MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất cho vay liên tục giảm: Tăng trưởng tín dụng có thoát đáy?

03-07-2023 - 07:07 AM | Tài chính - ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm thấp nhất trong vòng 10 năm. Các ngân hàng đang đua nhau giảm lãi suất cho vay, thậm chí đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi cho nhiều lĩnh vực. Liệu tăng trưởng tín dụng có phục hồi trong thời gian tới?

Doanh nghiệp có nhu cầu vay lớn nhưng vướng điều kiện

Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư V.A Ekatenrinburg chia sẻ, doanh nghiệp đang nợ ngân hàng nhưng vẫn có nhu cầu vay vốn để duy trì hoạt động khách sạn như trả tiền điện, lương nhân viên...

Lãi suất cho vay liên tục giảm: Tăng trưởng tín dụng có thoát đáy? - Ảnh 1.

Ngân hàng đang nỗ lực để tăng trưởng tín dụng. Ảnh: Như Ý

“Hiện tại, du lịch vẫn chưa thể phục hồi, bởi kinh tế khó khan, nhu cầu trong nước giảm trong khi khách ngoại ít. Tại Nha Trang, mới chỉ có 20% khách sạn mở cửa nên doanh nghiệp chưa thể có dòng tiền ổn định như trước. Nếu không được tiếp thêm vốn, doanh nghiệp khó lòng tồn tại. Bản thân tôi có tài sản thế chấp là bất động sản nhưng ngân hàng vẫn khó cho vay vì không thấy dòng tiền tốt”, ông Vinh nói.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings cho biết, nhu cầu vốn để hoạt động của công ty là thường xuyên và khá lớn. Tuy nhiên, ông Kỳ cho rằng, khi các ngân hàng đều vẫn giữ nguyên mọi điều kiện cho vay, sẽ có nhiều doanh nghiệp khó “vượt” rào cản này.

Theo ông Kỳ, về phía Công ty du lịch Vietravel, các hợp đồng tín dụng trước đây đều bị cắt hạn mức tín dụng chỉ còn khoảng 30 - 50%. Thậm chí, một số hợp đồng không được gia hạn nên buộc doanh nghiệp phải trả hết nợ. Còn đối với hãng hàng không Vietravel Airlines hoàn toàn không thể vay được vốn từ ngân hàng do thua lỗ kể từ khi đại dịch COVID-19 đến nay. “Cả hai lĩnh vực du lịch và hàng không đều bị các nhà băng đánh giá có tỷ lệ rủi ro cao nên chỗ không cho vay, chỗ giảm mạnh hạn mức cho vay”, ông Kỳ nói.

Với lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, kênh huy động vốn bằng trái phiếu không dễ dàng như trước đây nên giờ chỉ còn trông vào kênh vốn của ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều dự án trong tình trạng tính pháp lý chưa hoàn thiện đang chờ được “khơi thông” nên doanh nghiệp dù có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện vay.

Ngân hàng tìm đủ cách “kích” cầu tín dụng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến 15/6 dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt 3,36% so với cuối năm 2022, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cao hơn. Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn sụt giảm, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm lãi suất cho vay để kích thích cầu tín dụng. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có văn bản “thúc” các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đó, hàng loạt nhà băng như Agribank, Vietcombank, BIDV, MSB, LPBank… tiếp tục công bố thêm chương trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu và triển khai các gói tín dụng ưu đãi với quy mô lớn hàng chục nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.

Ngày 1/7, Agribank cho biết, vừa điều chỉnh giảm lãi suất cho vay lần thứ 6. Đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh với mức lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn 8%/năm.

Vietcombank cũng vừa triển khai gói vay cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bán lẻ có nhu cầu vay mua, xây sửa nhà, đất ở, vay sản xuất kinh doanh, vay mua ô tô, vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm… với mức lãi suất cho vay cố định từ 9,5%/năm tại các kỳ hạn trung và dài hạn bao gồm từ 18 tháng đến 10 năm. Từ quý II/2023, Vietcombank đưa ra gói tín dụng quy mô 55.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bán lẻ vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất từ 6,3%/năm kỳ hạn dưới 12 tháng…

BIDV cũng đang triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng. Các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại có phương án vay vốn khả thi, bảo đảm tính pháp lý, có khả năng tiêu thụ tốt và phù hợp nhu cầu thực tế về nhà ở trên thị trường sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất từ 8,5%/năm. Đối với các cá nhân, lãi suất cho vay áp dụng từ 7,8%/năm.

Trao đổi với PV Tiền Phong , PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, lãi suất tiền gửi giảm là điều kiện quan trọng để giảm lãi suất cho vay. Dự báo mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục đi xuống trong thời gian tới. Qua đó, các ngân hàng sẽ hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2023.

Trong năm 2023, các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank và BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 10-13%.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kỳ vọng, việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất lần thứ 4 sẽ giúp lãi suất cho vay mua nhà dần hạ nhiệt, từ đó tác động tích cực tới tín dụng dành cho bất động sản và thanh khoản thị trường bất động sản.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng chia sẻ: Ngành ngân hàng rất muốn tăng tín dụng. Huy động vốn mà không cho vay được thì ngân hàng vô cùng khó khăn. Do đó, ngân hàng đang nỗ lực tăng tín dụng, nhưng nguyên tắc là không phải hạ chuẩn tín dụng. Tín dụng tăng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng, hiệu quả đồng vốn đối với nền kinh tế.

“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không những không vay vốn thêm mà còn trả lại tiền vay trước đây. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang quyết liệt tìm mọi giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tín dụng trong thời gian tới. Hạn mức tiếp tục cho vay của các ngân hàng thương mại còn rất nhiều”, ông Tú nói.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến giữa tháng 6/2023, có 17 ngân hàng thương mại tiến hành cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng…với tổng số dư nợ được cơ cấu lại khoảng 150 nghìn tỷ đồng...


Theo Ngọc Mai

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên