điểm trước. Tình trạng vắng khách đã diễn ra từ lâu, sau dịch COVID-19, thói quen mua bán của người dân chuyển sang đặt hàng online, cộng với một số công năng chưa thuận tiện, nên lượng khách đến chợ ngày một giảm đi.
Theo kế hoạch của Sở Công Thương Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Trong đó, năm 2023 sẽ xây mới 48 chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ, nhưng thực tế, việc cải tạo này vẫn còn chậm so với yêu cầu.
Báo Tin tức